Vì sao nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM mắc COVID-19?
Những nhân viên của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM mắc COVID-19 đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin AstraZeneca (Anh) vì sao vẫn nhiễm bệnh? Nhiều người thắc mắc như vậy vì nghĩ tiêm vắc xin là không còn nhiễm COVID-19.
Tiêm vắc xin cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Duyên Phan
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là đơn vị đầu tiên ở khu vực phía Nam được Bộ Y tế ưu tiên tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 của Anh. Có khoảng 900 người, là nhân viên các khoa, phòng, ban của bệnh viện được tiêm và đến nay tất cả đều đã hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin. Được biết đợt 1 tiêm từ ngày 8-3-2021 và đợt 2 từ giữa đến cuối tháng 4-2021.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết sau khi tiêm (2 mũi), tác dụng của vắc xin chưa thể phát huy ngay mà nó cần thời gian (mỗi loại vắc xin có quy định cụ thể) để có đủ lượng kháng thể chống lại virus.
Và những người được tiêm vắc xin COVID-19 đủ mũi, đủ thời gian vẫn có thể bị mắc COVID-19 bình thường. Lợi ích lớn nhất của việc tiêm vắc xin là giúp người bệnh (nếu mắc) tránh được diễn tiến trở nặng và hạn chế được khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh.
Đại diện AstraZeneca (đơn vị sản xuất vắc xin) cho biết vắc xin của AstraZeneca được chứng minh dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19. Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy, từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên, vắc xin của AstraZeneca giúp bảo vệ tối đa khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do COVID-19.
Trong 90 ngày sau liều đầu tiên, hiệu lực của vắc xin đạt được 76% và hiệu lực bảo vệ này được duy trì đến liều thứ hai.
Nếu khoảng thời gian giữa hai liều từ 12 tuần trở lên, hiệu lực vắc xin tăng lên 81%. Các phân tích cũng cho thấy, vắc xin có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng.
Nhân viên y tế chỉ nghỉ ngơi và làm việc tại nhà, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tụ tập bạn bè...