Trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022, tại thời điểm đang đón những lượt khách quốc tế đầu tiên và TP.HCM vừa trở thành vùng xanh sau hơn nửa năm chống chọi với đại dịch, bà Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với Tạp chí Du lịch TP.HCM.
Ngay thời điểm dịch bệnh mới tạm lắng và vẫn còn những diễn biến khó lường, TP.HCM đã táo bạo đưa ra nhiều kế hoạch phục hồi để vực dậy ngành du lịch và cũng là một trong những địa phương đầu tiên khôi phục, kích hoạt lại các hoạt động du lịch nội thành và chủ động kết nối để sớm mở lại các tour du lịch liên tuyến, liên tỉnh. Việc đưa ra những quyết sách táo bạo trong thời điểm đó chắc hẳn là không dễ dàng và đã được lãnh đạo thành phố tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng?
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trong khoảng 10-12% GRDP của Thành phố giai đoạn trước khi có dịch. Tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực dịch vụ trong các ngành kinh tế của Thành phố luôn chiếm tỷ trọng cao và định hướng phát triển Thành phố thời gian tới vẫn tiếp tục đẩy mạnh các ngành dịch vụ. Theo đó, du lịch là 1 trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu của Thành phố và là ngành dịch vụ tổng hợp. Đồng thời, phát triển du lịch còn góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu và vị thế cho TP.HCM.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM tham quan trung tâm thành phố bằng xe đạp công cộng tại Tuần lễ Du lịch TP.HCM lần thứ nhất.
Kích hoạt lại hoạt động du lịch đồng nghĩa kích hoạt lại nhiều ngành có liên quan, đặc biệt là chuỗi cung ứng hàng hoá, không chỉ của Thành phố mà còn các tỉnh thành. Khi tình hình dịch bệnh có những dấu hiệu được kiểm soát và tỷ lệ tiêm ngừa vaccine đạt tỷ lệ 80%, Thành phố quyết định kích hoạt trở lại hoạt động du lịch với phương châm “an toàn đến đâu mở cửa đến đó” và “du lịch phải an toàn”; bằng việc hồi phục với 3 giai đoạn và mỗi giai đoạn có địa bàn mở cửa - đối tượng tham gia - mục tiêu đạt được rõ ràng; bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thận trọng, không chỉ của riêng ngành du lịch mà của tất cả các ngành. Điều này thể hiện trong kế hoạch 3404 của Thành phố về phục hồi hoạt động du lịch. Chúng tôi cho rằng, đó là một kế hoạch có tính khoa học và thực tiễn cao, một kế hoạch được cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng thể hiện ý chí và quyết tâm mạnh mẽ của Thành phố trong việc khôi phục kinh tế.
Với một kế hoạch như vậy, khi được thực hiện với quyết tâm rất cao của hệ sinh thái du lịch TP.HCM - chúng ta đã có những thành công ban đầu rất đáng khích lệ.
Lễ khai mạc Ngày hội Du lịch TP.HCM năm 2021.
Hiện tại, du lịch TP.HCM đã hoàn thành 2 trong kế hoạch phục hồi 3 giai đoạn của ngành du lịch; cụ thể là đang từng bước phục hồi, khởi sắc trở lại với các tour nội thành đặc sắc, các tour liên tỉnh, liên tuyến đảm bảo an toàn. Bà đánh giá thế nào về kết quả này và theo bà, bài học kinh nghiệm mà chúng ta thu nhận được qua đó là gì?
Hai giai đoạn đầu của kế hoạch đã được ngành du lịch chủ trì phối hợp với các ngành và 21 quận huyện, thành phố Thủ Đức triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo cùng với sự đồng thuận cao và vào cuộc nhanh của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Tất cả các bên có liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và du khách đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và hướng dẫn của Thành phố về đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho du khách. Lãnh đạo Thành phố cũng đã tổ chức các đoàn công tác với sự tham gia của các sở, ngành có liên quan và doanh nghiệp du lịch để làm việc với nhiều tỉnh, thành ở các vùng khác nhau nhằm mở trở lại một số chương trình du lịch liên tuyến, liên vùng, tạo động lực và niềm tin cho doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động.
Có thể nói, kết quả đạt được trong hai giai đoạn phản ánh đúng năng lực, thực lực của ngành du lịch Thành phố, tạo động lực cho doanh nghiệp du lịch trở lại và kích thích nhu cầu du lịch của người dân.
Qua hai giai đoạn của kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn TP.HCM, bài học rút ra là: luôn luôn sẵn sàng và chủ động trong mọi tình huống để có phương án nhanh nhất; quyết liệt và khẩn trương trong triển khai thực hiện để tận dụng tốt cơ hội.
Hiện Thành phố đang ở giai đoạn 3 và đang chuẩn bị đón khách quốc tế.
Như vậy, 3 giai đoạn trong Kế hoạch phục hồi được diễn ra theo đúng lộ trình về thời gian cũng như về nội hàm trong từng giai đoạn và bước đầu đã đạt những kết quả tích cực.
Lãnh đạo TP.HCM trong chuyến khảo sát và hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh miền Tây.
Câu chuyện mở cửa du lịch đón khách quốc tế trở lại quả là một hành trình khó khăn. Thưa bà, TP.HCM đã chuẩn bị như thế nào nhằm đảm bảo an toàn cho người dân cũng như du khách và đặc biệt là có thể đem lại những trải nghiệm thoải mái và khác biệt cho khách quốc tế khi đến với TP.HCM trong giai đoạn bình thường mới?
Về phòng chống dịch bệnh, hiện tại, Thành phố có gần 100% dân số đã được tiêm mũi 2 và đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine mũi thứ ba cho người dân và đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi. Ngành y tế đã có kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh và có nhiều phương án điều trị cho bệnh nhân chuyển nặng và điều trị tại nhà cho người nhiễm thể nhẹ. Các đơn vị trong nước cũng đã được cấp phép sản xuất thuốc điều trị Covid-19. Đây là cơ sở quan trọng cho việc mở cửa du lịch.
Ngành du lịch cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón khách quốc tế trở lại bằng nhiều sản phẩm du lịch nội đô đa dạng, kết nối giữa đường bộ và đường thủy, kết hợp giới thiệu văn hoá lịch sử với trải nghiệm cho du khách trong môi trường thiên nhiên. Các sản phẩm liên tuyến giữa TP.HCM và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ cũng đã được kích hoạt sẵn sàng phục vụ. Ngành du lịch cũng đã khẩn trương hoàn thiện để giới thiệu các sản phẩm đặc sắc tại Cần Giờ. Các doanh nghiệp du lịch cũng đã có những bước khởi động lại hoạt động, sẵn sàng đón khách.
Ngành du lịch TP.HCM đã khẩn trương hoàn thiện để giới thiệu các sản phẩm đặc sắc tại Cần Giờ
Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế tại TP.HCM và đã điều chỉnh lại các bộ tiêu chí an toàn để làm cơ sở cho các doanh nghiệp tổ chức hoạt động đón khách quốc tế
Đồng thời, Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo ngành du lịch phối hợp với ngành y tế xây dựng các quy trình mẫu xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức các hoạt động du lịch để vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và doanh nghiệp.
Với từng bước “mở” vừa quyết liệt nhưng cũng rất thận trọng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, giám sát chặt chẽ hoạt động của từng khâu trong cả hệ sinh thái du lịch, Thành phố tự tin sẽ thành công trong các bước tiếp theo.
Lãnh đạo Thành phố cùng du khách khám phá tour “Từ Sài Gòn xưa đến TP.HCM nay”.
Xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi du lịch, hiện nay, các các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đang tập trung phát triển theo hướng mỗi địa phương có ít nhất 1 sản phẩm đặc trưng để thu hút khách du lịch. Nhưng thưa bà, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng Thành phố không có nhiều tài nguyên thiên nhiên để cạnh tranh với các tỉnh, thành khác. Vì thế, theo bà, cần đổi mới, sáng tạo như thế nào để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, tạo bản sắc riêng cho Thành phố?
Có nhiều mô hình trong khu vực và trên thế giới chứng minh rằng không phải có tài nguyên thiên nhiên thì mới có thể phát triển du lịch. Tất nhiên, TP.HCM là đô thị nhưng cũng có những tài nguyên thiên nhiên như rừng, có biển, có cả núi đá vôi, có hệ thống sông ngòi dày đặc. Có thể nói, TP.HCM là thành phố có sự đa dạng một cách hài hoà về văn hoá, kiến trúc và lịch sử độc đáo; có khu dự trữ sinh quyển thế giới và hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Cần Giờ; có kênh rạch chảy trong lòng Thành phố; có ẩm thực đặc sắc…
Thời gian qua, ngành du lịch đã kiểm kê và công bố 366 tài nguyên du lịch trên địa bàn Thành phố. Đây là chất liệu để phát triển du lịch Thành phố trong thời gian tới. Đặc biệt, Thành phố đang có các doanh nghiệp lữ hành và các chuyên gia du lịch hàng đầu Việt Nam. Thành phố tin rằng, với sự đồng lòng, sáng tạo và quyết liệt của ngành du lịch, Thành phố có khả năng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam và khu vực.
Bên cạnh những thiệt hại rất lớn, đại dịch Covid-19 cũng đã buộc ngành du lịch phải lựa chọn: chuyển đổi số hoặc bị bỏ lại phía sau. Việc thúc đẩy, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi du lịch. Vậy Thành phố đã có chính sách ra sao để phát triển hệ sinh thái du lịch của Thành phố ngày càng lớn mạnh và thông minh?
Thành phố đã phê duyệt Đề án du lịch thông minh do Sở Du lịch chủ trì xây dựng trong tổng thể đề án xây dựng Thành phố thông minh. Trong giai đoạn 2022 đến 2025, đề án được triển khai thực hiện với nhiều dự án thành phần sẽ tạo động lực và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, gia tăng sức cạnh tranh.
TP.HCM là nơi có truyền thống, có kinh nghiệm Đổi mới Sáng tạo, có nguồn nhân lực và hạ tầng khoa học công nghệ thuận lợi cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển. Và du lịch TP.HCM là 1 trong những điểm sáng, tiềm năng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố.
Trong thời gian qua, ngành du lịch cũng đã có nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ trong du lịch như dự án du lịch ảo 3D/3600, app du lịch, website quảng bá, liên kết với các sàn thương mại trực tuyến… Cuộc thi Khởi nghiệp - Đổi mới Sáng tạo du lịch được tổ chức 2 năm/ lần cũng là một giải pháp để tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong du lịch. Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 17 năm 2021 cũng đã được ngành du lịch tổ chức với hình thức trực tuyến, kết hợp với các sàn thương mại điện tử và là Ngày hội Du lịch trực tuyến đầu tiên của du lịch cả nước.
Đặc biệt, sau biến cố do đại dịch Covid-19 vừa qua, với những thay đổi trong sinh hoạt đời thường, trong công việc và cả thói quen du lịch, tôi tin rằng xu thế đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nói chung và của ngành du lịch TP.HCM sẽ càng diễn ra mạnh mẽ hơn.
Xin cảm ơn bà!