Từ 1/3, những mẫu hộ chiếu và CCCD nào cùng có giá trị sử dụng?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Với việc điều chỉnh chính sách về xuất, nhập cảnh và quản lý cư trú, hiện đang có nhiều mẫu hộ chiếu phổ thông và CCCD/CMND cùng có giá trị sử dụng.

Thời gian qua, một số chính sách liên quan đến công tác quản lý về cư trú và xuất, nhập cảnh có sự điều chỉnh. Điều này dẫn tới đang có nhiều mẫu hộ chiếu phổ thông (gọi tắt là hộ chiếu) và CCCD/CMND cùng có giá trị sử dụng.

Bắt đầu cấp hộ chiếu gắn chip từ 1/3

Từ ngày 1/7/2022, Bộ Công an bắt đầu triển khai cấp hộ chiếu mẫu mới (loại không gắn chip) theo quy định tại Thông tư 73/2021. Theo giới thiệu, mẫu mới có nhiều cải tiến, đảm bảo kỹ thuật bảo an, khó làm giả; được thiết kế công phu, trên mỗi trang đều có hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của Việt Nam.

Từ 1/3, những mẫu hộ chiếu và CCCD nào cùng có giá trị sử dụng? - 1

Từ 1/3/2023, Bộ Công an cũng như cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ triển khai cấp hộ chiếu gắn chip. Ảnh: Anh Quân

Cùng với việc cấp hộ chiếu mẫu mới, Bộ Công an cho biết hộ chiếu mẫu cũ đã cấp trước ngày 1/7/2022 sẽ tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong hộ chiếu.

Sau khoảng 1 tháng triển khai mẫu mới, một số quốc gia từ chối cấp visa cho công dân Việt Nam vì hộ chiếu không có thông tin nơi sinh.

Tháng 11/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 76, đồng ý bổ sung nơi sinh vào hộ chiếu. Đến tháng 12.2022, Bộ Công an ban hành Thông tư 68/2022 để sửa đổi, bổ sung Thông tư số 73/2021 quy định về mẫu hộ chiếu.

Tiếp đó, từ 1/1/2023, Bộ Công an và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bắt đầu triển khai cấp hộ chiếu bổ sung thông tin nơi sinh. Mẫu này giữ nguyên hình thức, chất liệu như mẫu trước đó. Điểm khác là bổ sung thông tin nơi sinh và tách riêng "họ", "chữ đệm và tên" trên 2 dòng riêng biệt.

Cùng với hộ chiếu bổ sung nơi sinh, Bộ Công an khẳng định hộ chiếu đã cấp trước ngày 1/1/2023 theo các mẫu đã ban hành trước đây vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong hộ chiếu.

Và từ 1/3 tới đây, Bộ Công an cũng như cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ triển khai cấp hộ chiếu gắn chip. Mẫu này được giới thiệu có thể lưu trữ nhiều thông tin hơn, không chỉ họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch mà có cả sinh trắc học, ví dụ như vân tay, mống mắt, khuôn mặt, nhóm máu. Mẫu gắn chip còn là cơ sở để tự động hóa công tác kiểm soát cửa khẩu, tạo thuận lợi cho việc đi lại, xuất nhập cảnh giữa các nước…

Bộ Công an cho hay, hộ chiếu không gắn chip và hộ chiếu gắn chip sẽ được sử dụng song hành.

Như vậy, kể từ 1/3, 4 mẫu hộ chiếu có thể cùng có giá trị sử dụng, gồm: mẫu cũ cấp trước ngày 1.7.2022 (vẫn còn thời hạn), mẫu theo Thông tư 73/2021, mẫu theo Thông tư 68/2022 và mẫu gắn chip.

Đề xuất sửa đổi mẫu CCCD

Tương tự với hộ chiếu, hiện nay cũng đang có nhiều mẫu CMND/CCCD có thể cùng có giá trị sử dụng.

Với CMND, trường hợp người dân đang sử dụng loại 9 số và 12 số thì các giấy tờ tùy thân này vẫn có giá trị cho đến khi hết thời hạn kể từ ngày cấp (15 năm).

Từ 1/3, những mẫu hộ chiếu và CCCD nào cùng có giá trị sử dụng? - 2

Hiện nay đang có nhiều mẫu CCCD/CMND cùng có giá trị sử dụng. Ảnh: Tuyến Phan 

Với CCCD, hiện có 2 mẫu thẻ gồm loại mã vạch và gắn chip. Cả 2 đều có giá trị sử dụng như nhau. Tuy nhiên, CCCD gắn chip được đánh giá nhiều điểm ưu việt hơn.

Theo giới thiệu, CCCD gắn chip có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như ứng dụng chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần…

Việc sử dụng CCCD gắn chip sẽ thuận lợi trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước. Khi thẻ tích hợp đầy đủ các thông tin, người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng CCCD gắn chip là có thể thực hiện được các giao dịch.

Tính đến cuối tháng 12/2022, toàn quốc đã cấp hơn 76,5 triệu thẻ CCCD gắn chip cho người dân.

Mới đây nhất, trong dự thảo luật CCCD sửa đổi, Bộ Công an đề xuất sửa một số thông tin trên mặt thẻ CCCD gắn chip. Trong đó, số CCCD sẽ đổi thành mã số định danh cá nhân, quê quán đổi thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú đổi thành nơi cư trú, lược bỏ vân tay…

Bộ Công an còn đề xuất tất cả CMND đã được cấp sẽ có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024, thay vì 15 năm như quy định hiện hành; đồng thời mở rộng đối tượng được cấp CCCD với cả người dưới 14 tuổi.

Như vậy, ở thời điểm hiện tại, người dân có thể sử dụng 4 mẫu giấy tờ tùy thân đều có giá trị pháp lý, gồm: CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch và CCCD gắn chip. Tới đây, nếu đề xuất của Bộ Công an được thông qua, sẽ có thêm một mẫu nữa là CCCD gắn chip sửa đổi.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tuyến Phan (Báo Thanh Niên)

CLIP HOT