Trên 40% nhân lực khách sạn chưa hài lòng với công việc
Dưới ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19 trong hai năm qua, nhiều nhân sự làm việc trong ngành khách sạn buộc phải chuyển nghề để kiếm sống. Việc này làm dấy lên tình trạng thiếu hụt lao động tại đa số khách sạn trên cả nước.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam từ đầu năm đến nay, ngành du lịch đã và đang chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng. Du lịch nội địa đạt hơn 70 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu cả năm đã đề ra (60 triệu lượt) và cũng gần bằng cả năm 2019 – năm kỷ lục của du lịch Việt Nam từ trước đến nay. Đồng thời, số liệu cũng cho thấy, lượng du khách quốc tế đến nước ta đang dần hồi phục.
Hậu COVID-19, “làn sóng” đi du lịch của du khách trên thế giới ngày càng dâng cao, khiến lĩnh vực khách sạn Việt Nam phải đau đầu giải quyết bài toán nguồn nhân lực nếu không muốn bị nhấn chìm trong cơn “đại hồng thủy” đang đến.
Đáng buồn thay, sau hai năm du lịch “đóng băng”, từ chỗ ổn định nguồn nhân lực, toàn bộ khách sạn cả nước tính đến thời điểm hiện tại đều đang phải cật lực vận hành vì không đủ người làm.
Đây chính là tiền đề để hội thảo “Giải pháp thu hút, phát triển nguồn nhân lực ngành khách sạn - Kiến tạo môi trường làm việc hấp dẫn nhân viên ngành khách sạn” được tổ chức tại thành phố biển Nha Trang, với mục đích vạch rõ thực trạng nhân lực tại các khách sạn hiện nay để tìm kiếm những giải pháp tối ưu.
Diễn ra vào sáng ngày 12/9 tại khách sạn Mường Thanh Luxury, hội thảo có sự tham dự của bà Nguyễn Thanh Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch; bà Đỗ Hồng Xoan – Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam; ông Nguyễn Quang – Chủ tịch CLB Quản lý Buồng Việt Nam (VEHA) cùng đại diện các hiệp hội du lịch, các tổng giám đốc khách sạn và gần 200 đại biểu là thành viên của VEHA tại tất cả các tỉnh thành.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quang đã gợi mở về việc phát triển nguồn nhân lực trong dịch vụ khách sạn để kịp thời cung ứng cho thị trường du lịch hiện nay.
Ông Nguyễn Quang – Chủ tịch CLB Quản lý Buồng Việt Nam (VEHA) phát biểu. Ảnh: Khuê Việt Trường
Cũng trong phần phát biểu của mình, bà Đỗ Hồng Xoan nhấn mạnh: “Gặp gỡ nhau hôm nay đã là hạnh phúc, bởi chúng ta đã trải qua hai năm đại dịch khiến ngành du lịch hoàn toàn ngưng trệ, và trong thời gian đó, chúng ta đã mất đi rất nhiều nhân lực ưu tú trong ngành.”
Bà Đỗ Hồng Xoan – Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam. Ảnh: Khuê Việt Trường
Theo chia sẻ từ bà, hiện toàn quốc có 38.000 cơ sở lưu trú, với 780.000 phòng. Trong số đó, có trên 200 khách sạn 5 sao và 300 khách sạn 4 sao đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch, nhưng để hoạt động hiệu quả thì rất cần một lượng lớn nhân sự.
Bà Nguyễn Thanh Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch đã đưa ra những mục tiêu phấn đấu của ngành du lịch. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu vào nhóm 03 nước phát triển tại khu vực Đông Nam Á; nhóm 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đến năm 2030, ngành du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, đưa đất nước tiến vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu và tạo ra 8,5 triệu việc làm.
Bà Nguyễn Thanh Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch kỳ vọng ngành du lịch hậu đại dịch sẽ phát triển xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn, giúp đất nước nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Ảnh: Khuê Việt Trường
Ông Lê Quốc Việt – CEO Hoteljob.vn bày tỏ, ngành khách sạn cần chú trọng nâng cao vấn đề đãi ngộ cho bộ phận lễ tân và bộ phận buồng phòng, bởi với mức lương hiện nay chỉ từ 5 - 9 triệu/tháng chưa đủ để người lao động bám trụ với nghề.
Theo ông Lê Quốc Việt, mức đãi ngộ hiện tại của nhân viên ngành khách sạn chưa đủ để người lao động sống với nghề. Ảnh: Khuê Việt Trường
Theo khảo sát vừa qua, chỉ 12% lao động hài lòng với công việc còn mức không hài lòng là trên 40%.