TP.HCM muốn trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu vào năm 2045

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TP.HCM phấn đấu đến năm 2045 sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á và là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Ngày 5/5, UBND TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học định hướng phát triển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong hơn 45 năm qua, TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Tỷ trọng các ngành kinh tế đang chuyển dịch theo hướng hiện đại, ngày càng tăng cơ cấu ngành dịch vụ, giảm dần ngành công nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao...

TP.HCM muốn trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu vào năm 2045 - 1

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong chủ trì hội thảo khoa học “định hướng phát triển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, TP.HCM vẫn cơ bản hoàn thành nhiệm vụ kép, kinh tế tăng trưởng 1,39%, thu ngân sách đạt hơn 371.000 tỷ đồng và vẫn đóng góp hơn 25% thu ngân sách quốc gia. Đặc biệt, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM đã tăng từ mức 61,1% năm 2016 lên 71,4% năm 2020.

Thành phố đã chủ động triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI và đề ra mục tiêu trung và dài hạn. 

Cụ thể, đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD.

Năm 2030 sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD; là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến năm 2045, thành phố sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

“Việc tổ chức hội thảo hôm nay là 1 trong số nhiều giải pháp để thành phố lắng nghe ý kiến, hiến kế của các chuyên gia nhằm hiện thực hoá khát vọng phát triển vươn lên mạnh mẽ của thành phố, đưa TP.HCM hướng tới một đô thị thông minh, năng động sáng tạo mang đẳng cấp khu vực và quốc tế “, ông Nguyễn Thành Phong nói.

TP.HCM muốn trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu vào năm 2045 - 2

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, hội thảo đã nhận được hơn 80 bài tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các trường Đại học, các doanh nghiệp... gửi về.

Nội dung các tham luận đều nhấn mạnh phát triển TP.HCM theo hướng đô thị bền vững, đô thị thông minh, trong đó tập trung đẩy nhanh chính quyền số, xã hội số, nâng cao chất lượng dịch vụ công. 

Các tham luận khẳng định, chỉ có con đường phát triển khoa học công nghệ, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp để đẩy nhanh tiến trình tăng trưởng theo chiều sâu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hội thảo cũng ghi nhận một số định hướng chiến lược về phát triển TP Thủ Đức, xứng tầm là cực tăng trưởng mới của một “thành phố trong lòng thành phố” và trong mối liên kết các đô thị vùng Đông Nam bộ. 

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, đây là nguồn tài liệu quý giá bước đầu để TP.HCM làm dữ liệu đầu vào, phục vụ cho nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hữu Long

CLIP HOT