Tổng cục Du lịch: Yếu tố an toàn luôn là mục tiêu hàng đầu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngành sẽ triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn;" thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc.

Tổng cục Du lịch: Yếu tố an toàn luôn là mục tiêu hàng đầu - 1

Du khách dạo chơi ngắm các kiến trúc châu Âu thời Trung cổ tại Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: TTXVN)

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9, khách quốc tế đến Việt Nam trong quý 3 đạt 26.300 lượt người, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.

Tình trạng trên diễn ra là do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

Tính chung chín tháng của năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 114.500 lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 97,5%; bằng đường bộ giảm 93,4%; bằng đường biển giảm 99,7%...

Thông tin từ Tổng cục Du lịch cho biết ngay từ đầu tháng Chín, khi dịch bệnh trong nước dần được kiểm soát, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, Tổng cục đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành.

Giải pháp phục hồi thị trường du lịch nội địa và quốc tế đều đã được đặt ra trong kế hoạch này, ngành sẽ triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn;" thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang). Trên cơ sở đó, ngành chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...

Tổng cục Du lịch khẳng định trong điều kiện bình thường mới, yếu tố an toàn trong du lịch luôn là mục tiêu hàng đầu. Kế hoạch 3228 đặt ra nhiệm vụ tiên quyết là đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch, trong đó ba yếu tố quan trọng là tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 cho người dân và người lao động du lịch; bảo đảm an toàn cho các điểm đến, cơ sở du lịch; tạo điều kiện thuận lợi đi du lịch đối với du khách nội địa và quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vaccine.

Tổng cục Du lịch: Yếu tố an toàn luôn là mục tiêu hàng đầu - 2

Quần thể di sản thế giới Tràng An-điểm du lịch nổi bật không những ở Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á và thế giới. (Ảnh: TTXVN)

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ được coi là giải pháp đột phá đảm bảo du lịch an toàn đối với điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ và khách du lịch. Trong đó, cốt lõi là ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” phục vụ khách du lịch, hệ thống đăng ký và khai báo an toàn COVID-19 (https://safe.tourism.com.vn/); đối với cơ sở dịch vụ du lịch và hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vaccine (https://travelpass.tourism.vn/).

Bên cạnh đó, ngành du lịch cần phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng sự thay đổi nhu cầu thị trường sau ảnh hưởng của dịch bệnh; chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe...

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam," với định hướng căn bản là ngành du lịch phải khôi phục và phát triển trong trạng thái “sống chung” với COVID-19. Trong đó, yếu tố an toàn (cho khách du lịch, người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và cả xã hội) là yêu cầu bắt buộc nhằm xây dựng một ngành kinh tế du lịch an toàn.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)

CLIP HOT