Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: TP.HCM cần được định hình tương lai là thành phố toàn cầu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ Thành phố Hồ Chí Minh cần được định hình tương lai là Thành phố toàn cầu, phát triển thông minh, hiện đại, năng động, hội nhập, kết tinh các giá trị tiên tiến của châu Á và thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: TP.HCM cần được định hình tương lai là thành phố toàn cầu - 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: VIỆT DŨNG.

Chiều 17-8, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã làm việc với Thành ủy TPHCM về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI từ đầu nhiệm kỳ đến nay; việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Tham gia buổi làm việc có các đồng chí: Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; cùng lãnh đạo các bộ ngành Trung ương.

Tiếp đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cùng các đồng chí Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Thành ủy viên...

Báo cáo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về tình hình tăng trưởng kinh tế của TPHCM trong nhiệm kỳ này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, tăng trưởng kinh tế của TPHCM giảm dần trong những năm qua do các động lực tăng trưởng đang có vấn đề và cần phải có những cơ chế, giải pháp đột phá để thúc đẩy tăng trưởng.

Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2024 và cả nhiệm kỳ này, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM đã tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó UBND TPHCM đã ban hành Chỉ thị số 12 về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tăng trưởng kinh tế TPHCM đến năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: TP.HCM cần được định hình tương lai là thành phố toàn cầu - 2

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo về kết quả thực hiện chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG.

Những điểm nghẽn mà Chủ tịch UBND TPHCM chỉ ra, đó là hệ thống hạ tầng TPHCM và kết nối với các vùng lân cận chưa được đầu tư đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của thành phố và khu vực Đông Nam bộ. TPHCM là đô thị đặc biệt nhưng vẫn gặp nhiều vướng mắc trong việc khai thác tiềm năng và lợi thế, dẫn đến việc không khơi dậy được sự năng động và sáng tạo cần thiết. Nhiều nguồn lực của Nhà nước và tư nhân chưa được đưa vào hoạt động kinh tế...

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, những điểm nghẽn này nếu được tháo gỡ trong nhiệm kỳ này thì nhiệm kỳ tới, TPHCM sẽ có cơ sở để lấy lại đà tăng trưởng 2 con số; tiếp tục giữ vị trí đầu tàu kinh tế, là cực tăng trưởng của cả nước.

Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm quan tâm chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy TPHCM phát triển hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị, cho phép TPHCM được rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền những vấn đề tồn đọng để giải quyết những vấn đề này. Trong đó một số vấn đề tồn đọng như ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, các vụ việc liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng cổ phần thương mại Sài Gòn (SCB), dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng... Theo Chủ tịch UBND TPHCM, những vấn đề tồn đọng này nếu được tháo gỡ sẽ giải phóng nguồn lực rất lớn cho sự phát triển của TPHCM.

Một kiến nghị nữa được Chủ tịch UBND TPHCM nêu ra trong buổi làm việc đó là, kiến nghị sửa đổi luật theo hướng “một luật sửa nhiều luật”. Đồng thời, Trung ương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương, đặc biệt là trong việc phối hợp giữa Trung ương và TPHCM để giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các vụ việc.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng kiến nghị, Trung ương tiếp tục quan tâm, cho phép TPHCM và cả vùng Đông Nam bộ là nơi thí điểm các cơ chế mới, đột phá, vượt trội để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và khoa học công nghệ để TPHCM là trung tâm kinh tế, là cực tăng trưởng để đóng góp cho kinh tế - xã hội của cả nước.

Năm 2025, TPHCM sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về thực hiện chính quyền đô thị. Tuy nhiên, qua triển khai, Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận, nghị quyết 131 chưa đủ mạnh để tháo gỡ khó khăn cho thành phố. Do đó, khi sơ kết 5 năm, Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị cần cho TPHCM một nghị quyết đủ mạnh hơn; về lâu dài, đề xuất Trung ương cho TPHCM nghiên cứu, đề xuất dự án Luật Đô thị đặc biệt TPHCM để có khung pháp lý đủ rộng, đủ mạnh cho TPHCM.

Báo cáo về tình hình quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, cả hệ thống chính trị thành phố đã nghiêm túc nghiên cứu, học tập, quán triệt tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị 35.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: TP.HCM cần được định hình tương lai là thành phố toàn cầu - 3

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải trình bày báo cáo. Ảnh: HOÀNG HÙNG.

Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức Hội nghị cán bộ thành phố để triển khai đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ cơ sở và Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XII, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Qua quán triệt, đội ngũ cán bộ thành phố hiểu sâu, nắm vững, thống nhất nhận thức về các nội dung cơ bản và điểm mới của Chỉ thị 35, các văn bản của Trung ương, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động.

Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và các cấp ủy trực thuộc chú trọng công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng bộ TPHCM, Đại hội XIV của Đảng; khẩn trương tổng kết, đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các văn bản có liên quan về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.

Phát biểu kết luận chỉ đạo tại buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, trong gần 40 năm qua, kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương đóng góp lớn cho cả nước trên cả phương diện GDP, thu ngân sách, năng suất lao động, cơ chế, chính sách mới, mô hình kinh doanh mới; nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá, công nghệ mới, cách làm mới thường được triển khai rồi lan nhân rộng cả nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá: Trong khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì mức khá, cho thấy những nỗ lực bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền, người dân và doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) liên tục tăng qua các năm; năng suất lao động bình quân của thành phố cao hơn 2,5 lần so với bình quân cả nước; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được nâng lên. GRDP đầu người tăng liên tục qua các năm, bình quân gấp 1,7 lần so với cả nước; thu ngân sách các năm vẫn đạt ở mức cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách được giao, đóng góp hơn 25% tổng thu ngân sách cả nước hằng năm.

Mỗi năm Thành phố Hồ Chí Minh thu hút được hàng chục tỉ USD vốn đầu tư (cả đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài), nhờ đó giúp bổ sung một lượng vốn đầu tư rất lớn cho toàn nền kinh tế (chiếm đến 25% tổng đầu tư cả nước); đồng thời điều tiết nguồn lực với Trung ương, qua đó gián tiếp chia sẻ với các địa phương khác.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố cùng cả hệ thống chính trị cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò; đoàn kết, thống nhất, quyết tâm xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ Thành phố Hồ Chí Minh cần được định hình tương lai là Thành phố toàn cầu, phát triển thông minh, hiện đại, năng động, hội nhập; tăng trưởng xanh, bao trùm và bền vững, xã hội gắn kết, rộng mở, văn minh, kết tinh các giá trị tiên tiến của châu Á và thế giới. Thành phố cần khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, chú trọng thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường. Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần biến quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ Thành phố về việc xây dựng “Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo" như tinh thần Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra thành những việc làm, thành quả trong thực tiễn; xây dựng Thành phố văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong đó, cần tiếp tục đầu tư đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển mạnh khoa học-công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức, công nghệ số, xã hội số làm nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Thành phố cũng cần củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế từ thành phố đến cơ sở, phát triển, nâng cao chất lượng và quản lý tốt các hoạt động văn hóa-xã hội theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần đặc biệt chăm lo xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng Thành phố an toàn, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong mọi tình huống; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

N.N

CLIP HOT