Tôm kích cỡ lớn đang tăng giá kỷ lục ở miền Tây

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lần đầu tiên tôm thẻ loại 20 con ở miền Tây có giá 278.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời tiết xấu khiến nông dân khó nuôi tôm, có khả năng ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu 4,2 triệu USD.

Hai ngày qua, giá tôm sú và tôm thẻ loại kích cỡ lớn ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng cao. Một doanh nghiệp trực tiếp cho công nhân đến tận ao tôm của nông dân huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) mua tôm thẻ loại 60 con/kg với giá 121.000 đồng.

Tôm kích cỡ 20 con/kg hút hàng

Đại diện phòng kinh doanh của doanh nghiệp cho biết tôm thẻ loại 20 con/kg giá 225.000 đồng, 25 con/kg giá 185.000 đồng. Đối với tôm thẻ loại 30 con/kg giá mua tại ao là 158.000 đồng, 40 con/kg giá 138.000 đồng/kg… Giá này đang tăng từ 5.000 – 20.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ.

“Loại 20 con/kg giá tăng cao nhất. Thị trường đang cần loại tôm lớn này nhưng chúng tôi mua tôm của nông dân thường gặp kích cỡ 40 – 60 con/kg”, một tư thương tại huyện Trần Đề (Sóc Trăng) nói.

Chiều cùng ngày, nhiều nông dân nuôi tôm ven sông Mỹ Thanh, thuộc thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cũng thu hoạch tôm thẻ loại 50 – 60 con/kg. Những nơi xe tải chạy đến tận ao tôm để vận chuyển, giá nguyên liệu cao hơn bên kia sông Hậu (huyện Cù Lao Dung) khoảng 5.000 đồng/kg.

Tôm kích cỡ lớn đang tăng giá kỷ lục ở miền Tây - 1

Tôm thẻ đang tăng giá. Ảnh: Hàm Yên.

Theo số liệu khảo sát của Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, tôm 20 con/kg loại nhất (đã test không kháng sinh) có nơi đạt giá 278.000 đồng, tăng 17.000 đồng so với tuần trước.

Tại huyện Phước Long (Bạc Liêu), nông dân vùng nuôi tôm theo mô hình quảng canh “con tôm ôm cây lúa” đã bơm nước mưa ra khỏi ao để sạ lúa. Đây là vụ lúa trồng trong ao tôm, người dân thu hoạch trước Tết Nguyên đán hàng năm.

Dù nhiều người bơm nước ra sông để trồng lúa nhưng trong “vuông” vẫn còn tôm sú. Mô hình nuôi tôm này nông dân không sử dụng thức ăn thủy sản nên thịt tôm thơm ngon hơn nuôi theo mô hình công nghiệp.

Bà Ngô Thị Tư (ngụ ấp Phước Thọ Hậu, xã Phước Long, huyện Phước Long) cho biết gia đình có hơn 20 chiếc nò (dụng cụ bắt tôm). Mỗi đêm, gia đình bà Tư bắt được khoảng 60 con tôm loại 20 con/kg, bán với giá 260.000 đồng/kg.

“Tôm sú loại 20 con/kg đang hút hàng nên giá cao kỷ lục. Nếu bắt tôm sú sống bán cho nhà hàng, thương lái mua ‘tôm oxy’ với giá gần 400.000 đồng/kg loại 20 con”, bà Tư chia sẻ.

Tôm nuôi đang chậm lớn

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chế biến tôm đông lạnh ở miền Tây đều có vùng nuôi riêng để chủ động nguồn nguyên liệu. Ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng ở tỉnh Sóc Trăng, cho biết vùng nuôi ảnh hưởng thời tiết xấu, tôm chậm lớn. Chính vì tôm chậm lớn nên nhiều doanh nghiệp thiếu tôm kích cỡ lớn, nhất là loại 20 con/kg.

Cùng quan điểm, ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, nói rằng thị trường bán yếu nhưng không có tôm nên loại kích cỡ nhỏ đang ở mức giá cao.

“Mặc dù đang vào cao điểm giao hàng cho khách nước ngoài nhưng ảnh hưởng lạm phát nên sức mua giảm mạnh. Tình hình nuôi trồng năm nay bê bếch quá nên lượng tôm ít, những sản phẩm bình thường không cạnh tranh được với một số nước khác”, ông Phục nói.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cũng nói rằng  một số nhà máy không tăng chỉ tiêu vì doanh nghiệp quan tâm đến lợi nhuận nhiều hơn. Ông Phúc đánh giá 6 tháng cuối năm không khả quan từ nuôi tôm đến xuất khẩu.

Ngoài việc tôm nuôi chậm lớn, tỷ lệ tôm thiệt hại cũng tăng dần. Trong tuần qua, diện tích tôm thiệt hại tại Sóc Trăng hơn 104 ha, trong đó thị xã Vĩnh Châu có đến 93,4 ha. Như vậy, từ đầu năm đến nay Sóc Trăng có 2.459 ha tôm thiệt hại, chiếm 4,8% diện tích thả nuôi, cao hơn năm trước 138 ha.

Không riêng Sóc Trăng, tôm nuôi của một số nông dân Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang cũng bị thiệt hại. Việc này có khả năng ảnh hưởng đến chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản mà VASEP đề ra là 4,2 triệu USD năm 2022.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàm Yên

CLIP HOT