Thực hiện Nghị quyết 43, TPHCM cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 43, TPHCM cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì tiếp đoàn giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG.
Chiều 4-3, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND TPHCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43); Nghị quyết 57/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM đến năm 2023 (Nghị quyết 57).
Đoàn giám sát do ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn. Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì tiếp đoàn.
Phát biểu định hướng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết trên cơ sở giám sát thực tế, buổi làm việc nhằm làm rõ kết quả đạt được, những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc của TPHCM về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM đến năm 2023. Các đại biểu cần đánh giá kết quả khách quan đạt được, nêu những bất cập, những vấn đề cần làm rõ, nguyên nhân, trách nhiệm và nêu cụ thể các vấn đề cần làm rõ, theo tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 43, TPHCM cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 ước đạt 9,03%; năm 2023 ước đạt 5,81%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với các nền kinh tế khác trên thế giới và trong khu vực. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
TPHCM thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội; mở rộng diện bao phủ bảo hiểm; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội. Tăng cường kết nối cung - cầu, phát triển thị trường lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.
Bên cạnh đó, công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, ngoại giao kinh tế được triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Nhiều hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, tạo thuận lợi mới, cơ hội, thời cơ mới để phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, phát huy tiềm năng hợp tác với các đối tác cả về kinh tế, khoa học công nghệ, đào tạo, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, các ngành, lĩnh vực công nghệ cao (chip, bán dẫn, Hydrogen…).
Thành viên đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG.
TPHCM tiếp tục vận dụng các cơ chế chính sách đặc thù của Quốc hội tại Nghị quyết 98/2023/QH15 để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế thành phố; huy động nguồn lực hợp tác công tư và nguồn lực xã hội cho phát triển. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các hệ thống cơ sở dữ liệu, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính.
Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 57/2022/QH15, đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến là 76,34 km và thời gian thực hiện đến hết năm 2027, chia dự án thành 8 dự án thành phần qua các địa phương: TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Dự án qua địa bàn TP có chiều dài khoảng 47,51 km với 2 dự án thành phần, cụ thể, Dự án thành phần 1: Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TPHCM, tổng mức đầu tư là 22.411,380 tỷ đồng; Dự án thành phần 2: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua TP, tổng mức đầu tư là 18.976 tỷ đồng. Tổng số trường hợp ảnh hưởng khoảng 1.671. Tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 410,439 ha.