Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an cải cách thủ tục, cấp visa điện tử cho khách nước ngoài
Thủ tướng khẳng định phát triển du lịch phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.
Sau Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam ngày 21/12/2022, Văn phòng Chính phủ ngày 6/1 đã ban hành Thông báo (số 5/TB-VPCP) kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thông báo nêu rõ trong hơn 2 năm qua, Du lịch Việt Nam là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Năm 2020, lượng khách quốc tế giảm tới 80%, tổng thu từ khách du lịch giảm đến 59% so với cùng kỳ năm 2019.
Năm 2021, lượng khách quốc tế giảm đến gần 96%, tổng thu từ du lịch giảm sâu.
Với kỳ vọng du lịch sẽ khởi sắc ngay quý 1, khi Trung Quốc đã nới lỏng biện pháp phòng dịch, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023. Ảnh: Vietnamnet
Từ tháng 3/2022, Việt Nam đã mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, đón khách quốc tế. So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam mở sớm hơn, và thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 mới đạt khoảng 70% so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân, theo chia sẻ của các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, chúng ta chưa có được những giải pháp có tính đột phá để thúc đẩy du lịch hồi phục sau đại dịch. Một trong những nguyên nhân chủ quan được cho là thủ tục cấp thị thực cho du khách còn nhiều hạn chế.
Thủ tướng khẳng định phát triển du lịch là trách nhiệm của toàn xã hội. Vai trò và động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư cần được phát huy mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả hơn. Phát triển du lịch cần theo quan điểm đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng dịch vụ theo tinh thần "cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mà khách du lịch cần, chứ không chỉ là các dịch vụ chúng ta sẵn có".
Hội An chào đón những khách quốc tế đầu tiên trong ngày 1/1/2023. Ảnh: Lao động Thủ đô
Yêu cầu phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn phải đặt trong tổng thể phát triển chung của các ngành kinh tế có liên quan; phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa, phát triển du lịch xanh, bền vững.
Cùng với đó, phát triển du lịch phải gắn với kinh tế, văn hóa, truyền thống lịch sử dân tộc, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên; giải quyết vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo Thủ tướng, du lịch phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam; kiên định mục tiêu nhưng hết sức linh hoạt; luôn đổi mới sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số và quá trình xuất hiện những vấn đề mới gắn với giải quyết các khó khăn, thách thức mới.
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt trong bối cảnh của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, linh hoạt và sáng tạo, thay đổi tư duy, đổi mới cách làm để từng bước phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19, tạo sự phát triển đột phá trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Ngành du lịch đạt doanh thu ấn tượng dịp nghỉ Tết dương lịch vừa qua, với 9.000 tỷ đồng. Ảnh: Tour Đà Nẵng
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan, tăng cường giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp và triển khai áp dụng thị thực điện tử tại các cửa khẩu quốc tế. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các chính sách về thị thực, để tạo thuận lợi cho khách du lịch nhập cảnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, sớm hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng về thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tình hình mới, và trình ban hành trong ngay tháng 1.
Với việc Trung Quốc mở cửa cho phép người dân đi du lịch nước ngoài, và nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, các doanh nghiệp du lịch kỳ vọng cuối năm nay, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi về mức như trước đại dịch (2019).
Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023, trong đó khoảng 102 triệu khách nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.
Từ tháng 10/2022, các đơn vị lữ hành đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch cho Tết Nguyên đán. Cơ sở lưu trú đang tích...