Thiếu vắc xin Moderna, liệu có thể tiêm trộn?
Đang có một số tỉnh thành cho biết có tình trạng thiếu một tỉ lệ vắc xin Moderna tiêm mũi 2. Có ý kiến có thể tiêm mũi 2 bằng loại vắc xin khác?
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một quan chức có trách nhiệm về tiêm chủng cho biết đến nay đã có một địa phương có công văn gửi Bộ Y tế, thông báo tình hình thiếu vắc xin Moderna tiêm mũi 2 cho người dân đến lịch tiêm chủng.
Theo vị này, do số lượng Moderna có hạn nên ngay từ khi triển khai tiêm chủng vắc xin này, Bộ Y tế đã hướng dẫn cơ sở y tế "tiêm theo cặp", tức là chỉ sử dụng 1/2 số Moderna được phân bổ và để dành số còn lại cho người tiêm mũi 2 khi đến hạn.
"Tuy nhiên đến nay một số địa phương có tình trạng thiếu vắc xin Moderna"- vị đại diện kể trên cho biết.
Trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở tiêm chủng thiếu vắc xin Moderna tiêm mũi 2 cần chờ Bộ Y tế hướng dẫn. Trong những ngày sắp tới, Bộ Y tế sẽ có phiên họp bàn về việc này.
"Tổ chức Y tế thế giới cũng không đồng thuận với việc tiêm trộn vắc xin, mà khuyến cáo trong điều kiện thiếu nguồn cung thì có thể tiêm 2 vắc xin khác nhau cho 1 người, nhưng chỉ áp dụng ở một số vắc xin và cần giám sát chặt do nguy cơ có thể nảy sinh biến chứng cao hơn" - quan chức này cho biết.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế mới cho phép tiêm mũi 2 Pfizer cho người tiêm mũi 1 AstraZeneca (trong điều kiện thiếu vắc xin và phải giám sát sau tiêm chặt chẽ hơn). Với các vắc xin khác hiện chưa có khuyến cáo về tiêm trộn lẫn.
Hiện nay có một số quốc gia đang xem xét/đã chuyển sang dùng vắc xin COVID-19 khác loại (với liều đầu tiên) để tiêm liều thứ hai hoặc mũi tiêm tăng cường (liều 3 như Campuchia, Đan Mạch, Đức, Indonesia, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ…), theo Hãng tin Reuters.
Chẳng hạn, hồi đầu tháng 8, Thủ tướng Hun Sen của Campuchia thông báo nước này sẽ dùng vắc xin AstraZeneca để tiêm bổ sung cho những người đã tiêm đầy đủ 2 liều Sinopharm hoặc Sinovac. Trong khi đó, người đã được tiêm 2 mũi của AstraZeneca sẽ được tiêm mũi bổ sung là vắc xin Sinovac.
Canada nằm trong số những quốc gia đầu tiên tìm cách giải quyết vấn đề nguồn cung vắc xin COVID-19 bằng cách tiêm kết hợp các loại vắc xin. Theo đó, họ cho phép những người đã tiêm vắc xin Hãng Pfizer (liều 1) được tiêm vắc xin Hãng Moderna (liều 2). Điều này đã giúp Canada vượt qua tình trạng tắc nghẽn nguồn cung khiến 2,4 triệu liều Pfizer bị trì hoãn hồi tháng 6.
Tại Đan Mạch, Viện Huyết thanh quốc gia (SSI) thuộc Bộ Y tế Đan Mạch cho biết việc kết hợp vắc xin AstraZeneca (liều 1) với liều 2 là Pfizer hoặc Moderna mang lại "khả năng bảo vệ tốt".
Trong khi đó, vào ngày 13-8, các nhà quản lý Mỹ đã cho phép tiêm liều thứ 3 là vắc xin Pfizer hoặc Moderna (đều dùng công nghệ mRNA) cho những người có hệ miễn dịch bị suy giảm.
Nếu không có sẵn loại vắc xin giống loại ban đầu đã tiêm cho người nhận (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna), họ có thể được tiêm bằng loại vắc xin còn lại trong số 2 loại này.
TP.HCM đang chờ đại diện Moderna chuyển dự thảo hợp đồng. Dự kiến nhận vaccine trong quý 4/2021 hoặc quý 1/2022.