Thêm nhiều người nhập viện sau khi ăn bánh mì ở Sóc Trăng
Ngoài việc lấy mẫu pate gan và thịt nguội để xét nghiệm, cơ quan chức năng còn niêm phong 95 kg chà bông thịt heo tại cơ sở kinh doanh bánh mì nổi tiếng ở Sóc Trăng.
Sáng 27/1, bác sĩ Trần Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, cho biết số người nhập viện sau khi ăn bánh mì tại TP Sóc Trăng đã tăng lên 49 trường hợp. Các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Sóc Trăng, Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu và Bệnh viên Quân Dân y tỉnh Sóc Trăng.
Thời gian các bệnh nhân ăn bánh mì mua tại cơ sở kinh doanh T.H. (đầu đường Hai Bà Trưng, phường 1, TP Sóc Trăng) từ 16 - 20h ngày 24/1 và nhập viện bắt đầu khoảng 23h cùng ngày.Nhiều người mua bánh mì T.H. vào chiều 25/1, trước khi cơ sở này tạm đóng cửa. Ảnh: Nhật Tân.
Qua khai thác các thông tin từ cơ quan chức năng thì các bệnh nhân sử dụng bánh mì T.H. gồm bánh mì, pate gan, chả lụa, chà bông, dưa leo… Các triệu chứng xuất hiện sau khi ăn là đau bụng (33 ca), tiêu chảy (32 ca), nôn (30 ca), sốt (34 ca), Các triệu chức khác như hạ huyết áp, chóng mặt 5 ca, co giật 1 ca.
Theo số liệu ghi nhận của ngành y tế, đến trưa 26/1 có 35 trường hợp nhập viện điều trị. Tuy nhiên, vài giờ sau đó số ca nhập viện tiếp tục gia tăng. Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh có thêm 14 ca mới, nâng tổng số ca nhập viện trong vụ ngộ độc lên 49 người.
Ngoài số ca nhập viện điều trị, còn nhiều trường hợp đến khám, xử trí cấp cứu và cho điều trị ngoại trú. Hiện, ngành y tế chưa phát hiện ca bệnh nặng, chưa có ca tử vong, tất cả bệnh nhân nhập viện sức khỏe đang dần ổn định.
Theo Sở Y tế Sóc Trăng, tại cơ sở hộ kinh doanh bánh mì T.H. (đường Hai Bà Trưng), cơ quan chức năng đã lấy mẫu 2 sản phẩm gồm pate gan và thịt nguội để kiểm nghiệm, đồng thời xét nghiệm test nhanh một mẫu chả lụa chưa phát hiện hàn the.
Tại cơ sở hộ kinh doanh T.T.T.H. (đường Nguyễn Văn Hữu, khóm 3, phường 1, TP Sóc Trăng) có một sản phẩm chà bông thịt heo chưa xuất trình được hồ sơ tự công bố sản phẩm. Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong 95 kg chà bông thịt heo và lấy mấu để kiểm nghiệm.Nhiều bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hoàng Tuấn. Ảnh: Nhật Tân.
Nhận định ban đầu của ngành y tế cho thấy tất cả bệnh nhân nhập viện cấp cứu, điều trị đều có ăn bánh mì mua từ cơ sở T.H. trên đường Hai Bà Trưng (trong bánh mì có pate, chả lụa, chà bông, dưa leo…). Sau khi ăn, các bệnh nhân đều có cùng triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt… nên khả năng đây chính là nguyên nhân gây ngộ độc hàng loạt.
Hiện, tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang thống kê, báo cáo số lượng bệnh nhân có các triệu chứng ngộ độc sau khi ăn bánh mì mua tại cơ sở T.H. và tập trung nguồn lực cấp cứu điều trị những trường hợp ngộ độc đang điều trị tại bệnh viện.
Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng đề xuất UBND tỉnh này về việc yêu cầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, hậu kiểm các sản phẩm pate, chả lụa sau công bố; tuyên truyền cho người dân không sử dụng pate, chả lụa… không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngành Công Thương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất bánh mì trên địa bàn nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Bánh mì T.H. là một trong những loại thực phẩm được người dân TP Sóc Trăng chọn ăn nhanh vào các buổi sáng, chiều và tối. Hai tháng trước, 3 sản phẩm pate gan, chả lụa và thịt nguội của cơ sở T.T.T.H., sản xuất tại đường Nguyễn Văn Hữu đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.