Thận trọng với việc ồ ạt xây dựng sân bay mới

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bộ GTVT đang hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không để trình Chính phủ. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy hoạch phải có sự tính toán cụ thể không thể làm để có theo phong trào gây lãng phí đất đai và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực quy hoạch.

Thận trọng với việc ồ ạt xây dựng sân bay mới - 1

Máy bay của hãng hàng không Bamboo Airways tại sân bay Cà Mau. Ảnh: TTXVN

Nhiều chuyên gia cho rằng, Quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hoàn thành và được phê duyệt sẽ là cơ sở để kỳ vọng kéo kinh tế-xã hội địa phương “cất cánh” nhờ có hệ thống hạ tầng hàng không.

Loạt địa phương muốn làm sân bay

Đến thời điểm hiện tại, quy hoạch về hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 vẫn chưa được Bộ GTVT hoàn chỉnh. Do đó, vẫn có nhiều địa phương gửi văn bản đến Bộ GTVT và Chính phủ để xin bổ sung sân bay của tỉnh vào quy hoạch.

Chỉ trong tháng 9.2022, đã có 3 địa phương là Tuyên Quang, Sơn La, Kon Tum gửi văn bản đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không thêm các sân bay Na Hang, Mộc Châu, Măng Đen.

Trước đó, các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Đắk Nông, Hà Giang, Bắc Giang và Bình Phước cũng kiến nghị đưa dự án sân bay về địa phương.

Lý do chung được các tỉnh đề xuất xin bổ sung sân bay vào trong quy hoạch là bởi sẽ là động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kết nối giữa các địa phương trong khu vực với các trung tâm, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước cũng như các nước trên thế giới, đảm bảo mục đích an ninh quốc phòng…

Trao đổi với PV Báo Lao Động, GS Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội KHCN Hàng không Việt Nam - cho rằng, so với các nước phát triển, số lượng 22 sân bay của Việt Nam chưa nhiều, việc các tỉnh mong muốn có sân bay để phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ công tác cứu nạn, quốc phòng, an ninh, du lịch địa phương là chính đáng. Một tỉnh có thể có 3 sân bay nếu chứng minh được chúng thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương hay phục vụ đặc khu kinh tế.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) - ông Bùi Doãn Nề, hạ tầng hàng không phát triển sẽ tạo điều kiện cho du lịch phát triển, kéo theo đó là tạo việc làm, nguồn thu cho các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan và ở một chừng mực nào đó là bảo đảm an sinh xã hội.

Để đáp ứng cơ sở hạ tầng khi thị trường phục hồi, cần sớm đầu tư, nâng cấp mở rộng các sân bay hiện có cũng như đẩy nhanh xây dựng các sân bay mới, tránh tình trạng ùn tắc, quá tải.

Các chuyên gia cho hay, từ năm 2008 khi sân bay Phú Quốc được xây dựng mới và đưa vào khai thác năm 2012 đón lượng khách tăng trưởng mạnh mẽ, vượt xa chỉ tiêu công suất quy hoạch được duyệt. Việc du lịch, đầu tư, kinh doanh tại Phú Quốc trở nên thuận lợi nhờ có hệ thống sân bay khi các hãng hàng không liên tục mở mới, tăng tải đường bay này.

Điển hình, tần suất khai thác đi/đến Phú Quốc trong tháng 6.2022 đạt 100 chuyến bay nội địa/ngày, trong khi thời điểm trước dịch năm 2019 chỉ khai thác tổng 72 chuyến quốc tế và nội địa/ngày. Điều này khẳng định dư địa khách vẫn còn nhiều nhờ sức hút du lịch từ Phú Quốc thông qua việc di chuyển dễ dàng, thuận lợi từ đầu tư sân bay.

Cần có tiêu chí, ưu tiên đầu tư

Dù nhìn nhận mong muốn có sân bay của các địa phương là chính đáng, GS Trần Quang Châu cho rằng, việc xây mới cần tính toán nhiều tiêu chí kinh tế xã hội, địa hình trong tổng thể mạng lưới cảng hàng không toàn quốc và cần huy động nguồn vốn theo hình thức xã hội hóa.

PGS-TS Phạm Bích San - Viện Nghiên cứu và Tư vấn - cũng cho rằng, hệ thống cảng hàng không xây dựng cần tính đến trước hết đáp ứng nhu cầu phát triển, du lịch và nghỉ dưỡng. Do đó, các khu vực có tiềm năng du lịch lớn phải là ưu tiên đầu tiên cho việc xây dựng các sân bay như Sapa, Hà Giang…

Ở khía cạnh khác, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong quy hoạch cảng hàng không, sân bay tới đây cũng nên cho phép các địa phương và doanh nghiệp có thể xây dựng sân bay công suất nhỏ, sân bay chuyên dùng (như Măng Đen, Mộc Châu) hoặc cải tạo mở rộng các sân bay hiện hữu để từ đó có thể phát triển du lịch địa phương, đây là bài toán đặt ra với nền kinh tế quốc dân và hoạt động du lịch.

Cũng theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh với mức thu nhập bình quân đầu người Việt Nam hiện ở mức trung bình (khoảng 3.700-3.800USD/người/năm). Tuy nhiên, trong vài năm nữa khi GDP nền kinh tế nước ta phát triển thì nhu cầu du lịch và hưởng thụ tăng cao, nên cần tính toán kỹ đến xu hướng này và việc rót vốn vào làm hạ tầng cảng hàng không, sân bay phải đảm bảo hiệu quả nguồn lực đầu tư hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, địa phương.

“Đối với thị trường du lịch trọng điểm như Côn Đảo, Mũi Né cần sớm đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa sân bay sớm vào khai thác nhằm thu hút khách du lịch là rất quan trọng bởi hiện nay nhờ có sân bay kết nối thuận lợi nên việc tiết kiệm thời gian, rút ngắn khoảng cách đi lại là yếu tố tiên quyết.

Người đi du lịch là có thu nhập ổn định và sẵn sàng chịu chi, do đó địa phương cần tìm mọi cách nâng cao chất lượng loại hình dịch vụ bao gồm đi lại, mua bán hàng hóa, nghỉ dưỡng…” - ông Thịnh chia sẻ. 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

ĐẶNG TIẾN (Báo Lao Động)

CLIP HOT