Tăng liên kết, gỡ nút thắt để du lịch Việt bùng nổ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nâng cao nhận thức phải đi đôi với việc làm cụ thể để du lịch phát triển bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để ngành công nghiệp không khói phát triển một cách toàn diện trong thời gian tới, những câu chuyện liên quan đến visa, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực, quảng bá và xúc tiến… cần được giải quyết. 

Để tìm hiểu các giải pháp gỡ vướng cho những vấn đề nói trên, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL.

Nhiều cách để phục hồi du lịch

. Phóng viên: Thưa ông, từ sau ngày 15-3-2022, các bộ, ngành, địa phương đã tổng lực triển khai mở cửa du lịch quốc tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Đến nay, ngành du lịch đã đạt được những kết quả như thế nào?

+ Ông Phạm Văn Thủy: Sau khi được Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn, toàn ngành đã khẩn trương triển khai rất nhiều giải pháp nhằm phục hồi hoạt động du lịch. Nhờ vậy, sau gần một năm mở cửa, ngành du lịch đã ghi nhận một số kết quả khả quan. 

Tăng liên kết, gỡ nút thắt để du lịch Việt bùng nổ - 1

Cụ thể, số lượng khách nội địa và quốc tế có sự tăng trưởng rõ rệt. Các sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch được tổ chức trở thành điểm sáng, góp phần phục hồi, thúc đẩy du lịch. Điển hình như: Hội chợ du lịch quốc tế ITE TP.HCM, Diễn đàn du lịch Mekông 2022…

Ngoài ra, các sản phẩm du lịch đã được chú trọng đầu tư, làm mới để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách. Các hoạt động liên kết, phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương được duy trì và phát huy thế mạnh, tạo ra thương hiệu và sự đa dạng, hấp dẫn của sản phẩm du lịch.

. Chúng ta đang hướng đến việc phát triển du lịch một cách bền vững. Theo ông, điểm mạnh và điểm yếu của du lịch Việt hiện nay là gì?

+ Du lịch Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới, nhiều điểm đến trong nước được bình chọn là địa chỉ yêu thích của du khách quốc tế. Thế mạnh là du lịch Việt Nam được nhận thức đúng hơn với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Trong khi đó, Việt Nam có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, hấp dẫn. 

Điểm yếu của du lịch Việt là về cơ chế, chính sách. Được coi là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng chính sách phát triển du lịch của Việt Nam chưa cởi mở và thông thoáng. Điển hình như chính sách về visa cho người nước ngoài còn nhiều bất cập. 

Cạnh đó, chúng ta đang thiếu trầm trọng đội ngũ lao động có kỹ năng và được đào tạo bài bản trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Lực lượng lao động du lịch đông nhưng tỉ suất được đào tạo chuyên nghiệp chưa nhiều; chất lượng huấn luyện và đào tạo du lịch vẫn còn hạn chế.

Hệ thống hạ tầng tiếp cận điểm đến còn thiếu đồng bộ. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch tăng trưởng nhanh nhưng nhìn chung tầm cỡ quy mô, đặc thù tiện lợi và phong thái loại sản phẩm du lịch còn nhỏ lẻ…

Ngoài ra, chúng ta đang thừa các sản phẩm giống nhau nhưng thiếu các sản phẩm độc đáo. Mặc dù Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú nhưng cho tới nay chưa khai thác tương ứng với tiềm năng đó…

Tăng liên kết, gỡ nút thắt để du lịch Việt bùng nổ - 2

TP.HCM đang xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm thu hút khách quốc tế. Ảnh: T.TRINH

Tăng liên kết, gỡ nút thắt để du lịch Việt bùng nổ - 3

Biểu đồ lũy kế khách quốc tế đến Việt Nam từ tháng 3-2022 đến tháng 1-2023. Đồ họa: HỒ TRANG

. Để phát triển toàn diện ngành du lịch, Tổng cục Du lịch đã đề xuất những giải pháp gì, thưa ông?

+ Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp nghiên cứu, tham mưu cấp thẩm quyền một số chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển du lịch. 

Nổi bật nhất là: Mở rộng diện cấp visa điện tử, nâng cấp phần mềm, giao diện trên website. Tập trung nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của khách sau dịch COVID-19, chú trọng các dịch vụ có lợi cho sức khỏe.

Về nguồn nhân lực, ngành du lịch tập trung phát triển đồng thời cả chất và lượng của đội ngũ nhân lực. Chính sách thu hút, khuyến khích lao động có kinh nghiệm, kỹ năng… Cạnh đó, ngành đã nâng cao chất lượng đào tạo bằng cách phát triển chương trình, giáo trình; xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn chức danh nghề du lịch, áp dụng chương trình đào tạo theo hướng gắn với thực tiễn phù hợp thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN.

Cuối cùng là ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, tích cực thực hiện chuyển đổi số…

Các nhiệm vụ quan trọng

. Ông có kiến nghị gì để ngành du lịch bước vào giai đoạn mới, có tính đột phá?

+ Để du lịch phát triển thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch phải thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau.

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành khác phát triển. 

Thứ hai, cần ưu tiên phát triển mạnh các sản phẩm du lịch theo ưu thế nổi trội về tài nguyên tự nhiên và văn hóa; mở rộng các loại hình du lịch mới. Cạnh đó, các ngành chức năng cần liên kết để tạo sản phẩm du lịch vùng; liên kết theo loại hình chuyên đề; liên kết khu vực gắn với các hành lang kinh tế; liên kết ngành hàng không, đường sắt, tàu biển tạo sản phẩm đa dạng...

Thứ ba, hạ tầng là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch. Vì thế, đề xuất Chính phủ tiếp tục dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về du lịch.

Thứ tư, cần có chính sách thu hút đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch. Cạnh đó, cần tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Thứ năm, cần hoàn thiện những chính sách quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch như hỗ trợ về thuế, thị thực nhập cảnh, giá điện... Ngoài ra, các ngành, các cấp phải chung tay hỗ trợ ngành du lịch để đẩy nhanh hơn việc chuyển đổi số, xây dựng nền tảng số dùng chung cho toàn ngành.

Phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu

Theo ông Phạm Văn Thủy, năm 2023 ngành du lịch tiếp tục phát huy thế mạnh về tình hình an ninh, chính trị giữ vững ổn định, đảm bảo an toàn cho khách du lịch đến với Việt Nam. 

Đồng thời, tiếp tục phát huy các sản phẩm, dịch vụ vừa phong phú vừa đa dạng, tập trung các loại hình: Du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch chăm sóc sức khỏe đến du lịch tâm linh, lễ hội, ẩm thực… 

Cạnh đó, nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ về cơ sở vật chất của điểm lưu trú mà còn về giao thông, đô thị… Ngành du lịch tiếp tục đầu tư, nâng cao tính chuyên nghiệp trong các hoạt động tiếp thị, quảng bá, xúc tiến du lịch.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thu Trinh (Báo Pháp luật TP.HCM)

CLIP HOT