Quy hoạch đất tại Hội An xoay quanh ‘trục’ du lịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của thành phố Hội An lựa chọn du lịch tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của thành phố miền Trung này. Qua đó, quy hoạch vạch ra tiềm năng vị trí, không gian phục vụ cho việc phát triển du lịch của thành phố.

Hôm nay, 3-8, ông Nguyễn Minh Lý, Phó chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho biết thành phố đang trình quy hoạch này đến Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam sau một tháng lấy ý kiến người dân về quy hoạch này.

“Sau đó, hồ sơ quy hoạch sẽ được trình HĐND thành phố Hội An thông qua và trình UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt, tạo điều kiện để thành phố có cơ sở triển khai thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đạt hiệu quả cao”, ông Lý nói và cho biết nhanh nhất quy hoạch này được thực thi vào tháng 11 năm nay.

Quy hoạch đất tại Hội An xoay quanh ‘trục’ du lịch - 1

Phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Với quy hoạch đất đến năm 2030, Hội An hy vọng đa dạng hóa nguồn đất phát triển du lịch, phần nào đó giảm bớt áp lên lên phố cổ. Ảnh: Nhân Tâm

Theo quy hoạch này, ngành du lịch Hội An tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế. Các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển du lịch tại các địa phương được triển khai thực hiện đã góp phần khai thác tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các địa phương. Không gian phát triển du lịch được trải khắp các vùng đô thị, nông thôn, hải đảo, làng quê; hoạt động tham quan, trải nghiệm, khám phá tại các điểm đến đã có sự chú trọng gắn kết với các loại hình lưu trú và dịch vụ khác.

Đất khu du lịch được khoanh định là các các vị trí phục vụ nhu cầu khai thác khu du lịch trên địa bàn thành phố, tập trung nhiều tại các phường Cẩm An, phường Cửa Đại với thế mạnh về du lịch biển với diện tích bãi biển dài, đẹp và nhiều khu vui chơi, giải trí.

Đất du lịch còn tập trung nhiều tại các phường Minh An, phường Cẩm Phô, phường Sơn Phong với thế mạnh về du lịch phố cổ; ngoài ra đất khu du lịch sẽ tập trung tại xã Cẩm Hà với vườn rau Trà Quế, phường Thành Hà với Làng gốm Thành Hà… Tổng diện tích đất khu du lịch định hướng đến năm 2030 là 580,79 ha.

Bên cạnh đó, Hội An cũng lên kế hoạch tận dụng khu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố với tổng diện tích 537,37 ha để làm kinh tế du lịch.

Đơn cử, làng rau Trà Quế nổi tiếng với sản phẩm rau hữu cơ sử dụng phân bón từ rong biển sẽ được tiếp tục áp dụng chương trình OCOP và đẩy mạnh thương hiệu của sản phẩm rau hữu cơ Trà Quế để tăng giá trị sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, thu hút khách du lịch.

Hội An cũng lưu giữ diện tích trồng lúa hiện trạng, đặc biệt là các khu vực canh tác lớn tại phường Cẩm Châu, phường Thanh Hà, xã Cẩm Thanh, xã Cẩm Kim nhằm duy trì khu vực thoát lũ cho đô thị. Thành phố cũng rà soát hiện trạng để thực hiện thay đổi cơ cấu cây trồng với 1 vụ lúa và 1 vụ sen để tăng năng suất canh tác cũng như tạo điều kiện khai thác du lịch.

Quy hoạch cũng xác định tiềm năng đất đai phục vụ cho việc phát triển du lịch thành phố Hội An tập trung vào các khu vực, bao gồm khu phố cổ, không gian ven biển Cẩm An – Cửa Đại theo hướng mở rộng kết nối với tuyến sông Cổ Cò khai thông từ Cửa Đại ra Cửa Hàn (Đà Nẵng), biển đảo (Cù Lao Chàm), sinh thái vùng sông nước (rừng dừa Bảy Mẫu và các vùng đồng quê như Võng Nhi, Cồn Tiến).

Bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2019, tổng lượng khách đến Hội An tăng 26,5%/năm (đạt 16,6 triệu lượt, tăng gấp 2,8 lần so với giai đoạn 2011 – 2015), tổng lượt khách lưu trú tăng 20,31%/năm (đạt 6,1 triệu lượt, tăng 64,86%), tổng ngày khách lưu trú tăng 19,3%/năm (đạt 13,6 triệu ngày, tăng 58,14%); quy mô kinh tế du lịch đạt 12,82 tỉ đồng, tăng bình quân 23,47%/năm.Mạng lưới cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn năm năm qua tiếp tục phát triển nhanh về số lượng và đa dạng về hình thức, tính đến ngày 31-12-2020, toàn thành phố có 800 cơ sở lưu trú du lịch với 12.216 phòng cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhân Tâm (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn)

CLIP HOT