Quảng Ninh “thắt lưng, buộc bụng” tiết kiệm 1.000 tỷ để khắc phục bão số 3

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua nhiều nghị quyết nhằm khắc phục, phục hồi các hoạt động sau cơn bão số 3. Trong đó, có việc “thắt lưng, buộc bụng” tiết kiệm chi thường xuyên để dành 1.000 tỷ.

Ngày 23/9, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã khai mạc Kỳ họp thứ 21 - Kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng nhằm thảo luận, quyết nghị kịp thời một số chính sách khẩn cấp, cấp bách theo trình tự, thủ tục rút gọn để hỗ trợ khắc phục thiên tai do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh.

Tại kỳ hợp thứ 21, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã nhất trí thông qua 5 Nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về việc điều chỉnh, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024 và một số nội dung khác thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khoá XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã nhất trí điều chỉnh dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024, bổ sung 1.000 tỷ đồng chi cho khắc phục hậu quả của bão số 3 và mưa, lũ sau bão và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Quảng Ninh “thắt lưng, buộc bụng” tiết kiệm 1.000 tỷ để khắc phục bão số 3 - 1

Quảng Ninh thông qua nhiều nghị quyết phục hồi sau ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Ngoài ra, HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng thông qua các nghị quyết nhằm khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, hạ tầng sản xuất sau bão số 3 gồm: Hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm học 2024-2025; hỗ trợ nhà ở, sửa chữa nhà ở nhằm kịp thời hỗ trợ, đáp ứng một phần nhu cầu khắc phục khó khăn, khôi phục, xây dựng, sửa chữa lại nhà ở của những hộ gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình khó khăn.

Nghị quyết về hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền đăng ký và đang duy trì ổn định, thường xuyên hoạt động khai thác, nuôi trồng và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, ven biển đăng ký tại tỉnh Quảng Ninh bị chìm với mức 50 triệu đồng đối mỗi tàu dài từ 12m trở lên và 15 triệu đồng đối với mỗi tàu dài từ 6 đến dưới 12m, thời gian thực hiện hỗ trợ 2024...

Nghị quyết về sửa đổi bổ sung một số nội dung quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh “thắt lưng, buộc bụng” tiết kiệm 1.000 tỷ để khắc phục bão số 3 - 2

Quảng Ninh bị thiệt hại hơn 24.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng số thiệt hại của cả nước sau cơn bão số 3.

Theo bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, những chính sách, nguồn lực của tỉnh được thông qua tại kỳ họp chưa thấm gì so với những mất mát của người dân, doanh nghiệp phải chịu thiệt hại, chưa bao phủ tới tất cả đối tượng của xã hội chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Tuy nhiên, đây là sự chia sẻ của chính quyền địa phương với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp.

Theo thống kê sơ bộ về thiệt hại do bão số 3 gây ra, Quảng Ninh có 29 người chết; 1.609 người bị thương được điều trị tại các cơ sở y tế; 4 người mất liên lạc... Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 24.223 tỷ đồng. Trong đó, thành phố Hạ Long chịu thiệt hại nặng nề nhất, khoảng 8.765,1 tỷ đồng; huyện Vân Đồn khoảng 3.693,5 tỷ đồng; thành phố Uông Bí khoảng 3.200 tỷ đồng; thị xã Quảng Yên khoảng 2.305,8 tỷ đồng; thị xã Đông Triều 2.219.9 tỷ đồng; thành phố Cẩm Phả khoảng 1.127 tỷ đồng,...

Bão số 3 cũng gây 102.859 nhà bị tốc mái, 254 nhà bị đổ sập, 4.999 nhà bị ngập, sạt lở; trên 70% gia đình học sinh bị tác động trực tiếp từ bão số 3; 269 phương tiện thủy bị đắm, chìm...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đoàn Chi

CLIP HOT