Nhận dạng tiền giả 200.000 đồng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) VN công bố nhiều đặc điểm và cách nhận dạng loại tiền giả 200.000 đồng.

Nhận dạng tiền giả 200.000 đồng - 1

Cụ thể, tiền làm giả một số yếu tố bảo an nhưng không tinh xảo, có thể nhận biết bằng tay và mắt thường. Thứ nhất khi soi tờ tiền trước nguồn sáng, hình bóng chìm chỉ là hình mô phỏng, không có các chi tiết in tinh xảo, sáng rõ như tiền thật. Thứ hai, hình định vị (hình ảnh trên mặt trước và hình ảnh trên mặt sau in trên cùng một vị trí) không khớp khít, không cân đối và không tạo thành các khe sáng trắng đều nhau như tiền thật khi soi tờ tiền trước nguồn sáng. Thứ ba, mực đổi màu được in giả bằng mực nhũ vàng, khi chao nghiêng không đổi từ màu vàng sang màu xanh lá cây như yếu tố mực đổi màu (OVI) của tiền thật (chỉ có ở các tờ 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng). Thứ tư, kiểm tra cửa sổ nhỏ (chỉ có ở 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng) không có yếu tố hình ẩn (DOE) như tiền thật.

Nhận dạng tiền giả 200.000 đồng - 1

Tiền thật (trên) và tiền giả - Ảnh: Khánh My

NHNN cũng lưu ý, tiền giả mới xuất hiện gần đây có làm giả nét in nổi bằng cách in thêm các ký tự tương ứng bằng mực không màu (trong suốt) tại các vị trí như: dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, chữ và số mệnh giá (lớn) trên mặt trước; dòng chữ “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, chữ và số mệnh giá trên mặt sau. Khi vuốt nhẹ tại các vị trí này cũng cảm nhận được độ nổi nhưng không nhám, ráp như tiền thật, nhằm đánh lừa cảm giác khi kiểm tra nét in nổi. Khi soi tờ tiền dưới đèn cực tím (UV), các ký tự in bằng mực không màu thường phát quang, rất dễ nhận biết. Ngoài ra, dưới đèn cực tím (UV) số sê ri dọc và số sê ri ngang không phát quang, có làm giả mực không màu phát quang nhưng cường độ yếu, không sáng rõ như tiền thật. Vì vậy, cần kiểm tra thêm các yếu tố bảo an khác để khẳng định tính xác thực của đồng tiền.

Ngoài ra NHNN cũng cho biết, đến nay tất cả các loại tiền giả polymer đều được in trên nền ni lông thông thường nên rất dễ giãn hoặc rách; không bền và không có độ đàn hồi đặc trưng như polymer. Vì vậy, cũng có thể kiểm tra bằng cách kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền, nếu là tiền thật sẽ rất khó rách, khó  giãn, hoặc nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay, khi mở bàn tay ra, nếu là tiền thật sẽ đàn hồi về trạng thái ban đầu...{jcomments on}

Anh Vũ

(Báo Thanh Niên, ngày 03.10.2012)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT