Ngành Du lịch “khát” nhân lực

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Để tiếp sức cho quãng thời gian phục hồi, phát triển sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ nay đến năm 2030, dự tính mỗi năm Việt Nam cần thêm trên 60.000 lao động ngành Du lịch, để bù đắp cho lực lượng đã rời bỏ khỏi ngành.

Mỗi năm cần thêm hơn 60 ngàn lao động

Tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022, được tổ chức mới đây, Ths Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có báo cáo tham luận với chủ đề “Chuyển dịch lao động ngành Du lịch”. Theo báo cáo, sau một thời kỳ tăng trưởng nhanh của giai đoạn 2015-2019, do đại dịch Covid-19, lượng khách quốc tế và nội địa đã suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy, hàng triệu lao động trong du lịch đã phải nghỉ việc.

Ngành Du lịch “khát” nhân lực - 1

Phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid- 19, ngành du lịch cần bổ sung nguồn nhân lực lớn. Ảnh minh họa. Nguồn: Tổng Cục Du lịch.

Thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho thấy, năm 2019 cả nước có trên 2,5 triệu lao động, trong đó 750.000 lao động trực tiếp với 45% được đào tạo chuyên môn về du lịch, 35% được đào tạo chuyên ngành khác, 20% chưa qua đào tạo. Năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành Du lịch phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng. Thực tế này khiến nhiều lao động phải chuyển nghề vì mưu sinh, dẫn đến thiếu hụt nhân lực nặng nề đối với ngành Du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ.

Lực lượng chịu tác động nặng nhất thuộc về lao động đang tham gia dịch vụ tại các cơ sở lưu trú, lữ hành quốc tế và bán hàng lưu niệm. Người lao động phải chịu các biện pháp mạnh mẽ của doanh nghiệp như cắt giảm lương (chủ yếu là lưu trú và ăn uống), nghỉ việc tạm thời (lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa và vận chuyển). Trong khi đó, lao động còn ở lại làm việc tại các doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ phải thích ứng với thay đổi thị trường khách hàng. Trong đó, lao động phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất thuộc về các cơ sở kinh doanh dịch vụ, lưu trú, lữ hành và vận chuyển.

Báo cáo dẫn một khảo sát tại thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2021 cho thấy: Số lao động chuyển sang nghề khác chiếm 26%; số lao động có ý định chuyển nghề sau dịch chiếm 33% (trong đó nữ 71,73%, nam 28,27%). Về lao động du lịch mất việc, chuyển nghề, có tới hơn 43% lao động có thâm niên nghề 5-10 năm; 23% có thâm niên nghề trên 10 năm. Báo cáo cũng cho biết, nhu cầu nhân lực du lịch sau đại dịch Covid-19, đối với hoạt động lưu trú du lịch, dự báo hiện nay ngành Du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 đến 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 đến 1.450.000 buồng. Như vậy, năm 2025, cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800 nghìn và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.

Về cung, nhân lực du lịch hiện tại suy giảm cả số lượng và chất lượng so với thời điểm năm 2019. Lực lượng lao động trực tiếp khối cơ sở lưu trú du lịch hiện chưa đến 400.000 người, đáp ứng hơn 70% nhu cầu với công suất trung bình dưới 50%, định mức chưa tới 0,6 lao động/buồng. Tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn, định mức trung bình chỉ khoảng 0,4 lao động/buồng. Đặc biệt thiếu nhân sự vào thời điểm cao điểm như nghỉ lễ, Tết, cuối tuần. Cơ cấu nhân sự chưa đồng bộ, thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Đáng chú ý, sự mất cân đối nhân lực theo vùng/miền khiến nhiều khu vực tăng trưởng nóng về khách du lịch nhưng chất lượng dịch vụ thấp hơn khu vực khác và không ổn định.

Cần có Chương trình phục hồi lao động ngành Du lịch

Cũng theo Báo cáo trên, để khôi phục nguồn cung lao động trong ngành Du lịch, Chính phủ cần ban hành Chương trình phục hồi lao động trong ngành với đối tượng lao động trực tiếp. Cụ thể, đối với lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp du lịch sẽ tổ chức các khóa bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ (1 tuần); đối với lao động đã nghỉ việc 1 năm sẽ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức, tay nghề… (2 tuần); đối với lao động đã nghỉ 2 năm và lao động mới vào ngành Du lịch sẽ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tay nghề… (1 tháng). Đối với đối tượng đã làm trong lĩnh vực du lịch sẽ tham gia khóa bồi dưỡng 1 tháng và đối tượng nghỉ việc 2 năm chưa hoạt động trong lĩnh vực du lịch sẽ tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng 2 tháng.

Về chính sách hỗ trợ, Chính phủ hỗ trợ chi phí đào tạo cho người lao động thông qua doanh nghiệp du lịch hoặc Hiệp hội Du lịch. Mức kinh phí hỗ trợ là 50% chi phí đào tạo từ ngân sách Trung ương hoặc địa phương.

Với trách nhiệm các bên, báo cáo đề xuất Chính phủ giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch các cấp triển khai Chương trình trên địa bàn, các cơ quan có liên quan hỗ trợ cho ngành Du lịch triển khai chương trình này. Đồng thời, hệ thống Hiệp hội Du lịch cần triển khai chương trình thông qua việc tham gia trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ lao động của các doanh nghiệp du lịch cả nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch đăng ký danh sách lao động tham dự các khóa đào tạo, đóng góp 50% kinh phí đào tạo thông qua việc sử dụng các cơ sở vật chất, trang bị và lao động của doanh nghiệp./.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tú Anh (Báo Lao Động Thủ Đô)

CLIP HOT