Ngành du lịch đề nghị địa phương có phương án ngăn chặn tình trạng gây sốt giá dịp lễ
Tổng cục Du lịch dự báo vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, lượng khách du lịch sẽ tăng mạnh khi người dân được nghỉ dài ngày. Do đó, các địa phương cần chủ động phương án tổ chức hoạt động phục vụ khách du lịch, không để xảy ra tình trạng tuỳ tiện nâng giá, chèo kéo, ép khách, gây sốt giá.
Những kỳ nghỉ dài như 30-4 và 1-5 hoặc Quốc khánh 2-9 thường ghi nhận lượng khách du lịch nội địa bùng nổ.. Ảnh: Hoàng Lê
Hàng năm, những kỳ nghỉ dài như 30-4 và 1-5 hoặc Quốc khánh 2-9 thường ghi nhận lượng khách du lịch nội địa bùng nổ. Kỳ nghỉ 30-4 và 1-5 năm nay dự báo cũng không nằm ngoài quy luật này. Nhiều địa phương cho biết đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp du lịch triển khai các hoạt động kinh doanh, tiếp tục mở rộng thị trường.
Ghi nhận từ cổng thông tin của một số địa phương cho thấy, kỳ nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ 30-4 và 1-5 năm nay Bình Thuận dự báo sẽ có khoảng 160.000 lượt khách tham quan, du lịch. Còn thống kê từ Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30-4 và 1-5 cùng với tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế 2023, du lịch Thừa Thiên Huế sẽ đón khoảng 100.000 ngàn khách du lịch. Tổng doanh thu dự kiến ước đạt 155 tỉ đồng.
Báo cáo của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá ngành du lịch cả nước đang trong quá trình phục hồi mạnh mẽ. Dự báo, vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, lượng khách du lịch sẽ tăng mạnh khi người dân được nghỉ dài ngày.
Do đó, Tổng cục Du lịch đã gửi công văn số 620/TCDL-KS đề nghị Sở quản lý du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường bảo đảm các hoạt động du lịch trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.
Cụ thể, đề nghị cơ quan quản lý du lịch các địa phương chỉ đạo Ban quản lý các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn cần chủ động phương án tổ chức hoạt động phục vụ khách du lịch; bố trí đủ lực lượng, cơ sở vật chất, thực phẩm và điều kiện cần thiết để phục vụ du khách.
Các địa phương cần có biện pháp kiểm soát giá dịch vụ du lịch; yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; không để xảy ra tình trạng tuỳ tiện nâng giá, chèo kéo, ép khách, gây sốt giá, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung.
Lực lượng chức năng cần kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp đeo bám, gây phiền hà cho du khách, bố trí đủ nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ khách. Đồng thời, đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng của đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ du khách, đặc biệt tại các cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị vận chuyển khách du lịch, các khu, điểm du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch, trung tâm mua sắm, cơ sở vui chơi, giải trí trên địa bàn.