Năm 2025, Quảng Ngãi đặt mục tiêu thu hút hơn 1,7 triệu lượt du khách, tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.680 tỷ đồng. Sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng, trong đó du lịch biển, đảo tiếp tục giữ vai trò mũi nhọn cùng với du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, du lich gắn với các sự kiện thể thao.
Khởi động đầu năm mới 2025, ngành du lịch Quảng Ngãi tổ chức chuỗi sự kiện hấp dẫn du khách gồm: Lễ chào cờ đón năm mới 2025 và lan tỏa hình ảnh Du lịch Quảng Ngãi tại huyện đảo Lý Sơn; Lễ khai mạc Tuần lễ Du lịch Quảng Ngãi năm 2025.
Ngành cũng tổ chức đoàn Famtrip, Presstrip khảo sát, truyền thông Famtrip, Fresstrip giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch tỉnh Quảng Ngãi; triển lãm Di sản văn hóa, địa chất và hình ảnh du lịch Quảng Ngãi; giải bơi vượt biển - Cross Island Lý Sơn 2025, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2025; Đua thuyền truyền thống Tứ linh; Lễ hội Khinh khí cầu “Bay lên Lý Sơn”…hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Năm 2024, Quảng Ngãi thu hút hơn 1.400 lượt du khách, tăng hơn 36% so với năm ngoái, tổng thu du lịch ước đạt 1.434 tỷ đồng, đạt 155% so với kế hoạch năm 2024, tăng 30% với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, cho biết đạt được điều này là nhờ tài nguyên du lịch của địa phương độc đáo, cùng với chuỗi sự kiện kích cầu, quảng bá du lịch diễn ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh trong mùa cao điểm du lịch. Tỉnh xác định du lịch biển, đảo tiếp tục là thế mạnh, giữ vai trò mũi nhọn, góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch đến Quảng Ngãi.
Năm 2024, nhằm khai thác tiềm năng du lịch, phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và chuyển giao hai mô hình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại xã Bình Châu (Bình Sơn) và rừng dừa nước Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi) khai thác, vận hành.
Theo ông Dũng, các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ ở một số địa phương, thu hút người dân tham gia và sáng tạo, thiết kế ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch để thu hút, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, du lịch. Các sản phẩm du lịch này góp phần nâng cao thu nhập và đời sống tinh thần cho người lao động tại khu vực nông thôn, quảng bá, giao lưu, trao đổi văn hóa, các sản phẩm OCOP đặc trưng của mỗi địa phương.