Ngày 1/12/2024 (nhằm ngày 1/11/ Giáp Thìn), tại Cung Trúc Lâm, Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử (TP Uông Bí tỉnh Quảng Ninh), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tổ chức Đại lễ tưởng niệm 716 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (1308 - 2024).
Buổi lễ có sự quang lâm chứng minh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự; chư vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Hòa thượng Thích Gia Quang, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Hòa thượng Thích Thanh Quyết (Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh); cùng chư tôn đức Tăng Ni, đại diện các Ban, Viện T.Ư, Tăng Ni, Phật tử GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tham dự.
Tại buổi lễ, chư tôn đức giám phẩm Phật giáo và các Tăng ni, Phật tử thành kính trước hương án, di ảnh Đức Phật hoàng, tưởng niệm, tri ân những công lao cao dày của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với Đạo pháp và Dân tộc.
Đồng kính nguyện thực hành gìn giữ tinh thần đoàn kết dân tộc, độc lập Tổ quốc, nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội, đoàn kết các tôn giáo để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện hữu hiệu phương châm “Tốt đời đẹp đạo”, duy trì truyền thống dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy nội lực, đồng nhờ ngoại lực để phát huy Đạo pháp và đất nước phồn vinh, văn minh tiến bộ.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Quyết đã cung tuyên tiểu sử Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, khái lược lại cuộc đời và đạo nghiệp của vị hoàng đế anh minh, vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng lớn, nhà tu hành giác ngộ sáng lập Phật giáo Trúc Lâm và được tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.
“Sau khi hoàn thành trách nhiệm với đất nước, nhân dân, ngài xuất gia, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, để lại một di sản văn hóa tâm linh đặc sắc, kết tinh tinh thần nhập thế và hòa hợp dân tộc”, Hóa thượng Thích Thanh Quyết nói.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn dâng lời tưởng niệm của T.Ư GHPGVN, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với công hạnh và đạo nghiệp của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Theo đó, Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông không chỉ là một vị anh hùng dân tộc mà còn là nhà văn hóa lớn, bậc xuất trần thượng sĩ, người khai sáng dòng thiền mang đậm bản sắc Việt Nam, biểu tượng của sự hòa quyện giữa đạo pháp và dân tộc.
“Trên tinh thần sắc tướng vốn không, mượn cảnh huyễn, độ người như huyễn, tử sinh nào có, nương thuyền từ độ kẻ trong mê, như Tổ sư đã dạy: 'Tất cả pháp không sinh/ Tất cả Pháp không diệt/ Ai hiểu được nghĩa này/ Thì chư Phật hiện tiền/ Nào có đến có đi'.
Dù thời gian có đi qua 716 năm, không gian có biến dịch, song công đức, đạo nghiệp của Tổ sư vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp hộ quốc an dân, đoàn kết hòa hợp dân tộc, phát huy Đạo pháp trong thời đại ngày nay và mãi mãi về sau”, Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch dâng lời tưởng niệm.
Tại lễ đài, khóa lễ tâm linh được cử hành trong không khí trang nghiêm và thành kính, chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội dâng hương tưởng niệm, đồng nhất tâm tụng kinh cúng dường và tuyên sớ cầu an. Toàn thể hội chúng nhất tâm, đồng lòng nguyện cầu cho Phật pháp trường tồn, quốc thái dân an, đất nước phồn vinh, trăm họ sống trong cảnh thái bình.
Phật hoàng Trần Nhân Tông, húy là Trần Khâm, sinh năm 1258, là con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Ngài được vua cha lập làm Hoàng Thái tử năm 16 tuổi, tinh thông Tam giáo (Nho, Phật, Lão), đặc biệt học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ và ngộ chân lý thiền tông.
Năm 1278, Trần Nhân Tông lên ngôi vua, hiệu là Hiếu Hoàng. Ngài lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh bại giặc Nguyên - Mông (1285, 1288), mang lại thái bình thịnh trị. Năm 1293, ngài nhường ngôi cho con, trở thành Thái Thượng Hoàng.
Năm 1278, Trần Nhân Tông lên ngôi vua, hiệu là Hiếu Hoàng. Ngài lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh bại giặc Nguyên - Mông (1285, 1288), mang lại thái bình thịnh trị. Năm 1293, ngài nhường ngôi cho con, trở thành Thái Thượng Hoàng.
Năm 1299, ngài xuất gia tại Yên Tử, lấy hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng nhập thế “Cư trần lạc đạo.” Ngài thống nhất ba dòng thiền lớn và truyền bá Phật giáo khắp Đại Việt, xây dựng mối quan hệ hòa bình với các nước lân bang.
Năm 1308, ngài nhập Niết - bàn tại am Ngọa Vân, Yên Tử, để lại hệ thống tư tưởng và các tác phẩm kinh điển quý báu như Thạch thất mỵ ngữ, Trần Nhân Tông thi tập. Ngài được tôn xưng là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật, biểu tượng hài hòa giữa đạo và đời trong lịch sử dân tộc.
Hàng nghìn phật tử, tín đồ tôn giáo cùng người dân đều đổ về Yên Tử trong ngày lễ tưởng niệm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn.