Lạc quan về "siêu vắc xin" Covid-19
Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu y khoa Garvan (Úc) vừa công bố nghiên cứu về chiến lược điều chỉnh vắc-xin nhằm ngăn ngừa sự phát triển của các biến thể virus SARS-CoV-2 mới.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa Immunity hôm 2-11, các nhà khoa học đánh giá mức độ kháng thể có thể được sản sinh sau khi tiêm các loại vắc-xin và hiệu quả của kháng thể đối với những biến thể trong tương lai.
GS Chris Goodnow, giám đốc điều hành phòng thí nghiệm thuộc Viện Garvan kiêm đồng tác giả nghiên cứu, cho biết hiệu quả phòng ngừa Covid-19 của các loại vắc-xin hiện nay có thể giảm dần theo thời gian. Ngoài ra, phải chuẩn bị ứng phó với các biến thể có khả năng kháng các loại vắc-xin hiện có.
Theo Tân Hoa xã, các chuyên gia Úc đã phát triển một liệu pháp kháng thể có khả năng phòng ngừa SARS-CoV-2 bám vào thụ thể trên cơ thể người bằng phương pháp vật lý. Mục tiêu cuối cùng của nhóm nhà khoa học này là phát triển loại "siêu vắc-xin" ngăn ngừa được tất cả biến thể virus gây bệnh Covid-19 trong tương lai.
Người dân Úc gặp lại người thân tại sân bay ở TP Sydney khi các hạn chế phòng dịch được nới lỏng hôm 1-11 Ảnh: REUTERS
Trong nỗ lực tăng cường sản xuất, Công ty Dược phẩm Shionogi (Nhật Bản) sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc-xin ngừa Covid-19 ở một số quốc gia châu Á trong tháng này.
Giám đốc điều hành Shionogi, ông Isao Teshirogi, hôm 1-11 cho biết các cuộc thử nghiệm sẽ kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin Shionogi so với vắc-xin của các hãng Pfizer, Moderna và AstraZeneca đang lưu hành.
Theo tờ Nikkei Asia, vắc-xin của Shionogi dùng công nghệ protein tái tổ hợp, tương tự công nghệ mà các hãng dược lớn như Novavax, Sanofi và GSK sử dụng. Nhà sản xuất cũng sẽ đánh giá mức độ an toàn nếu vắc-xin được sử dụng làm liều tăng cường.
Công ty Shionogi hy vọng vắc-xin sẽ được phê duyệt và bắt đầu được cung cấp tại Nhật Bản vào cuối tháng 3 năm sau.
Đại diện Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho rằng Việt Nam cần ứng dụng chứng chỉ số (hộ chiếu vắc...