Kiệt quệ tài chính, doanh nghiệp lữ hành rút giấy phép 'đòi' lại tiền ký quỹ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Với 90% doanh nghiệp không hoạt động, khoảng 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, du lịch, nhà hàng, khách sạn là ngành bị thiệt hại nặng nề nhất vì Covid-19.

Bộ KH&ĐT vừa gửi dự thảo báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 cho một số bộ, ngành và các tỉnh, thành liên quan, đề nghị góp ý. Một trong những điểm mà dự thảo nhấn mạnh là các khó khăn, tồn tại của cộng đồng doanh nghiệp trong thời Covid-19.

Theo đó, 8 nhóm ngành nghề, kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 là du lịch, nhà hàng, khách sạn; dệt may; bán lẻ; cơ khí, chế tạo, ôtô; nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản; vận tải, logistics; hàng không; công nghệ thông tin, viễn thông.

Kiệt quệ tài chính, doanh nghiệp lữ hành rút giấy phép 'đòi' lại tiền ký quỹ - 1

Bưu điện TP.HCM vắng vẻ trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Hữu Long

Trong đó, du lịch, nhà hàng, khách sạn là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi Covid-19 từ năm 2020, rồi đến thiên tai lịch sử tại miền Trung và các đợt bùng phát dịch đầu năm đến nay.

Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch đang gặp khó khăn về tài chính do không có doanh thu và rơi vào tình trạng kiệt quệ.

Theo Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA), hiện có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, khoảng 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, đại lý vé phần lớn cho nghỉ việc 100% lao động. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho 60-90% nhân sự nghỉ việc không lương và kích cầu du lịch nội địa để truy trì nhân sự chủ chốt.

Giá điện của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú vẫn bị áp giá điện dịch vụ, chưa được tính theo giá điện sản xuất, dẫn đến chi phí duy trì cao. Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế bị mất tiền đặt cọc cho các hãng hàng không quốc tế 50-60 tỉ do hủy tour.

"Trong khi đó, các doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ từ nhà nước”, Bộ KH&ĐT cho biết. Đáng chú ý, quy định tiền ký quỹ 500 triệu đồng/doanh nghiệp lữ hành quốc tế bị đọng vốn. Trong tình cảnh khó khăn, có khoảng 600 doanh nghiệp đã phải tạm rút giấy phép để lấy lại ký quỹ, cân đối tài chính.

Kiệt quệ tài chính, doanh nghiệp lữ hành rút giấy phép 'đòi' lại tiền ký quỹ - 2

Các điểm du lịch tại TP.HCM vắng bóng du khách. Ảnh: Hữu Long

Cũng theo Bộ KH&ĐT, Covid-19 gây ra xáo trộn lớn, tác động rất tiêu cực đến kinh tế, trong đó khu vực doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Các khó khăn có thể kể đến như: trả lương, đóng bảo hiểm, phí công đoàn, lãi vay, tiền điện, nước, nhiên liệu, kho, bãi, nhà xưởng… Cũng chính vì vậy mà số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn năm 2019, trong khi đó doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng mạnh. Điều này kéo theo số lượng việc làm đăng ký năm 2020 cũng giảm tới 16,9% so với 2019.

“Tính chung năm 2020, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi là gần 1,2 triệu người, tăng 277,8 nghìn người so với năm 2019”, dự thảo cho hay.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phương Hà

CLIP HOT