Khám phá di sản qua một 'không gian' mới
Đưa người xem đến tham quan những công trình kiến trúc, giá trị văn hóa - lịch sử thông qua công nghệ thực tế ảo là cách mà Holomia hướng đến trong vài năm trở lại đây. Việc sử dụng công nghệ này để tái hiện di sản là hướng đi sáng tạo và hiệu quả trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, để công nghệ 'ảo' mang đến những giá trị thật còn mãi với thời gian.
Người Hà Nội háo hức trải nghiệm không gian thực tế ảo tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (22 Hàng Buồm).
Một trải nghiệm thú vị
Trong Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo năm 2021 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, tạp chí Kiến trúc khối hợp cùng UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức, vừa diễn ra tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, nhiều người xem tỏ ra thích thú với không gian trải nghiệm công nghệ thực tế ảo Holomia. Đến với không gian triển lãm này, người xem được kết nối vào không gian mô phỏng thực tế để thăm lại di sản ngàn năm, tham quan ảo không gian Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo Hà Nội và tham dự triển lãm online với 18 tác phẩm đoạt giải cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”.
Với nhiều người tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo 2021 thì không gian trải nghiệm công nghệ thực tế ảo Holomia chính là điểm nhấn cực kỳ thú vị. Theo anh Đinh Anh Tuấn, người sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành Holomia thì công nghệ ảo là một trong những lĩnh vực then chốt của phát triển kinh tế thời đại công nghệ 4.0.
“Ban tổ chức sự kiện Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo 2021 muốn người tham quan có những trải nghiệm công nghệ mới do người Việt sáng tạo. Holomia mang tới không gian này những sản phẩm đã được ứng dụng trong thực tiễn ở nhiều nơi trong nước lẫn quốc tế đã được kiểm chứng với số lượng người dùng lớn. Qua không gian trải nghiệm VR này, Holomia mong muốn khách tham quan không chỉ được biết công nghệ ảo là gì mà còn có thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa, cũng như thấy tính ứng dụng của thực tế ảo như một công cụ, một cách thức mới nhanh và an toàn cho du lịch, học tập, giải trí, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 việc đi lại khó khăn như lúc này”, anh Tuấn lý giải.
Có mặt tại không gian này, chị Lê Thị Ngọc (phường Quán Thánh, quận Ba Đình) tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi cùng bạn bè trải nghiệm. “Tôi cảm thấy thực sự bất ngờ khi ngay tại 22 Hàng Buồm lại được tham quan Hội An, được trở thành người hứng dừa trong tranh Đông Hồ, được ngồi thảm bay tham quan Hoàng thành Thăng Long hay bước vào phiên bản chùa Một Cột phỏng dựng lại từ thời các vị vua Lý”, chị Ngọc cho biết.
“Chạm tay” vào lịch sử
Là người đã hợp tác với Holomia trong dự án phục dựng chùa Một Cột nguyên bản thời Lý, Tiến sĩ Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, với sự hỗ trợ của công nghệ thực tế ảo, những người thực hiện dự án đã tái hiện hình ảnh chùa Một Cột mô phỏng một tiểu vũ trụ trong thế giới quan Phật giáo với tháp Một Cột - tháp hoa sen nằm ở trung tâm của Mạn đà la đồng tâm đa chiều, hình ảnh hóa cấu trúc bình đồ và nghệ thuật kiến trúc thời Lý để người xem có thể “bước vào lịch sử, bước đi trong lịch sử”.
“Chân của tôi đang đứng ở hiện tại nhưng may mắn chúng tôi sống ở thời đại công nghệ 4.0, có thể hiện thực hóa nét đẹp truyền thống qua không gian 3D để chúng ta có thể “chạm tay” vào lịch sử”, Tiến sĩ Trần Trọng Dương nhấn mạnh.
Là người yêu lịch sử dân tộc, bạn Triệu Đức Giang (sinh viên năm thứ 4 khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Du lịch xanh, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) đã bày tỏ sự ngỡ ngàng, thán phục khi được đeo kính 3D bước vào không gian chùa Một Cột được tái hiện bằng công nghệ thực tế ảo.
“Trên cơ sở khoa học cùng trí tưởng tượng, sức sáng tạo, nhóm nghiên cứu đã dựng nên khung cảnh chùa Một Cột hơn 1.000 năm trước một cách chi tiết, khiến người xem cảm thấy như mình đang sống ở trong không gian ấy vậy”, Giang nhận định.
Theo anh Đinh Anh Tuấn, với “Bí ẩn Hoàng thành Thăng Long”, Holomia giúp mô phỏng lại trong không gian ảo toàn bộ quy mô của Hoàng thành xưa thông qua các bản đồ, dữ liệu khảo cổ cùng các kiến trúc đồng đại. Khách tham quan sẽ được "xuyên không" ngược lịch sử để ngắm nhìn toàn bộ, từ vòng ngoài thành Đại La cho đến phía trong Cấm thành.
“Khi Holomia tham gia sự kiện ở nước ngoài, khách tham quan đều ngạc nhiên khi thấy quy mô của Việt Nam xưa cũng kỳ vĩ, hoành tráng chứ không chỉ là những thứ nhỏ bé, trầm mặc. Có nhiều khách đã hẹn quay lại Việt Nam để tìm hiểu kỹ hơn thay vì chỉ biết đến Hoàng thành xưa với cửa Đoan Môn hay nền điện Kính Thiên như hiện nay. Ngay tại Việt Nam, nhiều người cũng không hình dung hết được quy mô thực của Hoàng thành xưa, họ cũng rất bất ngờ và thay đổi quan điểm về một Việt Nam thời xưa hùng mạnh chứ không nhỏ bé như vẫn thường nghĩ”, anh Tuấn chia sẻ.
Không chỉ là cách thích ứng với đại dịch
Ngay lúc này, ứng dụng của thế giới số, công nghệ thực tế ảo không chỉ là xu hướng, là tương lai nữa mà đã là thực tại. Đại dịch Covid-19 góp phần thúc đẩy tiến trình số hóa nhanh hơn. Nhu cầu giao tiếp, kết nối, tham quan, giao thương trong môi trường ảo đã trở thành nhu cầu cần thiết cho doanh nghiệp, cho từng người dân.
Hiện tại, các thiết bị kính thực tế ảo chưa thông dụng nhưng thông qua Internet, du khách ở xa đều có thể dùng máy tính cá nhân, điện thoại thông minh "đi" thăm các không gian trưng bày trong Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo 2021, các dự án đoạt giải mà không cần phải tới tận nơi. Họ cũng có thể liên hệ, trao đổi với Ban tổ chức hay trao đổi trực tiếp với nghệ sĩ, đơn vị tham gia. Công nghệ thực tế ảo đã chứng minh vai trò trên nhiều lĩnh vực như khoa học, giáo dục, y tế…
Việc hướng công nghệ này vào tái hiện, quảng bá giá trị văn hóa - lịch sử là hướng đi quan trọng, tạo hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Công nghệ ảo có thể mang lại giá trị thật còn mãi với thời gian. Những trải nghiệm tại không gian thực tế ảo đã giúp những du khách đến với Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm như bước chân vào những thế giới song song và tạm quên đi những bộn bề thường nhật.
Hiện nay, Molomia đã hoàn thành cuốn từ điển thực tế ảo với 100 di tích và đang phát triển sang những công trình mang tính tư nhân như nhà cổ, nhà thờ họ, thậm chí những quán ăn, nhà hàng với những kỷ niệm mà chủ nhân muốn lưu giữ.
“Các sản phẩm của Holomia được phát triển nhằm giúp mọi người bước vào một không gian khác, thời gian khác với mục tiêu tăng cường sự hiểu biết, tăng cường thông tin về những thứ mà hiếm khi chúng ta được trải nghiệm trong cuộc sống. Điều chúng tôi mong muốn là bảo tồn giá trị mà cha ông để lại và tìm cách phát tán nó ra thế giới để chúng ta có thể kết nối được giá trị văn hóa, kiến trúc đẹp, giúp mọi người biết đến nhiều hơn. Chúng tôi sẽ dần hoàn thành thêm các hạng mục công trình, phỏng dựng lại các không gian khác nhằm giúp thế hệ sau hiểu hơn về văn hóa, về lịch sử Việt Nam. Bởi xu hướng của thế giới hiện nay là sự kết nối, rút ngắn thời gian, khoảng cách, giúp con người đến bất kể nơi đâu mà họ mong muốn”, anh Đinh Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đăng Khoa
Để chọn 10 sự kiện nổi bật của TPHCM năm 2021, Hội đồng bình chọn đã nhận được 127 sự kiện được đề xuất từ...