Huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xây dựng 'đô thị hạnh phúc'
Các chuyên gia, nhà khoa học đã hiến kế giúp “định vị” vị trí của Bình Sơn trong quá khứ hào hùng đến hiện tại và gợi mở tầm nhìn trong tương lai để xây dựng thương hiệu quê hương "giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình".
Sáng ngày 6/10, huyện Bình Sơn tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng huyện Bình Sơn giàu đẹp – văn minh – nghĩa tình” nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nghĩa tình.
Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu văn hóa đã có nhiều tham luận về nguồn gốc, lịch sử, vị trí địa lý và lợi thế phát triển của Bình Sơn; về con người Bình Sơn và những thành tựu sau ngày thống nhất đất nước; những bài học kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh; phát huy giá trị văn hóa Việt Nam khơi dậy khát vọng xây dựng huyện Bình Sơn phát triển, văn minh, nghĩa tình.
Bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời
Các chuyên gia, nhà khoa học đã hiến kế giúp “định vị” vị trí của Bình Sơn trong quá khứ hào hùng đến hiện tại và gợi mở tầm nhìn, mục tiêu cho các giai đoạn tiếp theo. Khẳng định vai trò, vị trí của huyện Bình Sơn trong công cuộc xây dựng và phát triển Quảng Ngãi, các chuyên gia đã định hướng xây dựng huyện Bình Sơn giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình, trở thành cực tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi trong giai đoạn tới.
Phó giáo sư -Tiến sĩ Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, Phó giáo sư -Tiến sĩ Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã có tham luận ấn tượng “TỪ SẢN VẬT “TIẾN VUA” ĐẾN KHÁT VỌNG XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU GẮN VỚI VĂN HOÁ BẢN ĐỊA”.
Ông Minh thông tin, thuở xưa Bình Sơn với bước chân của vua Lê Thánh Tông tại cửa Thái Cần - nơi ghi dấu cuộc hành binh lịch sử và sản vật lưu truyền.
Bình Sơn là vùng đất có lịch sử lâu đời. Các di vật khảo cổ đã cho thấy cách đây 3.500 năm - 2.500 năm trước, lớp cư dân Sa Huỳnh đã có mặt tại đây. Tiếp sau đó là lớp cư dân Chăm sinh sống và đến năm 1471, vua Lê Thánh Tông hành binh mở cõi, người Việt bắt đầu thay thế và cư ngụ đến ngày nay.
Đô thị Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).
Thái Cần là cửa biển đã được nhà vua đặt chân đến đầu tiên và tên gọi đó cũng được cho là liên quan đến một loài rau thuỷ sinh giàu có ở vùng này. Tên của một loài rau được đặt tên cho một địa danh và được lịch sử nhắc đến với hành trình mở cõi của nhà vua.
Cửa Thái Cần hay Sa Cần, Mễ Cần… nay là cảng Dung Quất gắn với chữ “Cần” - tức một loài rau thủy sinh, từng được nhắc đến khi nhà vua đặt chân đến đã cho quân thu hái để làm thức ăn… Một thương hiệu cho các sản phẩm tự nhiên gắn với một địa danh kết chặt với câu chuyện lịch sử trên 500 năm, có rất nhiều tiềm năng trở thành thương hiệu mạnh, nhiều ý nghĩa và quan trọng hơn là có thể phát triển kinh tế thông qua việc “hồi sinh” các giá trị văn hoá - lịch sử đến bảo tồn được các giá trị tự nhiên, đặc hữu của một vùng đất.
Khu liên hợp gang thép Hòa Phát gần sát cửa biển Sa Cần, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn.
Mỗi một vùng đất đều có một lịch sử hình thành và phát triển, ở đó có những bài học vô cùng giá trị cần phải được chiêm nghiệm từ lịch sử. Mỗi khi những giá trị ấy bị lãng quên thì chắc chắn sẽ mất đi kết nối với quá khứ, như cây thiếu cội, như sông thiếu nguồn.
Huyện Bình Sơn có nhà máy lọc dầu, công trình dầu khí trọng điểm quốc gia gắn với cảng nước sâu Dung Quất đã là chỉ dẫn thương hiệu mang tầm quốc gia trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ở khía cạnh văn hoá, Bình Sơn còn ẩn chứa trong sâu thẳm những lớp tầng giá trị, chưa được khai thác hay nói cách khác là chưa phát huy hết tiềm năng của những giá trị văn hoá, tinh thần. Thủy Cần, Nghĩa Sâm… là những sản vật có giá trị vật chất và tinh thần gắn chặt với vùng đất. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần nhận thức đầy đủ và “khai quật” từ những lớp bồi-tụ của lịch sử, để làm nền tảng vững chắc bước vào thập niên xanh, kỉ nguyên hành động vì sự phát triển bền vững.
Cảng xuất sản phẩm, nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Nhiều thế hệ người Bình Sơn tham gia đội Hoàng Sa
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi mang đến Hội thảo tham luận: “BÌNH SƠN TRONG CÔNG CUỘC XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO”
Ông Vũ cho hay lâu nay, khi nói đến công lao to lớn của người Quảng Ngãi trong công cuộc bảo vệ và xác lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa, nhiều người thường chỉ đề cập chủ yếu đến công lao của các binh phu người Lý Sơn là chính, nhưng lại ít khi chú ý đến công lao của người Bình Sơn. Tuy nhiên trong lịch sử, Cù Lao Ré – Lý Sơn trước đây thuộc huyện Bình Sơn.
Phủ biên tạp lục (1776, Lê Quý Đôn) ghi rõ: Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré, rộng hơn 30 dặm, trước có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển 4 canh thì đến; phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để đi lấy, đi 3 ngày 3 đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải”.
Trải qua gần 400 năm, người Bình Sơn tham gia trong đội Hoàng Sa, tham gia trong các chuyến hải trình ở các thời kỳ lịch sử, từ thời chúa Nguyễn, sang thời Tây Sơn, lẫn nhà Nguyễn và cả sau này, chắc hẳn sẽ còn nhiều tài liệu quý giá còn được gìn giữ ít nhiều ở đâu đó, trong dòng họ, trong các di tích gắn liền với chiều dài lịch sử xác lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tiến sĩ Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Vùng Trung Trung Bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho hay, huyện Bình Sơn đã được quy hoạch xây dựng trung tâm lọc hóa dầu quốc gia. Đây là cơ hội lớn, lan tỏa thương hiệu ngành công nghiệp lọc, hóa dầu mang đến cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ôg Hiệp đề xuất Bình Sơn cần chú trọng loại hình du lịch sinh thái, du lịch gắn với văn hóa bản địa; tạo cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hình thành đội ngũ doanh nhân trẻ, thương mại, tiểu thương… mang lại lợi ích tổng thể cho người dân. Địa phương thúc đẩy phát triển công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa, kích cầu tiêu dùng, chính sách an dân như: Cung cấp nước sạch cho toàn dân, đầu tư cho lĩnh vực giáo dục căn cơ, nâng cao thích ứng công nghệ, thực hiện cơ chế kiểm soát gắn với cộng đồng, bảo vệ môi trường.
Ông Võ Văn Đồng, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn, cho rằng lãnh đạo, các nhà khoa học đã mang đến hội thảo những ý tưởng hay để xây dựng Bình Sơn giàu đẹp. Theo ông Đồng, Bình Sơn muốn phát triển trở thành địa phương “giàu đẹp – văn minh – nghĩa tình” thì người Bình Sơn phải có khát vọng và ý chí vươn lên mãnh liệt; phải tiếp tục khắc phục và loại bỏ tính hẹp hòi, cố chấp, cứng nhắc, thụ động, thiếu hợp tác, ý thức chấp hành kỷ luật lao động thấp.
Phát triển con người Bình Sơn có lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tự trọng, tự chủ, sống nhân ái, nghĩa tình, có tinh thần đoàn kết, hợp tác với nhau trong công việc và cuộc sống, tích cực, chủ động và năng động trong việc học tập và làm việc, dễ thân thiện, hòa đồng, có cá tính và kiên nhẫn, không dễ bị lôi kéo bởi những thay đổi nhanh chóng của thời đại, tôn trọng và giữ gìn các giá trị truyền thống và văn hóa của quê hương; xây dựng những cá nhân ưu tú và tập thể tiến bộ.