Hạ Long sẽ có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại bậc nhất miền Bắc

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Quảng Ninh đang gấp rút triển khai nghiên cứu, hoàn thiện chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, với định hướng sẽ có 7 thành phố trực thuộc tỉnh có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại bậc nhất.

Phương án tổ chức các hoạt động KT-XH trong Chương trình phát triển đô thị được tỉnh Quảng Ninh xác định theo hướng “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng phát triển”.

Hạ Long sẽ có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại bậc nhất miền Bắc - 1

Vịnh Hạ Long là điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh. Ảnh: Như Ngọc

Trong đó, tâm là TP Hạ Long, trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh, được phát triển theo mô hình đô thị đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, mở rộng đô thị về phía Bắc.

Tuyến hành lang phía Tây tập trung phát triển đô thị từ Hạ Long đến Đông Triều, phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh nhằm hướng đến khu vực phát triển của Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội.

Trong đó, Khu kinh tế (KKT) ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây và của tỉnh, phát triển theo mô hình “Thành phố thông minh” với các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị - cảng biển thông minh, hiện đại, trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.

Tuyến hành lang phía Đông tập trung phát triển đô thị từ Hạ Long đến Móng Cái theo hướng phát triển chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch - công nghệ cao và kinh tế biển, lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp, phát triển KKT Vân Đồn và KKT cửa khẩu Móng Cái là hai mũi đột phá.

Từ những mục tiêu được xác định, tỉnh đã phân thành 3 vùng đô thị, bao gồm vùng đô thị Hạ Long (TP Hạ Long, TX Quảng Yên, TP Uông Bí, TX Đông Triều và TP Cẩm Phả, trong đó lấy TP Hạ Long là trung tâm vùng); vùng đô thị Vân Đồn (Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Ba Chẽ, trong đó Vân Đồn là trung tâm vùng); vùng đô thị Móng Cái (Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, trong đó TP Móng Cái là trung tâm vùng). Định hướng phát triển đô thị của mỗi vùng này đều có những nét nổi bật riêng biệt, phát huy được những giá trị tự nhiên, truyền thống văn hóa, lợi thế kinh tế cạnh tranh.

Vùng đô thị Hạ Long phát triển kinh tế trọng tâm du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, cảng biển, các ngành năng lượng sạch; vùng đô thị Vân Đồn phát triển kinh tế du lịch, công nghiệp sạch, công nghệ cao, logistics, nông - lâm - ngư nghiệp; vùng đô thị Móng Cái phát triển kinh tế cửa khẩu, cửa ngõ của ASEAN với các nước Đông Bắc Á.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

N.Nguyệt

CLIP HOT