Đưa voi làm du lịch thân thiện, người dân và doanh nghiệp vẫn còn gặp khó
Sau khi bỏ hoạt động cưỡi voi, các khu du lịch tại Đắk Lắk đã chuyển sang mô hình làm du lịch thân thiện với voi và đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình du lịch thân thiện với voi khiến doanh nghiệp lẫn chủ voi vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Voi nhà vẫn ì ạch chở khách du lịch tại huyện Lắk (ảnh chụp tháng 8.2023). Ảnh: Văn Trực
Doanh nghiệp giảm doanh thu, người dân mất sinh kế
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý, bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk, số lượng voi nhà trên địa bàn tỉnh năm 1990 có 299 con, năm 1997 còn 169 con, năm 2000 còn 138, đến năm 2018 chỉ còn 45 con và hiện tại là 36 con.
Qua số liệu trên có thể thấy voi nhà đang sụt giảm số lượng qua hằng năm do nhiều nguyên nhân như bị tấn công để trộm ngà và lông đuôi, mất môi trường sống và đặc biệt là chưa thể cho voi nhà sinh sản.
Ngoài ra, nhiều du khách khi đến Đắk Lắk đều mong muốn cưỡi voi. Điều này khiến voi làm việc quá sức, kiệt quệ sức khỏe.
Trước tình hình đó, ngày 2.3.2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị khẩn trương hoàn thành phương án mô hình sản phẩm “Du lịch thân thiện với voi”.
Đến ngày 10.2.2023, Chi nhánh du lịch và khách sạn Biệt Điện (ở thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã tiên phong trong việc ngừng hoạt động trải nghiệm cưỡi voi tại Trung tâm du lịch Cầu treo Buôn Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) và thay thế bằng các sản phẩm du lịch thân thiện với voi.
Ông Nguyễn Đức - Phó Giám đốc chi nhánh du lịch và khách sạn Biệt Điện (quản lý Trung tâm du lịch Cầu treo Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cho biết sau khi chấm dứt dịch vụ cưỡi voi thì lượng khách đến Trung tâm du lịch Cầu treo Buôn Đôn giảm đáng kể khiến doanh thu của doanh nghiệp giảm theo.
“Nhiều du khách đến đây du lịch vẫn muốn được trải nghiệm cưỡi voi. Tuy nhiên, sau khi nghe thông tin voi đã được chuyển qua làm du lịch thân thiện, nhiều người mang việc được cưỡi voi ở hồ Lắk ra so sánh”, ông Đức cho biết.
Số lượng voi nhà tại Đắk Lắk sụt giảm qua hằng năm. Ảnh: Văn Trực
Ngoài việc đơn vị du lịch giảm doanh thu, các nài voi ở huyện Buôn Đôn cũng chỉ ra nhiều vấn đề trong việc bỏ hoạt động cưỡi voi ở khu du lịch.
Theo các nài voi, việc không cưỡi voi và thay thế bằng các sản phẩm du lịch thân thiện giúp đảm bảo được sức khỏe, tránh được việc voi bị làm việc quá sức. Không cưỡi voi còn giúp hạn chế được xung đột xảy ra giữa người và voi. Ngoài ra, việc này còn giúp voi có được tinh thần thoải mái, đặc biệt là đối với những con có tuổi đời cao.
Tuy nhiên, việc không cưỡi voi vẫn còn tồn tại một số vấn đề. Một nài voi ở huyện Buôn Đôn cho biết một số voi đực khỏe mạnh khi không chở khách dẫn đến ít vận động sẽ động dục quanh năm. Điều này làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của voi.
“Lúc còn chở khách, voi sẽ được ăn uống thoải mái. Khi đi làm sẽ có thời gian làm và nghỉ nên voi đực chỉ động dục theo mùa”, nài voi này cho biết.
Người này còn cho biết việc ngưng cưỡi voi sẽ khiến các chủ voi không còn nguồn thu nhập. Một số người chủ coi voi là công cụ kiếm tiền nên sẵn sàng bỏ đói để voi giảm sức khỏe nhằm mục đích mong muốn cho voi được đi làm trở lại.
Cần sự chung tay của cơ quan Nhà nước lẫn doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Đức - Phó Giám đốc chi nhánh du lịch và khách sạn Biệt Điện (quản lý Trung tâm du lịch Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) từ khi Trung tâm du lịch Cầu treo Buôn Đôn đi vào hoạt động vào năm 1999, bà con trong buôn làng đã được vận động đưa voi đi làm du lịch thay vì vào rừng kéo gỗ như lúc trước.
Việc đưa voi đi làm du lịch khi ấy giúp giảm tải được gánh nặng cho voi và mang lại thu nhập đảm bảo cho các gia đình có voi vì du khách rất ưa chuộng dịch vụ cưỡi voi khi đến Buôn Đôn.
Tuy nhiên, theo ông Đức, du lịch cưỡi voi cần được dừng lại vì hầu hết các voi ở Đắk Lắk giờ đã đều trên 50 tuổi, sức khỏe đã giảm sút. Việc bị cưỡi khiến voi phải làm việc liên tục với cường độ cao, không có thời gian ăn uống và nghỉ ngơi.
“Sau khi dừng hoạt động cưỡi voi, Trung tâm du lịch Cầu treo Buôn Đôn đã triển khai các dịch vụ du lịch thân thiện. Du khách sẽ được ngắm voi, tắm voi, cho voi ăn, hóa trang cho voi; được hướng dẫn viên thuyết trình về đặc tính, thói quen sinh hoạt hằng ngày của voi.
Ngoài ra, Trung tâm còn cho thuê các trang phục Lào, Ê Đê, M’Nông để khách chụp hình cùng voi. Vào các ngày lễ lớn, Trung tâm du lịch Cầu treo Buôn Đôn sẽ tổ chức lễ hội Buffet cho voi”, ông Đức cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Đức, ngoài việc diện tích Trung tâm du lịch Cầu treo Buôn Đôn còn nhỏ hẹp thì đa phần voi tại đây đều đã có tuổi nên việc tập luyện để tham gia các trò chơi cùng du khách đang còn gặp nhiều khó khăn.
Voi được cho ăn tiệc buffet để hưởng ứng Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Ảnh: Phan Tuấn
Trao đổi về vấn đề trên, TS Vương Tiến Mạnh - Phó Giám đốc Cơ quan Thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết để thay đổi một sản phẩm du lịch, cần có sự chung tay của cả cơ quan Nhà nước lẫn doanh nghiệp.
Trong đó, chính quyền địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới như du lịch khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, diễn giải môi trường, du lịch văn hoá… để khai thác lợi thế tự nhiên trong vùng.
"Việc khai thác voi vẫn có thể thực hiện nhưng không phải cưỡi mà là xem, diễn giải những câu chuyện về sự sinh tồn, vai trò của voi trong tự nhiên và con người nhằm giáo dục, bảo tồn cho thế hệ trẻ.
Mặt khác, trong giai đoạn chuyển đổi, Nhà nước cũng cần có những hỗ trợ nhất định như tạo điều kiện vốn, thuế… Huy động nguồn lực xã hội, các tổ chức bảo tồn nhằm chăm sóc, bảo vệ những cá thể voi quý giá”, TS Vương Tiến Mạnh đề xuất.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin tour du lịch bằng trực thăng đến Vườn quốc gia Cát Tiên ở Đồng...