Du lịch phục hồi sau ảnh hưởng Covid-19: Du lịch cộng đồng được đẩy mạnh
Nhằm vượt qua những ảnh hưởng từ dịch Covid-19, bên cạnh sự hỗ trợ tối đa từ Nhà nước, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch đã chủ động tìm kiếm những phương án mới thích nghi với tình hình thực tế.
Theo bà Lê Thị Nhạn, Phó tổng Giám đốc Haseco Travel, thực trạng ngành du lịch hiện nay tập trung chủ yếu là du lịch trong nước. Do các phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam đang phát huy hiệu quả tốt, thu về những kết quả tích cực nên người dân tại một số địa phương đã bắt đầu nghĩ tới việc đi du lịch.
"Chúng tôi nhận thấy, du lịch nội địa trong thời gian gần đây đã có sự thay đổi. Đầu tiên là du lịch từ 2 đến 3 ngày, cách này thích hợp cho nhóm nhỏ khách du lịch và các gia đình. Còn các đoàn đi theo nhóm lớn cũng bắt đầu có xu hướng chia ra thành nhóm nhỏ. Bên cạnh đó, do dịch bệnh làm ảnh hưởng tới thu nhập nên du khách cũng có xu hướng tìm tới du lịch giá rẻ nhiều hơn. Một số địa phương cũng khuyến khích người dân du lịch nội tỉnh" - bà Lê Thị Nhạn cho hay.
Bà Lê Thị Nhạn cũng cho biết thêm, trong thời gian này, du khách Việt thường đặt phòng vào giờ chót để hạn chế sự thay đổi. Với loại hình du lịch cộng đồng, khách nội địa rất thích sự tiện nghi về cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển, nhà hàng, điểm thăm quan và luôn yêu cầu dịch vụ chất lượng tốt nhất có thể...
Một số địa phương khuyến khích người dân du lịch nội tỉnh (Ảnh: Minh Khánh)
Đánh giá về phân khúc thị trường trong thời gian sắp tới, ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense cho biết, thời điểm hiện tại có 3 phân khúc chính gồm: học đường, giáo dục; trải nghiệm, thăm quan và tác vụ, công vụ. Cả ba phân khúc trên đều có một đặc điểm chung là thường tìm hiểu thông tin trước chuyến đi thông qua các kênh thông tin. Tuy nhiên, mục đích du lịch, thị hiếu và yêu cầu của mỗi phân khúc lại khác nhau
Đối với nhóm du khách thuộc phân khúc học đường, giáo dục, đối tượng thường là những sinh viên, nghiên cứu sinh, chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy trong độ tuổi từ 20 - 34 tuổi, có trình độ học vấn cao.
Thị hiếu, yêu cầu của phân khúc này là thích sự mới lạ, độc đáo, bản sắc. Với sở thích khám phá, nhóm phân khúc này sẽ thường lựa chọn các điểm vùng sâu, xa với tiêu chí dịch vụ cơ bản, giá rẻ và có nhiều sản phẩm địa phương.
Trước mỗi chuyến du lịch, các nhóm này sẽ tìm hiểu sâu thông tin thông qua các kênh thông tin như sách, báo, tạp chí hoặc tương tác với người bản địa. Thời điểm chuyến đi của các nhóm thuộc phân khúc này không cố định.
Mỗi phân khúc khách hàng sẽ có những tiêu chí, yêu cầu khác nhau (Ảnh: Minh Khánh)
"Hai phân khúc tác vụ và công vụ chiếm thị phần nhỏ. Phân khúc tác vụ, công vụ thường là nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ, cán bộ, blogger, người làm du lịch, nhà đầu tư. Nhóm này có độ tuổi trung niên từ 40-55 tuổi. Họ thích nơi có quang cảnh, hiện tượng đặc biệt hoặc nơi có kiến trúc đặc thù hay vùng có tộc người thiểu số" - ông Tài cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tài, đặc điểm của phân khúc này là khách thường đi vào thời điểm có hiện tượng thiên nhiên, lễ hội, sự kiện. Họ ít sử dụng dịch vụ sức khỏe, giải trí và chủ yếu là tự khám phá, tìm hiểu... Ở phân khúc này, khách chi tiêu khá tiết kiệm, ít mua sắm, chỉ sử dụng dịch vụ thiết yếu cơ bản và lưu trú dài ngày.
Với phân khúc chiếm thị phần lớn nhất là tham quan, trải nghiệm, thị hiếu, yêu cầu của phân khúc này có đôi chút khác biệt khi du khách thích những nơi thuận tiện di chuyển, có không gian sinh thái trong lành, điểm check-in... Yêu cầu tiện nghi, dịch vụ tốt, được phục vụ chu đáo, được cảm thông và có sự an toàn, giải trí cao.
Du khách thuộc phân khúc này sẽ sử dụng nhiều dịch vụ sức khỏe, giải trí hoặc tham gia các trò chơi dân gian, các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp, chụp hình check-in và mua sắm đặc sản địa phương. Thời gian đi du lịch của phân khúc này thường là vào mùa hoa/lúa, sự kiện, lễ hội nổi bật.
Nâng cao cơ sở hạ tầng, giá trị văn hoá
Trên cơ sở nhu cầu đa dạng của các nhóm phân khúc khách hàng, CEO VietSense Nguyễn Văn Tài đưa khuyến nghị về 4 nội dung chính gồm: Cơ sở hạ tầng; giá trị văn hóa truyền thống; truyền thông quảng bá và hợp tác doanh nghiệp du lịch lữ hành.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng, các giá trị văn hóa cũng cần được chú trọng hơn (Ảnh: Minh Khánh)
Trong đó, tập trung vào các nội dung cơ sở hạ tầng và các giá trị văn hóa truyền thống với những nội dung cụ thể như đảm bảo hệ thống giao thông đi lại, tiếp cận điểm đến thuận lợi; tạo ra điểm ngắm cảnh, chụp hình đẹp; đa dạng hóa cơ sở lưu trú phù hợp với từng phân khúc khách.. cùng với đó là gìn giữ kiến trúc độc đáo, bảo tồn nguyên vẹn, đồng bộ; duy trì bản sắc, trang phục, lối sống, sinh hoạt truyền thống; tổ chức hoạt động trình diễn văn hóa, nghệ thuật truyền thống...
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Văn Tài, bà Lê Thị Nhạn cho rằng, việc thúc đẩy các sản phẩm du lịch nội địa cần có sự đồng nhất từ cấp chính quyền, ban quản lý và các hộ dân.
"Với chính quyền địa phương, chúng tôi mong sẽ tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng ở các điểm tham quan, cảnh quan chung, đồng thời đào tạo lực lượng nhân sự truyền thông, quảng bá các sự kiện, viết bài, chụp ảnh, quay clip.. Hy vọng ban quản lý các địa điểm sẽ chú trọng hơn nữa vào việc làm đẹp các khu vực tiểu cảnh, trang trí, cuộc thi... đồng thời kết nối, hỗ trợ thông tin giữa điểm đến – Hiệp hội/CLB/đơn vị lữ hành" - bà Lê Thị Nhạn nhấn mạnh.
Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch Việt Nam trong thời gian qua, không ít những địa điểm du lịch...