Du lịch ĐBSCL đang đứng trên 'đôi chân 3 điểm yếu'
Do tính tương đồng về tài nguyên du lịch, hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều có các sản phẩm tương tự nhau, nên các giá trị đặc thù chưa được khai thác phù hợp.
Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam đặt ra những vấn đề để phát triển du lịch ĐBSCL
Ngày 29/3, tại TP Cần Thơ, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Sở Du lịch Cần Thơ tổ chức hội thảo “Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch ĐBSCL”.
Nhiều thách thức đối với Cần Thơ và các tỉnh
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, cùng với các địa phương vùng ĐBSCL, Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Nơi đây đang xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn,… từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng của thành phố.
Tuy nhiên, ngành du lịch thành phố Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang gặp phải những khó khăn thách thức, đó là sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Trung.
Du lịch ĐBSCL chưa thật sự có “nhạc trưởng” và đang đứng trên “đôi chân 3 điểm yếu” là hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch yếu kém và đang thiếu một cơ chế điều phối liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch hiệu quả, nên không gian du lịch vùng, liên kết với TP. Hồ Chí Minh bị ngắt khúc.
Dù được thảo luận và triển khai nhiều hoạt động liên kết, nhưng trong thực tế vẫn chưa có một “cơ chế pháp lý” rõ ràng và “một mô hình chỉ đạo, điều phối” liên kết vùng ĐBSCL và TP.HCM để phát triển du lịch thật sự hiệu quả.
Theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, chủ đề hội thảo vừa mang tính lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực để các nhà khoa học, nhà quản lý và các cơ quan báo chí truyền thông phân tích, đánh giá và đưa ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh phục hồi phát triển du lịch tại các tỉnh ĐBSCL hiệu quả, bền vững và vinh danh các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, các khu du lịch có những hoạt động nổi bật trong thời gian qua.
Theo gợi ý của ông Lợi, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ 5 vấn đề. Đó là tổng quan những vấn đề lý luận về sản phẩm du lịch, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù của khu vực ĐBSCL, chỉ rõ những đặc trưng cơ bản, những thế mạnh cần phát huy trong thời gian tới.
Nhiều thách thức đang đặt ra đối với du lịch ĐBSCL. Ảnh: Duy Khang.
Trình độ, kỹ năng của đội ngũ lao động du lịch đóng vai trò chủ lực
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nói rằng hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch Covid-19, thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam luôn nhận được sự chỉ đạo, quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Thủ tướng đã chủ trì 3 hội nghị lớn về du lịch là Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam (tháng 12/2022), Hội nghị toàn quốc về du lịch (tháng 3/2023) và Hội nghị phát triển du lịch nhanh, bền vững tháng 11/2023).
Kết quả các hội nghị quan trọng này là Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về Nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững. Vì vậy, sau khi mở cửa trở lại từ 15/3/2022, ngành du lịch Việt Nam đã từng bước phục hồi.
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Trung.
Năm 2022, cả nước đón gần 3,7 triệu khách du lịch quốc tế và phục vụ 101,3 triệu khách du lịch nội địa, vượt xa con số 85 triệu lượt năm 2019. Tổng thu từ du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng. Bước sang năm 2023, ngành du lịch đã đón được 12,6 triệu khách du lịch quốc tế, phục vụ 108 triệu khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 678 nghìn tỷ đồng. Tiếp đà phục hồi hai tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế đã đạt hơn 3 triệu lượt, tương đương với cùng kỳ năm 2019.
Cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, du lịch các tỉnh ĐBSCL có nhiều khởi sắc. Bên cạnh những hoạt động triển khai tại địa phương, công tác kết nối với các doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến du lịch tại một chức triển khai các chương trình, sản phẩm du lịch mới, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch luôn được ngành du lịch các tỉnh ĐBSCL quan tâm.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được nhấn mạnh trong hoạt động du lịch hiện nay, đã đang được đề cập, triển khai ngay sau khi Chính phủ cho phép du lịch hoạt động trở lại là nghiên cứu, khảo sát, xây dựng tour, tuyến, sản phẩm du lịch mới, độc đáo, đặc thù của từng doanh nghiệp, từng địa phương và từng khu vực để đáp ứng nhanh nhất, hiệu quả nhất những nhu cầu mới của khách du lịch trong nước và quốc tế sau dịch Covid-19.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, có 3 vấn đề lớn được đặt ra đối với ĐBSCL là chính sách phát triển du lịch, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù và nâng cao tính cạnh tranh, đưa ĐBSCL sớm trở thành khu du lịch sinh thái độc đáo của Việt Nam và khu vực.
Trong đó, chính sách phát triển du lịch được bà Cao Thị Ngọc Lan đưa ra là để nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch bền vững, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở quản lý du lịch trong việc đề xuất, tư vấn các cơ thế chính sách về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Nhà nước cần tập trung hỗ trung cho công tác nghiên cứu, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và xu hướng mới sau đại dịch, như du lịch Mice, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa-lịch sử và đặc biệt là du lịch xanh mà ĐBSCL là khu vực giàu tiềm năng. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cũng cần phối hợp với các sở quản lý du lịch trong công tác phổ biến, hỗ trợ triển khai các chính sách mới về du lịch vừa được ban hành, để giúp các doanh nghiệp khai thác nhanh và hiệu quả các chính sách đó.
Đối với việc tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù cho thấy khu vực ĐBSCL có tài nguyên du lịch sinh thái rất phong phú. Tuy nhiên, để tạo sự hấp dẫn cao cần tập trung nghiên cứu, xây dựng cho được các sản phẩm đặc thù mỗi vùng, mỗi tỉnh; khai thác giá trị các di sản văn hóa để tạo ra sự khác biệt và phải xem đây là công tác trọng điểm của du lịch các tỉnh trong khu vực.
“Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng và có tính xã hội hóa rất cao. Việc liên kết giữa các địa phương trong ĐBSCL nhằm phát huy những thế mạnh riêng có của mỗi địa phương để xây dựng và phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng của cả vùng tránh được sự trùng lặp, dễ gây nhàm chán cho du khách khi đến với du lịch ĐBSCL”, bà Cao Thị Ngọc Lan chia sẻ.
Vườn nho của một nhà báo ở Sóc Trăng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn tại khu dân cư Lê Thìn, phường 10, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Duy Khang.
Việc nâng cao tính cạnh tranh, đưa ĐBSCL sớm trở thành khu du lịch sinh thái độc đáo của Việt Nam và khu vực được lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam đặt ra 3 yếu tố là sản phẩm, chất lượng dịch vụ và xúc tiến du lịch. Do vậy, để sớm nâng tầm của du lịch ĐBSCL, khu vực này cần tập trung đầu tư cho 3 lĩnh vực này, trong đó vấn đề trình độ, kỹ năng của đội ngũ lao động du lịch đóng vai trò chủ lực.
“Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch tập trung triển khai nhanh việc nâng cấp chất lượng đội ngũ lao động du lịch trong khu vực, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm
. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, vì vậy ngoài sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần phối hợp chặt chẽ để tạo nên sự đồng hành,tham gia của các ngành, các địa phương, các đơn vị cung ứng du lịch như vận tải, hàng không, dịch vụ... để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nhanh chóng đưa du lịch phát triển toàn diện, nhanh và bền vững”, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam gửi gắm.