Du lịch châu Âu trong cơn bão giá

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trung bình toàn EU năm 2022 có mức lạm phát khoảng 10%. Con số thấp hơn trong 4 tháng đầu năm 2023, xấp xỉ 8%. Vật giá tăng cao có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch và trải nghiệm của du khách khi ghé thăm các nước châu Âu.

Du lịch châu Âu trong cơn bão giá - 1

Những con phố, địa điểm tham quan không còn đông đúc, tấp nập như trước. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Đoàn Phước Trường, du khách người Việt, có chuyến du lịch kéo dài 9 ngày đến 8 tỉnh thành thuộc 5 quốc gia châu Âu gồm: Pháp, Luxembourg, Đức, Bỉ và Hà Lan. Với kinh nghiệm du lịch 56 nước trên khắp thế giới, anh cho biết cơn bão tăng giá và lạm phát đã khiến chi phí chuyến đi tăng cao. Các trải nghiệm và lịch trình tham quan của anh cũng phải thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

Anh Trường chia sẻ: “Tôi quyết định không mua vé vào tham quan ở hầu hết các bảo tàng và di tích có thu phí mà chỉ chụp ảnh bên ngoài, không mua sắm hàng hóa, quần áo, trang sức hay mĩ phẩm, di chuyển bằng các phương tiện công cộng như tàu điện thay vì taxi và xe công nghệ. Theo cá nhân tôi, chỉ số tiêu dùng và giá cả tại các quốc gia như Pháp, Bỉ và Hà Lan là cao nhất, tiếp đến là Luxemburg và cuối cùng là Đức có mức giá sinh hoạt dễ chịu nhất".

Du lịch châu Âu trong cơn bão giá - 2

Người dân biểu diễn tạp kỹ trên phố kiếm kế mưu sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Paris - Thành phố có chi phí sinh hoạt cao nhất

Các cuộc đình công trên khắp châu Âu đã dẫn đến tình trạng hủy, hoãn cả nghìn chuyến bay bất chấp nỗ lực của các hãng hàng không. Điều này vô tình khiến hoạt động du lịch quốc tế bị đình trệ, như tại các sân bay Pháp, Đức và Hà Lan.

Anh Trường cho biết: “Sân bay Charles de Gaulle ở Paris tuy ít chuyến bay đáp xuống nhưng thủ tục nhập cảnh mất gần 3 tiếng vì chỉ có vài nhân viên hải quan làm việc”.

Tại những điểm đến biểu tượng nổi tiếng như: Tháp Eiffel, Quảng trường Concorde trên đại lộ Champs-Élysées, Khải Hoàn Môn hay Bảo tàng Louvre, lượng khách tham quan khá vắng so với trước COVID-19. Du khách đến đây có thể thuận lợi chụp ảnh, ghi hình mà không phải chọn góc, chen lấn như thời điểm trước dịch.

Trong số 5 quốc gia châu Âu của chuyến du lịch lần này, anh Trường nhận xét Thủ đô Paris của Pháp là nơi có chi phí sinh hoạt và giá cả cao nhất. Theo anh tìm hiểu, mức giá năng lượng, lương thực và thực phẩm thiết yếu đều tăng cao. Cụ thể, một lon nước ngọt tăng từ 1 lên 3 Euro (khoảng 75.000 đồng), một chai nước khoáng tăng từ 1 lên 2 Euro (khoảng 50.000 đồng) hay thanh sôcôla tăng từ 1 lên 3,5 Euro (khoảng 87.000 đồng) so với giá năm 2022.

“Một bữa ăn sáng đơn giản tại quán ăn bình dân có giá niêm yết là 7,5 Euro/người (khoảng 190.000 đồng) với 2 lát bánh mì, 1 li nước cam, 1 li trà nóng, 2 miếng phô mai nhỏ và mứt. Nếu gọi thêm trứng ốp lết, bạn phải mất thêm 8 Euro (khoảng 210.000 đồng) và giăm bông là 9,5 Euro (khoảng 240.000 đồng). Tính ra, để có một bữa sáng đúng chất Paris thì phải mất gần 20 Euro (khoảng 500.000 đồng). Bữa trưa và bữa tối có giá cao hơn, từ 30 - 40 Euro (khoảng 750.000 - 1 triệu đồng)" - anh Trường chia sẻ. Vì tiền thuê nhân công cao, đa số các cửa hàng, quán ăn chỉ có 1 - 2 người phục vụ.

Tại Luxembourg, nước có chỉ số lạm phát thấp nhất trong 20 quốc gia sử dụng đồng Euro (2,7% trong tháng 4.2023), giá một bữa ăn cũng dao động khoảng 20 - 40 Euro (500.000 - 1 triệu đồng). Giá cả cũng tăng ở các thành phố tại Đức, Bỉ, Hà Lan nơi anh Trường ghé thăm.

Du lịch châu Âu trong cơn bão giá - 3

Bữa ăn trị giá 7,5 Euro tại Pháp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thay đổi thói quen của người dân và du khách

Lạm phát khiến giá cả tăng cao, thói quen sinh hoạt của người dân thay đổi cũng ảnh hưởng tới hoạt động du lịch. Ví dụ, để tiết kiệm tiền, người Đức và Hà Lan ít đi mua sắm, chọn mua thực phẩm nấu ăn ở nhà thay vì dùng bữa tại các nhà hàng. Điều này khiến không khí các trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn ở trung tâm thành phố kém nhộn nhịp, sầm uất hơn trước. Các khu chợ truyền thống, siêu thị vừa và nhỏ ở Bỉ trở nên đông đúc do giá cả rẻ, hợp với túi tiền hơn.

Tại Đức, giá xăng tương đối rẻ, khoảng 1,86 Euro/lít (khoảng 46.000 đồng/lít). Do đó, du khách đến đây thường thấy người dân các nước lân cận như Hà Lan, Bỉ xếp hàng tranh thủ đổ xăng mỗi khi đi qua cây xăng của quốc gia này. Nhiều người dân cũng chuyển sang dùng xe điện theo khuyến nghị của chính quyền để tiết kiệm xăng.

Với du khách, anh Trường cho biết: “Thay vì đi taxi hay xe công nghệ, chúng tôi chọn di chuyển bằng phương tiện công cộng như tàu điện để tiết kiệm chi phí”. Ở những chặng đường ngắn khoảng một vài km, nhiều khách du lịch lựa chọn đi bộ để vừa không mất phí, vừa có thể thoải mái chiêm ngưỡng kiến trúc, quang cảnh đường phố châu Âu.

Các điểm tham quan nổi tiếng phải trả phí trở nên vắng khách. Thay vào đó, du khách chọn đến những nơi du lịch không mất phí như Quảng trường Place des Vosges và Đấu trường Lutetia ở Paris (Pháp), Quảng trường Lớn ở Bruxelles (Bỉ), Nhà thờ Đức Bà tại Luxembourg (Bỉ)... Một số quốc gia bán vé tham quan, giúp du khách có thể khám phá nhiều điểm đến thu phí khác nhau với mức giá tiết kiệm.

Nếu từ chối mua sắm tại các trung tâm thương mại xa hoa, đắt đỏ, các khu chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ là lựa chọn hàng đầu cho du khách. Tại đây, khách du lịch vừa được mua các mặt hàng thủ công, quà lưu niệm với giá cả phải chăng, vừa tự do khám phá cuộc sống thường ngày, đặc sắc văn hóa, ẩm thực của người dân địa phương.

Anh Trường thích thú chia sẻ: “Tôi gặp một du học sinh người Việt Nam tại Bỉ và học được cách mua hàng giá rẻ ở các chợ truyền thống. Cậu ấy cũng chỉ cho tôi rằng các siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện lợi thường có nhiều chương trình khuyến mại. Còn các mặt hàng tiêu dùng, mĩ phẩm, quần áo thì nên đặt mua qua các sàn thương mại điện tử như Amazon. Đa số đều chọn mua ở Amazon Đức vì bên đó có giá rẻ hơn 20% so với các quốc gia châu Âu lân cận khác”.

Một điểm lưu ý của anh Trường khi đến châu Âu là dùng nhà vệ sinh công cộng. Anh cho biết, ở Thủ đô Amsterdam của Hà Lan có nhiều nhà vệ sinh công cộng lộ thiên, miễn phí cho nam giới. Các du khách nam đến đây có thể thử trải nghiệm. Trong khi đó, đa số các nhà vệ sinh ở châu Âu đều thu phí 1 Euro/lượt (khoảng 25.000 đồng).

Anh Trường không phủ nhận, dù có thêm nhiều trải nghiệm thú vị tại châu Âu, du khách đến đây vào thời điểm này vẫn có thể bắt gặp bầu không khí ảm đạm vì kinh tế suy thoái: “Người thất nghiệp, ăn xin xuất hiện ở các khu vui chơi, danh thắng. Nhiều người có tài phải chật vật mưu sinh bằng cách vẽ tranh dạo, làm xiếc, ảo thuật, ca hát, bán hàng, hóa trang... trên đường phố”.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngọc Trang (Báo Lao Động)

CLIP HOT