Du lịch ASEAN - Không thể hồi phục bằng “chặt chém”, “sang chảnh”
Hơn 50 khách sạn 4-5 sao sẽ khai trương ở Jakarta, Indonesia và Bangkok, Thái Lan trong vòng năm năm tới. Đó là sự kỳ vọng của hai thành phố lớn nhất Đông Nam Á về sự hồi phục của ngành du lịch khách sạn thời hậu dịch. Nhưng sự phục hồi không thể dựa vào số sao cao đi cùng sự “sang chảnh” và việc “chặt chém” nhắm vào túi tiền của du khách.
Thái Lan dự kiến đón 9-10 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Tuy nhiên, chính phủ và nhiều doanh nghiệp muốn đẩy nhanh tốc độ hồi phục bằng việc thu thuế du lịch 300 baht mỗi khách và tính giá dịch vụ khách nước ngoài gấp đôi. Ảnh: Getty Images
Chính phủ hai nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á là Indonesia và Thái Lan đang vạch ra kế hoạch hay sách lược riêng cho thủ đô của họ dựa trên chiến lược phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Bản thân hai thành phố thủ đô của hai nước này cũng nỗ lực tạo sức hút văn hóa và giải trí với du khách quốc tế. Nhưng con đường hồi phục du lịch không thể dựa trên số khách sạn 4-5 sao và việc “chặt chém” khách nước ngoài thông qua cơ chế hai giá.
Tập trung vào phân khúc khách doanh nhân
Jakarta và Bangkok đã thu hút các thương hiệu khách sạn cao cấp với kỳ vọng đà tăng trưởng kinh tế sẽ gia tăng. Cả Indonesia và Thái Lan đều chuyển từ tình trạng tăng trưởng âm (suy giảm) sang tăng trưởng dương trong năm 2021. Dự kiến, mức tăng trưởng GDP có thể đạt 4% trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Các nhà điều hành khách sạn đang tập trung vào phân khúc du khách doanh nhân, bởi tệp khách này thường tìm kiếm những khách sạn 4-5 sao của các thương hiệu nổi tiếng để có thể an tâm về chất lượng. Đầu tháng 7-2022, chuỗi Hyatt Hotels của Mỹ đã khai trương tổ hợp văn phòng và khách sạn 6 sao đầu tiên của xứ vạn đảo tại trung tâm thủ đô Jakarta, gần với tư dinh của Tổng thống Indonesia. Khách sạn nằm ở tầng 17-37, được xem là sản phẩm flagship mang tính biểu trưng của cả thương hiệu Hyatt.
Khách sạn 6 sao Park Hyatt Jakarta vừa khai trương vào đầu tháng 7. Ảnh: Nikkei Asia
Chính quyền Jakarta và trung ương đã nới lỏng các quy định về chiều cao của tòa nhà. Lễ khai trương khách sạn có sự hiện diện của nhiều vị bộ trưởng. Tờ Nikkei Asia viết: “Tất cả mang một thông điệp rõ ràng, chính phủ tích cực thúc đẩy sự ra mắt của Park Hyatt Jakarta như một dấu ấn cho quá trình hồi phục ngành du lịch Indonesia sau Covid-19”.
Tập đoàn đa ngành MNC và tập đoàn truyền thông hàng đầu của Indonesia đã đầu tư khoảng 3.000 tỉ rupiah (tương đương 202 triệu đô la Mỹ) cho khách sạn flagship. Dự kiến, tòa nhà sẽ hoàn vốn sau 7-8 năm khai thác.
Theo một kết quả khảo sát của Nikkei Asia, sẽ có 13 khách sạn 4 sao dự kiến được mở cửa ở Jakarta trong giai đoạn 2021-2026. Chuỗi Hotel Okura của Nhật Bản có kế hoạch ra mắt khách sạn 5 sao tại khu thương mại trung tâm của thành phố vào năm 2025. Riêng tập đoàn Langham Hotels & Resorts có trụ sở ở Hồng Kông đã khai trương khách sạn 5 sao đầu tiên tại Jakarta vào tháng 9-2021.
Tốc độ mở mới khách sạn cao cấp tại thủ đô Bangkok của Thái Lan thậm chí còn chóng mặt hơn. Theo trang Tophotelnews của Đức, 28 khách sạn 4 sao và 13 khách sạn 5 sao sẽ ra mắt tại thủ đô Thái Lan trong các năm 2021-2024.
Tập đoàn Marriott International sẽ mở khách sạn với thương hiệu hàng đầu Ritz-Carlton trong năm tới. Nằm trong khu phức hợp thương mại One Bangkok sắp khai trương, khách sạn này là một trong những kỳ vọng lớn của cư dân Bangkok. Tập đoàn Standard Hotels của Mỹ đã khai trương cơ sở kinh doanh thứ hai ở Bangkok trong tháng 7 vừa rồi, sau khu nghỉ dưỡng đầu tiên ở Hua Hin cuối năm 2021.
Khai thác lợi thế riêng
Cả Jakarta và Bangkok đều có triển vọng cho các sản phẩm hội nghị, khuyến thưởng (MICE). Các hội nghị và triển lãm quốc tế là đòn bẩy kinh tế lớn, bởi khách chi tiền trước và sau các sự kiện nhiều hơn thông thường.
Indonesia và Thái Lan đều là thành viên ASEAN và APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương) với hàng loạt cuộc họp tổ chức quanh năm. Indonesia là thành viên của nhóm G20 với cuộc họp thượng đỉnh sẽ tổ chức tại Bali vào cuối năm nay. Thái Lan có sức hút riêng với triển lãm xe hơi lớn nhất khu vực được tổ chức hàng năm ở Bangkok.
Jakarta và Bangkok cũng cạnh tranh trong việc thu hút các công ty, tập đoàn đa quốc gia mở văn phòng bằng cách giảm thuế và các ưu đãi khác. Jakarta và Bangkok cũng cạnh tranh trong việc thu hút các công ty thành lập địa điểm bằng cách giảm thuế và các ưu đãi khác.
Hai thành phố gần như ngang nhau về quy mô kinh tế xã hội. Jakarta có dân số khoảng 10 triệu người và GDP thực tế là 120 tỉ đô la trong năm 2021, trong khi Bangkok có dân số khoảng 9 triệu người và GDP thực tế là 100 tỉ đô la trong năm 2020. Vì thế tạo sự khác biệt và mới mẻ chính là chìa khóa để thu hút du khách.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang tích cực thu hút các doanh nghiệp trong mảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT). Chính phủ thay đổi và chỉnh sửa nhiều quy định, luật lệ trong tháng 11-2020 như nới lỏng các quy định lao động, thu hút đầu tư nước ngoài. Kế hoạch xây dựng và di dời các trung tâm hành chính và chính trị của Indonesia về thủ đô mới đã được tiến hành, nhưng Jakarta vẫn được xác định là trung tâm kinh tế.
Còn nội các của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha đã đưa ra hàng loạt các biện pháp nhằm thu hút các công ty trong các lĩnh vực như công nghệ số, công nghệ sinh học và y học. Bangkok có lợi thế, sức hấp dẫn của một thành phố du lịch nhộn nhịp, sống động, không ngơi nghỉ.
Trong danh sách Chỉ số sức mạnh thành phố toàn cầu của Viện Chiến lược Đô thị thuộc Quỹ Tưởng niệm Mori của Nhật Bản, Bangkok đứng thứ 35, trong khi Jakarta xếp hạng 45. Ở hạng mục văn hóa, Jakarta xếp chót trong 48 thành phố do quỹ Mori khảo sát.
Dĩ nhiên, thủ đô xứ vạn đảo trở nên kém hấp dẫn, mất điểm với các du khách tìm kiếm sự lắng đọng và chiều sâu văn hóa.
Nhưng định hướng sai có thể gây tổn hại lớn cho quá trình hồi phục du lịch đang diễn ra.
Phó thủ tướng Thái Lan Anutin Charnvirakul cho rằng các khách sạn, doanh nghiệp hay bệnh viện tư nhân của nước này nên hạn chế giảm giá sâu để thu hút khách. Thay vào đó, ông cho rằng, nên tập trung vào việc nâng cao giá trị của đất nước, để Thái Lan trở thành điểm du lịch cao cấp.
“Chúng ta không nên tiếp tục thu hút khách đến Thái Lan vì yếu tố giá rẻ. Thay vào đó hãy chú trọng thông điệp nơi đây rất phù hợp. Điểm mấu chốt này giúp du lịch Thái Lan nâng cao giá trị”, ông Charnvirakul phát biểu nhân sự kiện quảng bá du lịch tại Bangkok đầu tháng 7 vừa qua.
Thế nhưng, sự nóng vội của nhà chức trách và cả những nhà điều hành du lịch lữ hành lại được thể hiện bằng cơ chế hai giá. Một là giá rẻ cho du khách nội địa, hai là giá đắt gấp đôi dành cho du khách nước ngoài. Chính phủ biện hộ rằng “khách trong nước được sự hỗ trợ của chính phủ nên có mức giá thấp”.
Tuy nhiên, cơ chế hai giá trong hàng không, khách sạn và dịch vụ từng là sai lầm của ngành du lịch Việt Nam trước thời điểm đổi mới vào năm 1986 và sau đó. Cơ chế này chỉ được bãi bỏ vào cuối thập niên 1990.
Thái Lan thu hút khoảng hai triệu lượt khách nước ngoài trong sáu tháng đầu năm nay. Chỉ riêng tháng 7 vừa qua đã có thêm 1 triệu khách viếng thăm xứ chùa vàng. Dự kiến, Thái Lan sẽ dễ dàng đạt mục tiêu 9-10 triệu lượt khách trong năm nay. Trước dịch, Thái Lan đạt kỷ lục doanh thu 60 tỉ đô la Mỹ với 40 triệu lượt khách trong năm 2019 – theo dữ liệu của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC).
Tương tự như các nước Đông Nam Á khác, Thái Lan đang nhắm vào thị trường khách giàu có từ Trung Đông và Ấn Độ sau dịch để bù đắp cho sự vắng bóng của lượng khách từ Trung Quốc – vốn chiếm đến 25-30% lượng khách hàng năm của du lịch ASEAN.
Dù thế nào, cơ chế hai giá sẽ không thể nào giúp du lịch Thái Lan quay lại thời vàng son cũ trong bối cảnh lạm phát và thắt chặt chi tiêu trên toàn cầu.
Trên tinh thần “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau“, 6 tỉnh Việt Bắc đã cùng nhau liên kết xây...