Doanh nghiệp vận tải kiệt sức sau các đợt dịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chưa khi nào những chuyến Limousine Hà Nội - Thái Bình lại vắng khách như giờ. Đội xe hơn trăm chiếc gần như "đắp chiếu", chuyến nào chạy cũng chỉ 2-3 khách.

Trung bình một chuyến xe từ Hà Nội đi Thái Bình, nhà xe của Công ty X.E Việt Nam phải trả tiền xăng, phí bến bãi, cầu đường gần 800.000 đồng, chưa tính khấu hao xe, trong khi tiền thu được chỉ được 300.000-400.000 đồng.

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Công ty TNHH X.E Việt Nam, cho hay, năm trước mỗi đợt dịch bùng lên 2-3 tháng rồi lại ngừng, vận tải hành khách hồi phục chậm. Còn năm nay, dịch kéo dài từ Tết âm lịch, doanh thu giảm triền miên 6 tháng, có những lúc không hoạt động khiến doanh nghiệp kiệt sức. Năm trước, công ty đã lỗ khoảng 30 tỷ đồng, riêng 6 tháng năm nay lỗ tiếp 20 tỷ đồng.

Doanh thu giảm sút nghiêm trọng, chưa đạt 20%, doanh nghiệp đứng trước áp lực trả nợ từ 6 ngân hàng và công ty cho thuê tài chính theo các hợp đồng đầu tư mua xe các năm trước. Một năm qua, Công ty X.E Việt Nam đã phải bán 40 xe, cầm cố nhà đất để trả bớt nợ ngân hàng, giảm chi phí bến bãi và trả lương người lao động.

Khoản nợ của X.E tại Công ty cho thuê tài chính quốc tế Việt Nam - VILC chuyển nhóm nợ chỉ sau một ngày trả nợ không đúng hạn. Yêu cầu được cơ cấu nợ bị công ty cho thuê tài chính từ chối, muốn được cơ cấu lại phải có thêm tài sản đảm bảo và người bảo lãnh.

Một số ngân hàng đã cho cơ cấu, giãn thời hạn trả nợ 12 tháng nhưng áp lực trả nợ thực chất vẫn dồn gấp đôi vào năm sau. "Đợt dịch lần thứ tư làm chúng tôi kiệt sức, doanh nghiệp cần được nhiều thời gian cơ cấu nợ dài hơi hơn là chỉ 12 tháng", ông Nam nói.

Doanh nghiệp vận tải kiệt sức sau các đợt dịch - 1

Một xe đi Hải Phòng tại bến xe Nước Ngầm gần xuất bến mới có 4 khách. Ảnh: Anh Duy.

Giám đốc X.E Việt Nam cũng nói thêm, Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép cơ cấu nợ với các khoản vay trước ngày 10/6/2020. Trên thực tế có những hợp đồng mua xe trước đó mà doanh nghiệp cần giải ngân sau thời điểm này thì không được áp dụng giãn nợ. Ông Nam cho rằng đây là một bất cập càng khiến doanh nghiệp thêm khó.

Dịch bệnh khiến nhiều xe dừng hoạt động song các khoản phí bảo trì đường bộ, phí cầu đường, phí đăng kiểm, bảo hiểm... vẫn phải duy trì, chưa kể phải đảm bảo cuộc sống cho hơn 300 lao động, càng gây gánh nặng cho doanh nghiệp.

"Nhiều lần chúng tôi đã nghĩ để doanh nghiệp phá sản song tiếc bao công sức gây dựng thị trường, tạo thương hiệu gần 15 năm qua. Chúng tôi không thể cầm cự thêm nếu dịch bệnh kéo dài", ông Nam nói.

Lần thứ tư đối mặt với Covid-19, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt ca thán: "Chưa khi nào chúng tôi khó khăn như lần này, xe càng chạy càng lỗ".

Là hãng xe luôn đông khách chặng Hà Nội - Lào Cai, Sa Pa song từ đầu năm đến nay, Sao Việt chỉ có 2-3 xe chạy hàng ngày, mỗi xe lác đác vài khách. Trung bình mỗi chuyến Hà Nội - Lào Cai chỉ thu được 2 triệu đồng, trong khi chi phí vận hành tốn khoảng 7,5 triệu đồng.

"Xe tuyến cố định không chạy thì sẽ bị mất slot tại bến. Mỗi tháng, chúng tôi phải bù lỗ từ 8-10 tỷ đồng để duy trì tuyến, thuê trụ sở, trả nợ ngân hàng và trả lương người lao động", ông Bằng nói.

Giám đốc hãng Sao Việt đã tính đến bán xe trả nợ song thời điểm này những xe giường nằm "bán không ai mua". Doanh nghiệp đã cạn quỹ dự phòng, nếu các ngân hàng tiếp tục truy nợ, thu lãi thì buộc phải gán nợ bằng xe.

"Vài tháng nữa là hàng loạt doanh nghiệp vận tải phá sản, ngân hàng gánh nợ xấu, người lao động mất việc làm. Nhà nước cần có gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn dịch bệnh", ông Bằng nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, thông tin, so với trước dịch, 6 tháng qua, vận tải khách tuyến cố định sụt giảm doanh thu trên 70-80%, taxi giảm 70%, xe hợp đồng du lịch giảm trên 90%, xe buýt giảm khoảng 30%. "Các bộ ngành cần có các thông tư chi tiết hơn nữa, không để các ngân hàng đặt thêm các điều kiện gây khó cho doanh nghiệp", ông Quyền nói.

Doanh nghiệp vận tải kiệt sức sau các đợt dịch - 2

Đội xe hàng chục chiếc Limousine của công ty X.E Việt Nam ở bãi đỗ. Ảnh: Anh Duy.

Phản hồi đề xuất của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp đang phải gánh chịu. Theo ông, trên góc độ ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, ngân hàng đã và đang làm những gì có thể để hỗ trợ khách hàng như tái cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi vay. Các chính sách Ngân hàng Nhà nước ban hành bao gồm Thông tư 01 và Thông tư 03 ra đời trong bối cảnh khác với hiện tại, ở kịch bản chống dịch ổn định hơn, bởi vậy, nếu cần thiết sẽ có sự điều chỉnh phù hợp hơn.

Ông cũng nhấn mạnh, việc cơ cấu nợ chỉ là giải pháp hỗ trợ khó khăn tạm thời, vấn đề là doanh nghiệp muốn hồi phục và hoạt động kinh doanh sẽ cần thêm vốn mới. Tuy nhiên, cho vay mới với doanh nghiệp chưa trả được nợ, là điều nằm ngoài khả năng của ngân hàng, do đó cần đến sự hỗ trợ của Chính phủ.

Đại diện của một ngân hàng tư nhân cũng cho hay, nhà băng giãn nợ, gia hạn nợ với những khách hàng khó khăn tạm thời, để họ có thời gian phục hồi. Sau tái cơ cấu, họ là những doanh nghiệp tốt có thể đồng hành lâu dài cùng ngân hàng. Còn với những khách hàng khó có khả năng phục hồi, hoặc chỉ phục hồi một phần, ngân hàng và khách hàng cần tìm ra giải pháp khác như cắt lỗ sớm để hạn chế chi phí, giảm gánh nặng về. Suy cho cùng, doanh nghiệp vẫn phải trả nợ, nên nếu họ không có khả năng phục hồi thì nên cắt lỗ sớm, giảm gánh nặng trả lãi.

Thời gian qua, ngân hàng cũng gặp phải một số khách hàng mượn cớ Covid-19 để không trả nợ, không hợp tác trao đổi với ngân hàng. Vì thế, trong quá trình làm việc, ngân hàng cũng phải dùng các cách để thấy được doanh nghiệp không lợi dụng chính sách và thực sự cần hỗ trợ.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam cũng cho rằng Chính phủ cần đưa phân loại các ngành với mức độ khó khăn khác nhau, ngành nào khó khăn hơn thì phải mức hỗ trợ cao hơn để tránh hỗ trợ dàn trải, ví dụ ngành vận tải hàng hóa chịu tác động ít hơn vận tải hành khách. Nhà nước cần giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải về 0% trong năm 2021 và có gói vay ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ đơn vị vận tải.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Theo Đoàn Loan - Quỳnh Trang (Vnexpress)

CLIP HOT