Doanh nghiệp lữ hành cầm cự, kỳ vọng ở thẻ xanh

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Các doanh nghiệp trong ngành du lịch đã "thoi thóp" suốt thời gian dài vì dịch. Họ muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ và sớm đưa du lịch nội địa trở lại.

Hiện nay, một số tỉnh thành trên cả nước đã bắt đầu mở cửa nội tỉnh. Điều này giúp các doanh nghiệp du lịch hy vọng sớm có thể trở lại hoạt động như trước. Tuy nhiên, họ cần nhiều hơn nữa. Nhìn xa hơn, các đơn vị này muốn đón được khách quốc tế như trong bản kế hoạch thí điểm mở cửa Phú Quốc (Kiên Giang) do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra.

Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Hà, CEO Lux Group - đơn vị chuyên kinh doanh mảng du thuyền cao cấp - cho biết công ty đang nóng lòng chờ ngày mở cửa lại du lịch nội địa. Theo ông, việc quá thận trọng trong lần bùng phát dịch thứ 4 của các địa phương đang khiến doanh nghiệp du lịch khó lại thêm khó.

Doanh nghiệp cầm cự

"Chủ trương bây giờ là sống chung với dịch, không phải như xưa nữa. Do đó, tôi nghĩ các tỉnh phải mạnh dạn mở cửa để kích thích sản xuất kinh doanh. Một số nơi chuyên sống nhờ du lịch như Quảng Ninh cần dứt khoát, mạnh dạn hơn nữa.

Để lâu thêm, doanh nghiệp sống sao nổi. Công ty tôi 9 tháng nay cũng không có doanh thu. Không hỗ trợ, thúc đẩy phát triển du lịch trở lại, doanh nghiệp sao tồn tại được", ông Phạm Hà nêu quan điểm.

Doanh nghiệp lữ hành cầm cự, kỳ vọng ở thẻ xanh - 1

Ông Phạm Hà cho rằng doanh nghiệp không thể chịu đựng lâu hơn nữa. Ảnh: NVCC.

Đại diện đơn vị này đánh giá các địa phương đang quá thận trọng do tác động khủng khiếp từ đợt dịch thứ 4. Tuy nhiên, ông Phạm Hà nhấn mạnh việc tiêm vaccine đang được đẩy nhanh hơn và những tỉnh thành như Hải Phòng, Quảng Ninh hoàn toàn đủ điều kiện để mở cửa du lịch trở lại.

Tính tới 22/9, Quảng Ninh cũng đã tiêm gần 1,1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trên tổng số khoảng 1,4 triệu dân. Trong đó, gần 171.000 người đã được tiêm mũi 2.

"Tiêm chủng là chìa khóa để sống chung với dịch. Với một ngành đúng góp hơn 10% GDP cho nền kinh tế Việt Nam, tôi nghĩ du lịch cần được chú trọng để vực dậy.

Nhiều nước châu Âu và cả châu Á như Singapore hay Thái Lan cũng đã từ bỏ mục tiêu không Covid-19. Thay vào đó, họ chuyển sang chiến lược phục hồi, sống chung vì Covid-19 biến đổi liên tục", ông Hà nêu quan điểm.

Ngoài ra, việc "ngủ đông" quá lâu cũng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về cả nguồn vốn lẫn nhân lực. Theo đại diện Lux Group, đơn vị vẫn đang trong trạng thái "ngủ đông chủ động".

Cụ thể hơn, họ vẫn giữ bộ khung chính và có sẵn nhân sự để làm việc trở lại. Tuy nhiên, đây là điều không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm. Ngay cả với Lux Group, CEO thừa nhận họ cũng không thể chịu đựng lâu hơn.Doanh nghiệp lữ hành cầm cự, kỳ vọng ở thẻ xanh - 2

Nhân lực của các công ty du lịch gặp nhiều khó khăn vì những lần đóng/mở do dịch. Ảnh: Sun Group.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, việc đóng/mở cửa liên tục các điểm du lịch đã trở thành điều bình thường. Kể cả khi du lịch mới rục rịch khởi động, chỉ cần vài ca mắc Covid-19, các lệnh hạn chế, phong tỏa sẽ được đưa ra.

Theo ông Phạm Hà, điều này không còn phù hợp với bối cảnh mới. Ngoài ra, việc đóng/mở "công tắc du lịch" liên tục cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc giữ nguồn nhân lực.

"Cả chủ lẫn nhân sự đều không biết làm gì. Giới chủ khó giữ nhân lực. Người lao động thì bấp bênh, lúc mở, lúc đóng, chẳng có gì rõ ràng. Họ có thể đi tìm những công việc khác ổn định hơn. Các doanh nghiệp lại loay hoay đi tìm nhân sự có năng lực. Cần có những cơ chế rõ ràng để nhân sự du lịch yên tâm làm việc", đại diện đơn vị này nói.

Thẻ xanh là chìa khóa

Đa số các doanh nghiệp khi được hỏi đều kỳ vọng khái niệm "thẻ xanh" sẽ sớm phổ biến và trở thành cứu tinh cho ngành du lịch.

Hiểu đơn giản, thẻ xanh là giấy chứng nhận cho người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Trong tương lai, nhiều doanh nghiệp mong loại thẻ này sẽ trở thành giấy tờ hợp lệ để di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Qua đó, du lịch nội địa sẽ trở lại sau khoảng 3 tháng "bất động".

Ông Phạm Duy Nghĩa, Tổng giám đốc Vietfoot Travel, chia sẻ: "Nhiều quốc gia trên thế giới đã thúc đẩy mô hình này với hy vọng hồi sinh nền kinh tế, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Việt Nam chúng ta cũng không phải ngoại lệ".

Doanh nghiệp lữ hành cầm cự, kỳ vọng ở thẻ xanh - 3

Thẻ xanh là chìa khóa cho du lịch nội địa. Ảnh: TCDL.

Sau thời gian dài giãn cánh xã hội, ngành dịch du lịch nói riêng và các ngành kinh tế nói chung đang suy thoái nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc áp dụng thẻ thông hành xanh cho tất cả người dân hay doanh nghiệp vào lưu thông, vận chuyển cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không được kỳ vọng.

Đại diện công ty này gợi ý thẻ xanh nên được số hóa, tăng sự thuận tiện khi kiểm tra, giám sát người dân. Mặt khác, các tỉnh thành cũng cần có cơ chế rõ ràng trong phương án "di chuyển xanh". Điều này để tránh tình trạng tỉnh A nói tỉnh B cản trở lưu thông của người dân, doanh nghiệp.

"Dĩ nhiên, mọi thứ nên làm từng bước, thí điểm để kiểm chứng hiệu quả. Việc làm dồn dập, đại trà gây khó khăn trong quản lý. Nếu để dịch bùng phát từ tỉnh này sang tỉnh kia sẽ làm hỏng thành quả chúng ta đạt được", ông Nghĩa chia sẻ.

Theo ông Nghĩa, việc Chính phủ đang đẩy nhanh tiêm chủng cũng mở ra cơ hội phục hồi các dịch vụ, du lịch nội địa. Nó còn tạo đà mở cửa với du lịch quốc tế, góp phần thực hiện nhiệm vụ kép: vừa chống dịch, vừa sớm phục hồi phát triển kinh tế.

Thí điểm Phú Quốc liệu có thành công?

Cao điểm du lịch của khách châu Âu kéo dài từ tháng 10 tới tháng 5 năm sau. Việc giới hạn giai đoạn 1 chỉ cho khách châu Âu tới Phú Quốc rồi quay về khiến trải nghiệm du lịch thiếu hấp dẫn.

Theo nhiều doanh nghiệp đón du khách nước ngoài, khách châu Âu có xu hướng đi dọc từ Bắc vào Nam và kết thúc kỳ nghỉ ở biển. Điều họ cần là trải nghiệm nhiều thứ từ văn hóa, cảnh quan cho tới con người Việt Nam.

Trong giai đoạn 1, bản kế hoạch của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ cho phép các chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến). Lựa chọn này khá thiếu linh hoạt và hạn chế việc thu hút du khách quốc tế.

Doanh nghiệp lữ hành cầm cự, kỳ vọng ở thẻ xanh - 4

Nhiều doanh nghiệp du lịch nhận xét việc gói gọn trải nghiệm ở Phú Quốc sẽ rất khó để thu hút khách quốc tế. Ảnh: Thanh Đức.

"Tôi đánh giá thí điểm Phú Quốc chắc chắn gặp nhiều khó khăn và khó đạt mục tiêu như kỳ vọng", ông Nghĩa nêu quan điểm.

Đại diện Lux Group cũng đồng tình với ý kiến này. Theo ông Phạm Hà, còn khá nhiều điểm bất hợp lý trong lộ trình mở cửa Phú Quốc.

"Nếu chỉ tới nghỉ dưỡng biển rồi về, tôi nghĩ họ chọn Hy Lạp hay nhiều nước khác còn hơn, tội gì đến Phú Quốc. Việc mở cửa giai đoạn 1 cần tính toán lại, thêm một số điểm khác vào lộ trình của khách như Hạ Long (Quảng Ninh) hay Hội An (Quảng Nam)... Giai đoạn 2 có thể mở rộng ra nhiều điểm hơn nữa", ông Phạm Hà nêu quan điểm.

Ngoài ra, đại diện Lux Group cũng nhận xét cách mở cửa trong giai đoạn 1 giống hình thức "bong bóng du lịch". Với hình thức này, đối tượng khách khả quan nhất Phú Quốc có thể nhắm tới chỉ có thể là từ Trung Quốc hoặc Nga. Ông chia sẻ: "Phú Quốc cần xác định họ muốn hướng đến thị trường khách đại trà hay cao cấp. Làm không cẩn thận từ đầu, về sau du khách lại bỏ hết. Chúng ta cần xác định mình cần chất hay lượng hơn".

Doanh nghiệp lữ hành cầm cự, kỳ vọng ở thẻ xanh - 5

Các chính sách, kế hoạch cần rõ ràng hơn để tạo tâm lý thoải mái, yên tâm cho du khách cũng như doanh nghiệp. Ảnh: Quang Nguyen Vinh.

Một số vấn đề khác được các doanh nghiệp đưa ra có tỷ lệ tiêm chủng của người dân cũng như các cơ sở du lịch ở Phú Quốc chưa cao (chưa đạt 90%), chính sách thiếu rõ ràng... Khách quốc tế sẽ gặp tâm lý e dè bởi không biết chính sách có bị thay đổi khi họ tới nơi không?

Đây cũng là vấn đề ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) từng chia sẻ với Zing trên quan điểm cá nhân.

Theo ông, Singapore, Thái Lan đều công khai kế hoạch từ nửa năm. Do đó, các bên liên quan như khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành... biết họ được phép và nên làm gì, thị trường nào được chào đón, thị trường nào không. Từ đó, công tác chuẩn bị, quảng bá hay xúc tiến sẽ dễ dàng hơn.

Đa số doanh nghiệp cũng mong Chính phủ và ngân hàng có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, sống sót qua giai đoạn khó khăn. Họ muốn sớm được tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính, cắt giảm lãi suất và giãn nợ.

Vấn đề trả lương cho người lao động, duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo chất lượng dịch vụ như trước dịch đòi hỏi số tiền rất lớn. Do đó, chỉ khi nhận được sự hỗ trợ về kinh tế, các doanh nghiệp này mới có thể sẵn sàng đón khách với chất lượng tốt nhất.

Địa phương cũng nên vào cuộc, phối hợp cùng doanh nghiệp để có thể tạo ra những sản phẩm du lịch an toàn, chất lượng nhưng giá cả phải chăng. Điều này sẽ kích thích nhu cầu du lịch sau dịch của người dân.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Anh Tú (Zing News)

CLIP HOT