Di tích lịch sử hồ Hữu Tiệp: Chuyện về chiếc máy bay B.52 rơi ở làng hoa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Du khách trong và ngoài nước khi tới thăm Thủ đô Hà Nội đều muốn đến chụp ảnh, ngắm nhìn xác chiếc máy bay B.52 nằm trong lòng hồ Hữu Tiệp ở làng hoa Ngọc Hà, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, biểu tượng chiến thắng của quân và dân Thủ đô trong chiến thắng “ Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12 /1972. Đây là xác chiếc máy bay B.52 bị các chiến sĩ Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285, bắn rơi trên bầu trời Hà Nội.

Di tích lịch sử hồ Hữu Tiệp: Chuyện về chiếc máy bay B.52 rơi ở làng hoa - 1
Các cháu học sinh tham quan xác máy bay tại BT LSQS Việt Nam

B.52 bị bắn rơi như thế nào?

… Vào lúc 13 giờ ngày 26/12, các chiến sĩ Tiểu đoàn 72, đơn vị đã tiêu diệt 1 máy bay F4. Nhưng khát khao hạ gục máy bay B.52 vẫn bừng lên trên khuôn mặt của từng cán bộ, chiến sĩ. Đêm 27/12, toàn đơn vị bước vào trận chiến đấu với một khí thế sôi nổi, căm thù giặc. Vào lúc 23 giờ 2 phút, đơn vị nhận được lệnh của Trung đoàn phó Nguyễn Đình Lâm giao cho Tiểu đoàn 71 và Tiểu đoàn 72 tiêu diệt tốp B.52 từ hướng Tây đang lao vào đánh phá Hà Nội, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 72 Phạm Văn Chắt lệnh cho các sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng và kíp trắc thủ, tìm kiếm mục tiêu. Những người lính trong kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 72 hôm đó còn rất trẻ, đa số là sinh viên Đại học năm thứ nhất và thứ hai như các trắc thủ: Nguyễn Văn Tuyền, Trương Đăng Khoa, Nguyễn Văn Chiêu… Khi phát hiện chính xác dải nhiễu B.52, lúc đầu kíp chiến đấu xác định sẽ xác định đánh theo phương pháp 3 điểm, nhưng sau được giao quản lý hướng chính, theo kinh nghiệm nếu bắn ở phương vị xa theo cách đánh ba điểm thì sẽ không chắc nên Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt quyết định để mục tiêu vào sát dải nhiễu, nâng cao thế và sóng. Lúc này đã phát hiện mục tiêu ở cự ly 45, trắc thủ phương vị Nguyễn Văn Tuyền và trắc thủ cự ly Trương Đăng Khoa hô vang: “Mục tiêu”. Lập tức sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng lệnh cho các trắc thủ: “Bám sát mục tiêu”. Khi đài ra đa thông báo mục tiêu vào đến cự ly 33, Tiểu đoàn trưởng phát lệnh: “Ngòi nổ RV, 2 quả… Giãn cự ly 6 giây…cự ly 32. Phóng…!”. Lập tức hai quả tên lửa rời bệ phóng, bay lên gặp mục tiêu nổ tốt. Ngay sau đó, trắc thủ góc tà Nguyễn Văn Chiêu hô: “Mục tiêu hạ thấp độ cao nhanh!”, rồi thông báo: “Mất mục tiêu”. Trong khoảnh khắc, vọng quan sát bằng mắt, báo về: “Mục tiêu bốc cháy, lao xuống đất bùng lên một khối lửa to”.

Ngay sau đó, Trung đoàn phó Nguyễn Đình Lâm gọi điện thông báo: “Thủ trưởng Sư đoàn Phòng không Hà Nội biểu dương Tiểu đoàn 72 đã bắn rơi B.52 tại chỗ”. Vào 7 giờ sáng ngày 28/12, lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân chính thức gọi điện biểu dương Tiểu đoàn 72 đã hạ một chiếc máy bay B.52 rơi xuống làng hoa Ngọc Hà khi nó chưa kịp cắt bom và Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã quyết định thưởng cho Tiểu đoàn một con bò để ăn mừng chiến công. Sau khi bị tên lửa bắn trúng, chiếc máy bay B.52 đã nổ tung thành nhiều mảnh, rơi xuống làng hoa Ngọc Hà. Phần lớn thân và cánh máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp, còn một phần của chiếc máy bay rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám, gần Công viên Bách Thảo. Còn một phần động cơ của chiếc máy bay B.52 lại rơi xuống vườn của họa sĩ Lê Thanh ở làng hoa Ngọc Hà.

Đi tìm hai động cơ còn sót

Trung tá Phạm Đức Phi - Trưởng phòng sưu tầm, hướng dẫn nghiệp vụ, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (LSQSVN) cho biết: Từ lâu mọi người chỉ biết đến xác chiếc máy bay B.52 rơi nằm trong hồ Hữu Tiệp, ít ai biết tới số phận của hai chiếc động cơ của chiếc máy bay B.52. Cuối năm 2003, khi biết tin về hai chiếc động cơ này, cán bộ của Bảo tàng đã đến nghiên cứu để sưu tầm, họa sĩ Lê Thanh muốn lưu giữ như một hiện vật của chiến tranh. Sau khi BTLSQSVN đặt vấn đề, đưa về trưng bày tại Bảo tàng và thỏa thuận đền bù, họa sĩ Lê Thanh đã đồng ý. Do địa hình khu vườn xung quanh có tường và nhà xây dựng kiên cố, đường đi chật hẹp, để bảo đảm sự an toàn toàn cho động cơ và người dân khi di chuyển, Bảo tàng đã hoàn tất công việc chuẩn bị, khảo sát địa hình, lập các phương án và di dời động cơ, sau 3 tháng, hai chiếc động cơ này đã được đưa về bảo tàng và kịp thời được bảo quản, đưa ra trưng bày phục khách tham quan.

Bài và ảnh: Tuấn Sơn

Theo Trung tá Phạm Đức Phi: Trong thời gian chiến tranh, khi các loại máy bay trong đó có máy bay B.52 bị bắn rơi, người dân thường tới xem và thu gom chiến lợi phẩm, lấy các mảnh từ xác máy bay về chế tác các đồ dùng sinh hoạt hằng ngày: nồi, chảo, xoong, đĩa, lược… Cuối tháng 11/2012 vừa qua, Bảo tàng LSQSVN đã tiếp nhận một hiện vật có ý nghĩa của ông Nguyễn Đình Phượng ở 81 B, ngõ 592, đường Trường Chinh. Đó là biểu tượng hình búa liềm được tạo dáng trên mảnh kính máy bay B.52, đây là một phần tấm kính của một chiếc máy bay B.52 bị bắn rơi đêm 26/12/1972, phần chính của xác chiếc máy bay này rơi xuống gần cửa hàng ăn uống Minh Khai. Khi đó, ông Phượng đang trực tại Văn phòng cơ quan Bộ Ngoại thương - 46 Ngô Quyền, nghe thấy tiếng nổ to, nhiều mảnh xác máy bay rơi, ông đã nhặt mảnh kính to lưu giữ lại. Hiện nay, các hiện vật liên quan về chiến tranh trong đó có các hiện vật gắn với sự kiện 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, người dân vẫn còn lưu giữ rất nhiều. Với trách nhiệm của mình, Bảo tàng LSQSVN vẫn sẽ tiếp tục công tác nghiên cứu, sưu tầm để có thêm nhiều tài liệu, hiện vật làm phong phú cho kho cơ sở và phục vụ cho việc trưng bày, giới thiệu cho khách tham quan.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT