Đẩy nhanh phục hồi tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững
Mục tiêu đến năm 2025, có tối thiểu 1 mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 tỉnh, thành; Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) cũng ban hành Quyết định số 1726/QĐ-BVHTTDL về Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP và Kế hoạch số 1894/QĐ-BVHTTDL về đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Cho thấy, quyết tâm của lãnh đạo nhà nước, bộ ngành đối với ngành công nghiệp không khói, đầy tiềm năng này.
Sáng ngày 15/8, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Cục trưởng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh và Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cùng tham dự hội nghị.
Điểm cầu TP.HCM tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng ngày 15/8.
Ngành Du lịch giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, như tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường; Giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia; Khẳng định hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam.
Tuy nhiên, qua quá trình phát triển cũng còn những tồn tại hạn chế mà ngành Du lịch cần chú ý khắc phục như: Hành lang pháp lý chưa có sự đột phá; Các chiến lược, chính sách chưa kịp thời điều chỉnh; Chưa hình thành hệ sinh thái kinh tế, kết nối, chia sẻ dịch vụ, sản phẩm du lịch.
Chính sách thị thực còn điểm chưa phù hợp; Hoạt động xúc tiến du lịch thông qua các sự kiện quốc tế còn thiếu, hạn chế nguồn nhân lực. Sản phẩm du lịch thiếu sự đa dạng, chưa phát huy hết các giá trị sẵn có. Hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, thiếu đồng bộ; Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm còn hạn chế; Chuyển đổi số chưa theo kịp yêu cầu phát triển; chưa đồng bộ hóa và liên thông cơ sở dữ liệu giữa Trung ương và địa phương, giữa du lịch và các ngành khác.
Các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 82 như: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam; Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam
Mục tiêu đến năm 2025, có tối thiểu 1 mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 tỉnh, thành; Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại 9 tỉnh, thành; phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm; hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm.
Các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm nhiều triển vọng như: Hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật; Hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; Mua sắm, giải trí đêm; Tham quan du lịch về đêm; Giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.
Theo đó, nhiều giải pháp cụ thể đã được đề xuất: Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; Tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm đặc sắc, hấp dẫn; Nâng cấp trang thiết bị vận tải; Đề xuất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng; Tăng cường thanh tra, kiểm tra kiểm soát chất lượng hàng hoá; Tăng cường công tác quản lý điểm đến.
Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ cũng như Uỷ ban nhân dân 12 tỉnh, thành phố để từng bước hiện thực hoá Nghị quyết số 82/NQ-CP để đẩy nhanh phục hồi tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.