Đà Nẵng chống “chặt chém”!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đà Nẵng chống “chặt chém”! - 1Các hành vi bu bám, chèo kéo, “cò” dịch vụ đã làm cho du khách rất phiền hà cộng thêm người lang thang cơ nhỡ, xin ăn trá hình, đánh giày, bán vé số... đã tạo ra môi trường du lịch nhếch nhác mà khách đến không bao giờ trở lại... Vì lẽ đó mà Đà Nẵng đã nhanh nhóng có biện pháp ngăn chặn kịp thời và hiệu quả…

Nhiều giải pháp

Từ nhiều năm nay, Đà Nẵng xác định Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều sản phẩm du lịch đã ra đời mà nổi tiếng nhất là DICF, nơi hội tụ nhưng màn trình diễn pháo hoa rực rỡ của thế giới hằng năm bên bờ sông Hàn, cùng với những thắng cảnh tâm linh Ngũ Hành Sơn, Đệ nhất hùng quan Hải Vân, Khu du lịch sinh thái Sơn Trà, Ba Nà Hill, Bảo tàng Chăm... đến những bãi biển đẹp và quyến rũ đã thu hút hàng chục ngàn vạn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Tính đến tháng 11 năm nay, lượng du khách đến Đà Nẵng ước đạt 2,3 triệu lượt người, tăng 11%; tổng doanh thu trên 1.250 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2011. Có 55 chuyến tàu biển đưa khách du lịch cập cảng Đà Nẵng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong những năm gần đây, đội quân “cò”, ăn xin, bán porte, đồ mỹ nghệ, vật lưu niệm... mọc lên như nấm, bu bám chèo kéo khách. Thêm vào đó là nạn taxi, xe thồ tranh giành, chộp giựt khách đã tạo nên bức tranh nhếch nhác. Trước tình hình đó, UBND thành phố đã có những biện pháp tích cực, chỉ đạo các ngành, các cấp chính quyền, nỗ lực triển khai các biện pháp ngăn chặn các hành vi đeo bám, chèo kéo du khách đã được các doanh nghiệp đánh giá cao và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận nhỏ bu bám nhất là khi các tàu biển du lịch cập cảng hoặc tàu Hải quân nước bạn đến thăm thành phố. Cũng bởi còn thiếu chế tài, xử lý chưa đủ sức răn đe, phương tiện tham gia xử lý các tình huống còn gặp nhiều khó khăn. Ngày 27/6/2012, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp với các ngành liên quan đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng trên. Theo thông báo số 196/TB-UB ngày 03/8/2012, ông Nguyễn Xuân Anh - Phó Chủ tịch UBND TP kết luận: Tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa, văn minh đô thị. Các địa phương tổ chức gặp gỡ các đối tượng chuyên bu bám chèo kéo du khách phổ biến chủ trương của thành phố để các đối tượng này chấp hành… Rà soát, phân loại các đối tượng cầm đầu, ngoan cố kiên quyết xử lý nhằm tạo tính răn đe với các đối tượng khác. Đưa nội dung này vào cam kết thi đua, tiêu chuẩn xây dựng tổ dân phố, gia đình văn hóa hằng năm...

Bên cạnh đó Sở VHTTDL, các Công ty Lữ hành có trách nhiệm thông báo với du khách điểm đến tham quan, không tiếp xúc với tệ nạn “cò” vẫn còn bu bám dưới nhiều hình thức. Thành lập cơ quan thường trực để xử lý vấn nạn trên gồm Sở VHTTDL, Sở Công an, Sở LĐTB&XH, Sở Công thương và UBND các quận huyện, Đội quy tắc đô thị và môi trường; Công bố đường dây nóng để người dân và du khách phản ánh khi phát hiện sự việc 0935.267.859 và 0511.3888888 (tổ xử lý nhanh).

Từ lâu TP đã có chủ trương: công dân nào phát hiện và thông báo có người ăn xin, lang thang cơ nhỡ, bu bám, chèo kéo du khách là được UBNDTP thưởng 300 ngàn đồng. Tiếp tục kiện toàn các đội trật tự du lịch của địa phương do cảnh sát trật tự làm nòng cốt, chỉ đạo các đội cảnh sát đặc nhiệm tuần tra chống cướp giật kết hợp xử lý nghiêm đối tượng đeo bám, chèo kéo khách, xử phạt nạn taxi dù, xe thồ, xích lô đón khách không đúng quy định theo QĐ số 53/2006/QĐ-UB ngày 26/5/2006 của UBNDTP. Giao Sở Công thương phối hợp với UBND các quận, huyện và BQL chợ tổ chức lớp tập huấn văn minh thương mại cho các hộ kinh doanh tại các chợ và cửa hàng kinh doanh ăn uống giải khát phải niêm yết giá, bán đúng giá. Trong thời gian qua, với những nỗ lực của các cấp, các ngành cùng với sự hưởng ứng của người dân đã xây dựng Đà Nẵng thành thương hiệu của điểm đến văn minh, thân thiện và an toàn với du khách.

Điểm sáng Ngũ Hành Sơn

Khu danh thắng tâm linh Ngũ Hành Sơn hằng năm đón chục ngàn vạn lượt du khách đến tham quan, chiêm bái vào dịp Lễ hội Quán Thế Âm và dịp ngày hội trình diễn quốc tế pháo hoa. Khoảng 8 năm trước, nơi đây tệ nạn ăn xin, chèo kéo, bu bám là mối đe dọa nghiêm trọng với du khách. Chỉ có một vài khách ta hay Tây đến tham quan là từ dưới chân núi lên đến đỉnh đã có một “đoàn quân” ồ ạt vây kín khách đến ngộp thở. Người địa phương còn ngao ngán huống gì là du khách. Vấn nạn này trở thành nhức nhối làm xấu đi hình ảnh của thành phố. Ông Lê Hoàng Đức, Chủ tịch UBND quận cho biết: Được sự chỉ đạo của thành phố, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã quyết tâm bài trừ tệ nạn đó một cách có hiệu quả. Quận thành lập ban chỉ đạo và đội công tác chuyên ngành gồm Công an quận, UBND các phường, đội kiểm tra quy tắc đô thị và các đoàn thể tham gia ngăn chặn tệ nạn. Giao Công an phường theo dõi nắm danh sách đối tượng, gặp gỡ trao đổi, tuyên truyền giáo dục và vận động tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề lao động để không chạy theo bu bám, chèo kéo du khách. Trước đây (năm 1997), phường Hòa Hải có 280 hộ buôn bán nhỏ lẻ các quầy hàng mỹ nghệ, hàng lưu niệm đã che sạp, che dù từ dưới các chân núi lên đến đỉnh núi hợp cùng với “đội quân” bu bám khách trông nhếch nhác và mất mỹ quan thắng cảnh, văn hóa, văn minh đô thị. Để giải quyết tình trạng trên, UBND quận xây dựng 23 kiốt bán hàng lưu niệm dưới chân núi dành cho 24 hộ nghèo, khó khăn thuê lại để buôn bán và trên các đỉnh và giữa đỉnh núi lập một số quầy nước để phục vụ du khách giải khát... Nghiêm cấm tuyệt đối nạn bán hàng rong, xin ăn bu bám theo du khách.

Ông Lê Quang Tươi, Trưởng Ban quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết thêm: Triệt tiêu được vấn nạn này là cả một kỳ công; tệ nạn hàng rong, xin ăn bu bám, chèo kéo nay đã chấm dứt nhưng lại phát sinh một loại “cò hiện đại” khác nên BQL phải có biện pháp đối phó với loại cò này; khi có du khách đến, đội trật tự của BQL có nhiệm vụ theo dõi và phát tờ rơi (nội dung khuyến cáo du khách không nghe theo người “cò mồi” chiêu dụ đến các cơ sở mua hàng lưu niệm với giá ảo (giá trên trời) để sau đó nhận tiền %. Cũng theo ông Tươi có 3 loại “cò”: Cò từ xa, biết có tàu du lịch cập cảng Đà nẵng là bám theo chèo kéo khách đưa đi tham quan Ngũ Hành Sơn, Hội An, Mỹ Sơn bằng xe ô tô, mô tô, cung ứng hàng lưu niệm... Cò trực tiếp: khi khách đến địa điểm tham quan là tổ chức đội quân ăn theo, bu bám, chèo kéo... Cò nghiệp dư: có công ăn việc làm nhưng về mùa đông thì nghỉ ở nhà hoạt động, thường bám theo dụ khách Tây để “chào hàng”. 3 loại có này đều có trình độ ngoại ngữ thông thạo nên dễ dàng “chiêu dụ” khách thành công nếu không có đội quản lý trật tự du lịch cảnh báo. Tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đã xây dựng biện pháp chống cò bám Tây hữu hiệu; BQL cử người bám theo cò. Với tinh thần trách nhiệm phục vụ du khách, cho đến thời điểm hiện nay Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn là một điểm sáng, thực hiện có hiệu quả việc chống bu bám, chèo kéo khách du lịch...

Đà Nẵng là thành phố đô thị loại 1, có môi trường đáng sống “Xanh - Sạch - Đẹp”; có chủ trương 5 “không” (không có hộ đói; không có người mù chữ; không có người lang thang xin ăn; không có người nghiện ma túy trong cộng đồng; không có giết người cướp của) và chương trình 3 có: có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Bài, ảnh: DIỆU VŨ

Báo Du lịch Việt Nam, số 48, từ ngày 6/12 đến 12/12/2012

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT