Đà Lạt: Nhiều hàng quán chủ động đóng cửa để phòng dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khi số ca nhiễm mới liên tục tăng, nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê trên địa bàn TP Đà Lạt đã chủ động ngừng hoạt động hoặc chỉ bán mang về, giao hàng tận nơi nhằm hạn chế tụ tập đông người, đảm bảo an toàn sức khỏe, góp phần phòng chống dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khi số ca nhiễm mới liên tục tăng, nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê trên địa bàn TP Đà Lạt đã chủ động ngừng hoạt động hoặc chỉ bán mang về, giao hàng tận nơi nhằm hạn chế tụ tập đông người, đảm bảo an toàn sức khỏe, góp phần phòng chống dịch.
Một quán ăn quyết định chỉ bán mang về để phòng chống dịch
Từ đầu tháng 9/2021, UBND tỉnh đã có Quyết định 2563/QĐ-UBND ban hành các quy định tạm thời đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế. Trong đó quy định nhà hàng, quán ăn uống hoạt động 50% công suất so với ngày thường, có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, Lâm Đồng liên tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 kỷ lục. Liên tiếp những thông báo khẩn tìm người đến các địa điểm nguy cơ liên quan đến trường hợp mắc Covid-19 được đưa ra. Trong đó, nhiều địa điểm liên quan là hàng quán ăn uống, cà phê. Chính vì vậy, dù chính quyền không bắt buộc nhưng nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Đà Lạt đã chủ động thay đổi hình thức hoạt động, thậm chí nhiều quán ăn, quán cà phê tạm ngưng hoạt động nhằm hạn chế tụ tập đông người.
Chị Hoàng Thị Thương chủ động tạm dừng hoạt động để bảo vệ mình và những người xung quanh dù xác định sẽ chịu nhiều thiệt hại
Chị Hoàng Thị Thương, chủ quán cà phê Nero (Phường 9, TP Đà Lạt) đã treo bảng thông báo quán tạm nghỉ từ mấy ngày nay. Mặc dù phần lớn khách quen của quán là người địa phương, ít khi có khách từ các tỉnh thành khác đến, tuy nhiên, chị vẫn đóng quán để đảm bảo an toàn trước dịch bệnh. Chị Thương cho biết: “Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tạm nghỉ đến mấy lần. Dù chịu thua lỗ tiền mặt bằng, nhưng tôi cũng vẫn chấp nhận để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, nhất là khi trong nhà có con nhỏ”.
Hiện tại, khu vực xung quanh quán cà phê của chị Thương đã có nhiều địa điểm bị phong tỏa do có liên quan đến các ca nhiễm Covid-19. Do đó, việc chủ động đóng cửa cũng giúp chị an tâm hơn, dù bản thân hai vợ chồng chị Thương đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Trước đó, khách đến quán đều được chị Thương yêu cầu sát khuẩn và quét mã QR trước khi gọi thức uống. Quán cũng chỉ phục vụ không quá 50% lượng khách và đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các bàn. Chị Thương cho biết, tùy vào tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, nếu phức tạp thì có khi phải đóng cửa quán đến Tết.
Theo ghi nhận, người dân cũng mang tâm lý dè dặt, thận trọng, hạn chế đến những nơi đông người và thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Một số cơ sở kinh doanh nhận định đây là tình hình khó khăn chung nên đã tự động chuyển sang hình thức bán mang về, giao hàng tận nơi, để vừa chủ động đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, vừa hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn thành phố, nhiều hàng quán chủ động đóng cửa
Tại đường Ngô Gia Tự (Phường 12), bà Gái - chủ một quán cơm cũng treo bảng chỉ bán mang về từ khi xuất hiện các ca cộng đồng liên quan đến chùm ca bệnh tại nhà máy của Công ty TNHH Trà Ngọc Duy (Tổ Thái An, Phường 12). Ngay cửa ra vào quán, bàn ghế được sắp xếp lại thành một hàng rào ngăn cách người mua với người bán. Khách hàng cũng chủ động phòng chống dịch, luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi chờ mua hàng.
Theo quy định hiện hành, tất cả các trường hợp F1 đều phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày và theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày tiếp theo. Chính vì thế, trong trường hợp địa điểm có liên quan đến trường hợp F0 sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của quán mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của nhiều vị khách và những hộ dân xung quanh. Trong vòng một tháng đó sẽ rất khó để các hàng quán tiếp tục hoạt động nếu nhân viên có liên quan, phải cách ly tập trung.
“Dẫu đã rất mong mỏi được hoạt động trở lại sau thời gian dài buộc phải đóng cửa nhưng hiện tại chúng tôi cũng buộc phải tự đóng cửa tiếp tục. Một phần là để tự bảo vệ chính bản thân mình và một phần để đảm bảo không bị lỗ nếu dịch bệnh ngày một phức tạp như hiện nay. Nếu không may phải đi cách ly tập trung thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thương hiệu gây dựng bao lâu nay và cũng sẽ không đủ chi phí sau thời gian dài cầm cự trước đó”, anh Vinh – một chủ nhà hàng tại Phường 3, TP Đà Lạt chia sẻ.
Số ca dương tính trong cộng đồng tăng nhanh, trong đó có cả khách du lịch. TP Đà Lạt đang phải thay đổi nhiều biện pháp...