Đà Lạt: Chấn chỉnh việc kinh doanh hàng đặc sản "biến tướng" trên địa bàn
Ngày 21/7, UBND TP Đà Lạt có văn bản yêu cầu các phòng, đơn vị liên quan, các phường, xã trên địa bàn kiểm tra, chấn chỉnh việc kinh doanh hàng đặc sản trên địa bàn thành phố, không để tình trạng một số cơ sở không chấp hành tốt, sử dụng các đối tượng tiếp thị không lành mạnh chèo kéo du khách mua đặc sản gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh du lịch Đà Lạt.
Theo UBND TP Đà Lạt, thành phố hiện đang trong mùa cao điểm du lịch, lượng du khách đến thành phố để du lịch, thăm quan, nghỉ dưỡng tăng cao đã tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch phát triển. Đa số các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã thực hiện tốt quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cơ sở không chấp hành tốt, sử dụng các đối tượng tiếp thị không lành mạnh chèo kéo du khách mua đặc sản không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh du lịch Đà Lạt, tạo ra dư luận không tốt trong xã hội, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh đặc sản Đà Lạt sky (số 365 Nguyên Tử Lực, Phường 8) ngày 18/7 và xử phạt nhiều lỗi vi phạm. Đây là 1 trong 2 cơ sở cơ quan chức năng vừa phát hiện các lỗi vi phạm. Ảnh: Công an Đà Lạt
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỐI HỢP, TUYÊN TRUYỀN
Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, giữ vững uy tín, hình ảnh du lịch Đà Lạt và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, du khách khi đến với thành phố Đà Lạt, UBND TP Đà Lạt chỉ đạo như sau:
Giao UBND các phường, xã: Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ; đồng thời yêu cầu các cơ sở kinh doanh cam kết thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt, tuyệt đối không sử dụng các hình thức tiếp thị không lành mạnh trong kinh doanh. Tuyên truyền, thông tin đến cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng đặc sản tại địa phương biết, trường hợp cơ sở có sử dụng tiếp thị không lành mạnh, tranh giành khách,… mà bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì sẽ đưa thông tin cơ sở lên hệ thống thông tin truyền thông để cảnh báo. UBND phường, xã chỉ đạo Công an phường xã rà soát các đối tượng có hành vi tiếp thị không lành mạnh để răn đe, giáo dục, đồng thời quản lý chặt chẽ các trường hợp tạm trú, tạm vắng để kịp thời răn đe, xử lý nếu có hành vi vi phạm và trục xuất khỏi địa phương đối với các trường hợp vi phạm.
Giao Phòng Văn hóa và Thông tin đẩy mạnh công tác tuyên truyền bộ quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; thông tin các địa chỉ kinh doanh uy tín đã được cơ quan nhà nước thẩm định, ứng dụng Đà Lạt trực tuyến đến với người tiêu dùng và du khách; trên cơ sở kết quả xử lý của đơn vị chức năng, cập nhật thông tin các cơ sở vi phạm lên cổng thông tin Đà Lạt trực tuyến, phương tiện truyền thông, báo chí, mạng xã hội,… để người dân, du khách kịp thời nắm bắt thông tin.
c) Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Đà Lạt bố trí phóng viên tham gia các tổ kiểm tra để ghi hình, đồng thời phối hợp xây dựng phóng sự chuyên đề về công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh vi phạm, phát định kỳ hàng tuần trên sóng phát thanh, truyền hình.
THÀNH LẬP 3 TỔ KIỂM TRA, XỬ LÝ LIÊN TỤC
Để xử lý quyết liệt vấn đề này, UBND TP Đà Lạt yêu cầu: Đoàn liên ngành phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (do Trưởng Phòng Kinh tế làm Trưởng đoàn), đề xuất thành lập ngay 3 Tổ kiểm tra, tổ chức ra quân kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh hàng đặc sản có sử dụng hoạt động tiếp thị không lành mạnh; tăng cường tần suất kiểm tra về nguồn gốc sản phẩm, nhãn mác, niêm yết giá, vệ sinh an toàn thực phẩm,…
Đối với các cơ sở kinh doanh qua điều tra, phát hiện có hành vi tiếp thị không lành mạnh; tổ chức kiểm tra toàn diện hoạt động kinh doanh, xử lý nghiêm vi phạm; đồng thời, thông tin, tuyên truyền trên hệ thống báo đài, thông tin đại chúng để răn đe, phòng ngừa.
Công an thành phố Đà Lạt chỉ đạo các Đội nghiệp vụ, Công an phường, xã: Tăng cường lực lượng chốt trực, kiểm tra, xử lý tình trạng tiếp thị không lành mạnh, đặc biệt tại các khu/điểm du lịch, chợ Đêm Đà Lạt. Rà soát các đối tượng tiếp thị không lành mạnh, không để các đối tượng tập trung, mời chào tại các khu du lịch; sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, trích xuất hình ảnh từ hệ thống camera an ninh để làm cơ sở xử lý nghiêm, dứt điểm và răn đe, giáo dục các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, phối hợp UBND phường, xã khảo sát, lắp đặt camera tại các vị trí xảy ra “cò kéo”, các vị trí có thể xảy ra “cò kéo”, đồng thời kết nối vào hệ thống chung của thành phố để theo dõi, kịp thời phát hiện vi phạm.
Đối với UBND các phường, xã, thành phố yêu cầu phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố tăng cường kiểm tra, nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý triệt để tình trạng tiếp thị không lành mạnh tại các khu/điểm du lịch trên địa bàn quản lý. Chủ trì, phối hợp Công an thành phố Đà Lạt khảo sát, lắp đặt camera tại các vị trí thường xảy ra tiếp thị không lành mạnh, đồng thời kết nối vào hệ thống chung của thành phố để theo dõi, kịp thời phát hiện vi phạm.
UBND TP Đà Lạt giao Phòng Kinh tế làm cơ quan đầu mối, nắm bắt tình hình, đôn đốc các đơn vị thực hiện văn bản này và nội dung kết luận buổi làm việc triển khai công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại dịp hè năm 2022 tại văn bản số 4212/UBND-TH ngày 1/7 của UBND TP Đà Lạt; kịp thời tham mưu đề xuất UBND TP Đà Lạt chỉ đạo, xử lý các vấn đề phát sinh.
Chiều 18/7, ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt xác nhận có vụ việc “cò du lịch“ ngăn xe tour của...