Chứng chỉ xanh kỹ thuật số mở cửa du lịch an toàn
Cùng với hộ chiếu vắc-xin, chứng chỉ xanh kỹ thuật số là giải pháp để châu Âu khôi phục du lịch.
Công nghệ số để mở cửa du lịch
Ông Margaritis Schinas, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) cho hay, EU sẽ áp dụng chứng chỉ xanh kỹ thuật số để khôi phục du lịch. Ông Schinas giải thích, chứng chỉ xanh kỹ thuật số không phải là một loại chứng nhận vắc-xin.
Chứng chỉ trên có ba thành tố gồm chứng nhận tiêm vắc-xin, kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc chứng minh có miễn dịch sau khi đã mắc Covid-19, cho thấy du khách không gây nguy cơ dịch bệnh. Theo ông, các tiêu chuẩn cấp chứng chỉ sẽ được áp dụng đồng bộ trên khắp lãnh thổ châu Âu.
Quan chức EC kỳ vọng 27 quốc gia thành viên EU sẽ nhất trí với đề xuất của cơ quan này về triển khai chứng chỉ, mở đường đưa vào áp dụng trong vòng hai tháng tới.
Chứng chỉ xanh kỹ thuật số mở cửa du lịch châu Âu
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Tự do dân sự, tư pháp và nội vụ, nghị sĩ Juan Fernando Lopez Aguilar đã xác nhận Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến sẽ phê chuẩn hộ chiếu vắc-xin trong phiên họp toàn thể diễn ra từ ngày 7-10/6 tới.
Trước đó, ngày 17/3, EC đã đề xuất áp dụng chứng nhận số về an toàn đi lại nhằm giúp khôi phục hoạt động tự do di chuyển trong liên minh vào mùa Hè này cho những công dân đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có xét nghiệm PCR âm tính hoặc đã từng mắc và khỏi bệnh.
Chứng nhận này dự kiến có hiệu lực từ tháng 6 tới. Đến ngày 25/3, các nghị sĩ châu Âu đã nhất trí về đề xuất này của EC trong khuôn khổ thủ tục khẩn cấp.
Dù Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, một số nước EU phụ thuộc vào du lịch đang thúc đẩy và kỳ vọng việc áp dụng hệ thống hộ chiếu vắc-xin có thể mở đường cho mùa du lịch hè năm nay nhằm cứu vãn ngành du lịch đang đóng băng, đẩy nền kinh tế đứng bên bờ vực.
Du lịch thiệt hại hàng tỷ USD
Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, cung cấp 27 triệu việc làm cho các quốc gia EU và đóng góp khoảng 10% GDP của khu vực. Trong đó, một số quốc gia phụ thuộc lớn vào du lịch như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italy sẽ không thể phục hồi nền kinh tế cho đến khi ngành du lịch được mở cửa trở lại.
Các ngành nghề vốn là lợi thế của nhiều nước châu Âu như nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không,... đều rơi vào cảnh lao đao, khiến nhiều doanh nghiệp bị đóng cửa. Khó khăn kinh tế tác động trực tiếp tới thị trường việc làm, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn EU tăng từ 6,7% năm 2019 lên 9% năm 2020 và được dự báo chỉ giảm nhẹ trong năm 2021.
Du lịch là nguồn thu chính của nhiều nước châu Âu
Hầu hết các chuyên gia nhận định, ngành du lịch thế giới sẽ khó có thể phục hồi hoàn toàn trong năm 2021 khi mà nhiều quốc gia vẫn đang phải vật lộn với các làn sóng dịch bệnh mới.
Một cuộc khảo sát của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho thấy 45% chuyên gia được hỏi dự báo tình hình ngành du lịch sẽ khả quan hơn trong năm 2021, trong khi 30% dự đoán tình hình xấu đi. 25% còn lại nhận định tình hình sẽ diễn ra tương tự như năm 2020.
Cũng theo khảo sát này, 43% chuyên gia cho rằng ngành du lịch thế giới sẽ mất 3 năm để phục hồi lại mức trước đại dịch (tức năm 2023) và 41% cho rằng điều này chỉ xảy ra vào năm 2024 hoặc muộn hơn.
Người đứng đầu UNWTO cho biết việc điều phối và số hóa các biện pháp giảm thiểu rủi ro liên quan đến hoạt động du lịch, như xét nghiệm Covid-19, truy vết và chứng nhận tiêm chủng vắc-xin là những nền tảng chủ chốt để thúc đẩy du lịch an toàn trong đại dịch.
Hiện, hộ chiếu vắc-xin vấp phải một phản đối ở một số nước. Pháp và Đức cho rằng còn quá sớm để áp dụng đồng bộ loại thẻ này vì dữ liệu về hiệu quả của vắc-xin Covid-19 còn chưa đầy đủ.