Chủ tịch VITA Vũ Thế Bình: Năm 2022, du lịch tăng trưởng không bình thường
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) ông Vũ Thế Bình, nhận xét tốc độ tăng trưởng khách du lịch nội địa năm 2022 rất nhanh, vượt cả năm 2019, tạo ra áp lực lớn cho ngành du lịch. Đây là sự tăng trưởng không bình thường, làm hỗn loạn du lịch, dẫn đến chất lượng du lịch đi xuống.
Chủ tịch VITA Vũ Thế Bình
Phát biểu tại hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm 27/6, ông Vũ Thế Bình cho biết trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch đã có tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, kết quả này vẫn là rất nhỏ bé, vì khách nội địa chiếm tỷ trọng lớn.
“Khách nội địa tăng trưởng nhanh, 5 tháng có tới 48 triệu lượt, như vậy cả năm nay sẽ có khoảng 100 triệu lượt, vượt cả năm 2019. Đây là tín hiệu tốt nhưng lại tạo ra áp lực cho ngành du lịch vì tăng trưởng một cách không bình thường, làm hỗn loạn du lịch, dẫn đến chất lượng du lịch đi xuống, trong khi Việt Nam đang phấn đấu du lịch sang trọng, thu hút khách tiêu nhiều tiền.
“Nhiều khách sạn 4 – 5 sao hiện cũng chuyển sang làm khách nội địa để giải quyết nhu cầu trước mắt. Tuy nhiên, điều này làm thấp vị thế du lịch Việt Nam. Tôi cảm thấy rất lo lắng, vì ta không đẩy mạnh được khách quốc tế mà lại đắm sâu vào khách nội địa thì du lịch nước ta sẽ thụt lùi”, ông Bình nhận định.
Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận việc thu hút khách quốc tế là rất khó. Không chỉ Việt Nam, nhiều nước cũng muốn thu hút khách quốc tế song kết quả không được bao nhiêu. “Tôi có đi châu Âu 2 lần, thấy ngay cả các nước như Pháp, Đức khách quốc tế cũng không có nhiều. Hậu quả của dịch bệnh quá nặng nề khiến người ta chưa thể an tâm đi du lịch. Có thể nói, cuộc cạnh tranh khách quốc tế giữa các nước đang trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết”.
Ngoài du khách, ông Bình cũng chỉ ra ngành du lịch đang đối diện với bài toán khó về chi phí khi giá xăng dầu và nhiều loại nguyên vật liệu khác gia tăng. Để có khách, nhiều khách sạn đã phải hạ giá cho thuê nhằm tăng sức cạnh tranh. Song khi chi phí đầu vào tăng cao, việc hạ giá cho thuê đồng nghĩa với việc giảm chất lượng phục vụ. Đây là điều ngành khách sạn không mong muốn.
“Chúng tôi đã từng làm nhiều phong trào kích cầu du lịch song điều này chỉ giải quyết được khó khăn nhất thời, hiệu quả với khủng hoảng nhỏ, còn Covid-19 là đại khủng hoảng, kích cầu không đáp ứng được. Giảm giá mãi thì đến một lúc sẽ không còn cái gì để giảm nữa, nên từ 2021, chúng tôi bỏ chương trình kích cầu và tư duy rằng phải phát triển hợp lý về giá cả, để doanh nghiệp sống được và nâng cao chất lượng”, ông Bình chia sẻ.
Đáng chú ý, ông Bình tỏ ra gay gắt khi nói đến công tác báo cáo của ngành du lịch. “Chúng tôi thấy báo cáo nhiều thành tích quá, ví dụ tăng 500 – 600% so với năm 2021. Thực ra so sánh với năm 2021 là vô nghĩa; phải so sánh với năm 2019 thì mới thấy khó khăn, thiệt hại. Chúng tôi đề nghị đừng lôi chuyện so sánh vô nghĩa ấy ra nữa. Nhiều người cứ nói du lịch thành công, phát triển rực rỡ, nhưng so với năm 2019 khách quốc tế năm nay chỉ bằng 5% thì làm sao chúng ta kỳ vọng được”.
Chính vì vậy, ông Bình cho rằng Chính phủ cần có những chính sách cởi mở, hỗ trợ ngành du lịch phục hồi và phát triển tốt hơn.
Cụ thể, ông Bình đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho khách quốc tế vào Việt Nam nhiều hơn, thuận lợi hơn, điển hình là miễn visa. “Ta đã miền visa cho hàng chục nước nhưng chỉ miễn 15 ngày. Tại sao không phải là 16 ngày hay 20 ngày? Họ ở thêm ngày nào là ta có thêm tiền ngày ấy cơ mà. Ta chỉ mong họ ở lâu kia mà. Covid-19 khiến du khách có nhu cầu nghỉ dài ngày, do vậy ta phải xem lại chính sách này, đã miễn visa thì nên miễn đến 30 ngày, càng kéo dài càng tốt”.
Vấn đề thứ hai là thị trường du lịch. Lâu nay, Việt Nam chỉ chăm chú vào các thị trường gần như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… Tuy nhiên, sau Covid-19, mọi thứ đã thay đổi, đòi hỏi du lịch Việt Nam phải phát triển những thị trường mới.
“Đề nghị nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trực tiếp triển khai một số công việc xúc tiến du lịch, mở thị trường mới. Ta biết thị trường Trung Quốc 2 năm tới sẽ không thể đông khách; Nhật, Hàn cũng thế vì họ rất thận trọng. Nhưng thị trường Mỹ hay Úc, Ấn Độ thì rất tiềm năng”, ông Bình gợi ý,
Vấn đề thứ ba là lao động. Trong đại dịch, ngành du lịch mất 50 – 60% số lao động. Nhiều khách sạn 5 sao không còn lao động. “Đề nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, có thể đào tạo bài bản như trước đây hoặc bồi dưỡng ngắn hạn để giải quyết tình hình trước mắt”.
Vấn đề thứ tư là sản phẩm du lịch. Ông Bình nhìn nhận Covid-19 đã làm thay đổi nhu cầu dẫn đến thay đổi sản phẩm du lịch.
“Giờ khách đi du lịch sinh thái, hay khách MICE rất nhiều. Những ngày này, ở nhiều địa phương, các phòng họp trong khách sạn, khu nghỉ dưỡng không còn chỗ trống. Các công ty đến họp vô cùng nhiều. Du lịch MICE tự dưng nổi bật lên.
“Du lịch thể thao, du lịch golf cũng tiềm năng. Năm 2019, nước ta đón cả triệu khách quốc tế vào chơi golf, doanh thu tối thiểu 1 tỷ USD. Du lịch thể thao rất triển vọng nên đề nghị nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp sản phẩm, phục vụ nhu cầu khách sau Covid-19. Xin thưa là bây giờ khách du lịch không có kiểu lảng vảng, tiện thì đi du lịch như trước đây. Giờ khách đi du lịch là có tính toán cẩn thận, đảm bảo an toàn, đảm bảo công việc… Do đó, doanh nghiệp rất cần nhà nước hỗ trợ xây dựng, đào tạo, tập huấn, phát triển sản phẩm du lịch mới”.
Nhìn về tương lai, ông Bình cho rằng du lịch sẽ hồi phục. Các doanh nghiệp du lịch sẽ trở lại rất nhanh, do đó không cần quá lo ngại về việc này.
“Vấn đề là chính sách nên nhất quán và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người lao động”, ông nói.