Cấp bách bảo vệ những "ngọn đèn trước gió" trong dịch COVID-19

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bệnh nhân có bệnh nền được ví như ngọn đèn trước gió, nếu chẳng may mắc phải COVID-19 thì nguy cơ tử vong lại càng cao.

Nguy hiểm dịch bệnh tấn công vào bệnh viện

Bệnh viện Quận Bình Thạnh TP Hồ Chí Minh đã phải tạm dừng hoạt động vì có trường hợp nghi nhiễm đến khám ở bệnh viện, cho đến hôm nay mới trở lại hoạt động.

Ngoài Bệnh viện Bình Thạnh, đã có nhiều phòng khám, bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh qua sàng lọc đã phát hiện các ca dương tính với COVID-19 khi đến bệnh viện khám bệnh. Nếu chẳng may rơi vào các khu vực có bệnh nhân bệnh nền nhạy cảm thì hậu quả khó lường.

Bác sĩ CKII Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ - cho biết: "Người lọc thận họ đã rất yếu, nếu nhiễm COVID-19 thì nguy cơ tử vong rất cao".

Hiện các bệnh viện đang tăng cường kiểm soát người ra vào bệnh viện bằng các công cụ sàng lọc. Tuy vậy cũng theo chuyên gia, cần triển khai thêm các biện pháp cách ly các khu vực bệnh nhân có bệnh nền.

Không chỉ bệnh nhân đến khám, có bệnh viện phải phong tỏa vì có nhân viên dương tính. Điều đó cho thấy những nguy cơ và thách thức mà các bệnh viện phải đối mặt, đỏi hòi triển khai các giải pháp bảo vệ nhân viên y tế và nhất là bảo vệ các bệnh nhân phía bên trong bệnh viện.

Phân luồng, cách ly bảo vệ bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Hai ca F1 bệnh thận đang được các y bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh chạy thận nhân tạo ngay trong phòng áp lực âm của bệnh viện. Số lượng người chạy thận nhân tạo càng tăng cao khi khu vực cách ly phong tỏa ngày càng tăng, nếu không kịp thời đáp ứng, người bệnh sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ.

Từ thực tế này, bệnh viện đã thành lập ngay đơn vị chạy thận nhân tạo được cách ly hoàn toàn với các tòa nhà chính của bệnh viện. Quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo hộ cho cả người bệnh và các nhân viên y tế để tránh lây nhiễm chéo cũng được chuẩn bị kỹ càng.

BSCKII Từ Kim Thanh - Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Hồ Chí Minh - cho biết: "Tất cả các quy trình đều phải tuân thủ theo quy trình của Bộ Y tế như nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nước RO. Lối di chuyển của nhân viên đều tách biệt và phun khử khuẩn".

Ngoài các y bác sĩ chuyên môn, các y bác sĩ cấp cứu phục vụ cho việc chạy thận nhân tạo cũng được huy động với mục đích cao nhất là đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân.

Bệnh nhân có bệnh nền như ngọn đèn trước gió, các giải pháp bảo vệ đang được các bệnh viện chú trọng triển khai, tránh những hậu quả đáng tiếc khi dịch bệnh tấn công vào các bệnh nhân này.

Tính đến hôm nay, Việt Nam đã có 54 bệnh nhân tử vong do COVID-19. Riêng trong đợt dịch lần này, đã có 19 trường hợp tử vong. Đa phần các bệnh nhân đều có bệnh nền như thận nhân tạo, ung thư... Thống kê cho thấy: cả nước hiện có hàng chục bệnh nhân COVID-19 đang được tiên lượng nặng, rất nặng. Ngay lúc này, các bác sĩ tại từng cơ sở y tế ấy đang ngày đêm nỗ lực cứu chữa cho các bệnh nhân.

Kiên cường cứu chữa bệnh nhân COVID-19

Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh được chuyển hẳn thành khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Bởi không còn chỉ là một bệnh nhân nặng như phi công 91 như đợt dịch đầu, tại khoa hiện có nhiều bệnh nhân nặng tương đương hoặc nặng hơn cả phi công 91 trong đợt dịch lần này.

Cấp bách bảo vệ những "ngọn đèn trước gió" trong dịch COVID-19 - 1

Nam phi công người Anh được điều trị COVID-19 tại Việt Nam. Ảnh: Báo Dân trí.

Nhiều ca nặng cũng đồng nghĩa áp lực cho các thầy thuốc tăng cao. Đằng sau những lớp cửa cách ly nghiêm ngặt, các y bác sĩ làm việc quên thời gian.

Xả thân vì người bệnh, dù đối mặt với nhiều hiểm nguy và hy sinh hạnh phúc riêng nhưng với các thầy thuốc đó là mệnh lệnh của trái tim. Điều mong mỏi duy nhất của họ là cộng đồng chung tay chống dịch. 

TS.BS Nguyễn Văn Hảo - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh - cho hay: "Lần thứ tư này mình áp lực hơn những lần trước. Nếu ở ngoài cộng đồng mọi người cùng góp sức thì bệnh viện sẽ không quá tải".

Sự chuyển nặng của các bệnh nhân tăng nhanh cho thấy sự phức tạp của đợt dịch lần này. Dịch bệnh bùng phát cũng đồng nghĩa các chiến sĩ áo trắng, áo xanh trở thành những lá chắn. Nhưng không có lá chắn nào chống trả tốt với dịch bệnh nếu không có sự chung tay phòng chống dịch của cộng đồng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vũ Em - Đắc Hiến (Theo VTV News)

CLIP HOT