Cần gia cố khẩn cấp hòn Trống Mái ở vịnh Hạ Long

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Theo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, phần chân đỡ hai đảo đang bị xói mòn, gây nguy cơ đổ sập nếu không sớm có biện pháp bảo vệ, gia cố.

Cần gia cố khẩn cấp hòn Trống Mái ở vịnh Hạ Long - 1

Ở phần chân của hòn Trống Mái có thể thấy dấu hiệu xói mòn, thân to nhưng trụ nhỏ và bị hà biển bám khắp bề mặt.

Ở Vịnh Hạ Long có hòn Đôi Gà - hay hòn Trống Mái rất nổi tiếng. Đôi Gà thực chất ban đầu là một đảo đá nhỏ nằm gần hòn Đỉnh Hương ở phía tây nam của Vịnh Hạ Long.

Trải qua hàng ngàn năm phong hoá của đá vôi, sự ăn mòn của nước biển và tác động của gió, đảo đá tách làm hai, có hình thù giống như một đôi gà, một trống một mái. Trên lưng mỗi “chú gà” có một số loài thực vật xanh tươi, bám vào các hốc đá khiến cho đảo có sức sống chứ không phải khối đá chết, vô tri vô giác.

Giống như hòn Đỉnh Hương, hòn Bút, những khi thuỷ triều xuống thấp nhất, hòn Trống Mái với mỗi “chú gà” có chiều cao khoảng hơn 10m, chân thót lại ở tư thế rất chênh vênh gợi cho người xem cảm giác khối đá khổng lồ có thể gãy bất cứ lúc nào. Có lẽ chính vì thế mà hòn Trống Mái trở nên hấp dẫn du khách hơn.

Nằm giữa trung tâm vùng bảo vệ tuyệt đối của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, hoà quyện hữu tình giữa đá - nước và bầu trời, chẳng lạ khi từ lâu, hòn Trống Mái đã đi vào thi ca, nhiếp ảnh, hội hoạ của nhiều nghệ sĩ, du khách.

Tuy nhiên, theo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, bằng mắt thường, du khách có thể nhìn thấy "sự chông chênh" của hòn Trống Mái vào thời điểm triều kiệt. Mực nước thấp, làm lộ ra phần chân đỡ hai đảo đang bị xói mòn dần, gây nguy cơ đổ sập nếu không sớm có biện pháp bảo vệ, gia cố.

Trong quá trình thực địa, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra nhiều đứt gãy ở khu vực này. Các đoạn đứt gãy khiến các đá trên đảo bị dập vỡ và phân khối, mảnh, khiến sự đổ lở của hòn Trống Mái có thể diễn ra nhanh chóng hơn.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Kỳ Phong

CLIP HOT