ĐỌC BÁO NGÀY 24.11.2011

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

 

QUẢN LÝ LỎNG LẺO, BÓNG ĐÁ VN TRẢ GIÁ ĐẮT!

Thất bại của U.23 VN tại SEA Games 26 khiến dư luận bức xúc, nghi ngờ và buộc VFF không được chối bỏ trách nhiệm cũng như phải xem xét lại mối quan hệ với HLV trưởng Falko Goetz.

Thoải mái xài điện thoại và tiếp xúc người lạ

Ống kính truyền hình chỉ lia vội vào nhóm khán giả VN trên SVĐ Gelora Bung Karno sau trận tranh HCĐ trước Myanmar, nhưng cũng kịp nhìn thấy khuôn mặt tái tê thất vọng của ông Trần Song Hải - Phó chủ tịch lâm thời Hội CĐV VN. Ông Hải phẫn nộ: “Có tiền đạo từng chơi rất hay ở giải U.21 nhưng tại SEA Games, anh ta đã chơi rất dở, từ trận đầu tiên cho đến trận cuối của U.23 VN. Anh ta đã liên tục chạy chỗ “bậy bạ” và có tình huống chỉ cách khung thành 5m vẫn đá ra ngoài - hành động cố ý chứ không phải do trình độ. Khán giả chúng tôi đã cúi gằm mặt vì chưa bao giờ xem bóng đá mà thấy nhục đến thế”.

ĐỌC BÁO NGÀY 24.11.2011 - 1

 
Việc quản lý cầu thủ ngoài giờ thi đấu rất lỏng lẻo - Ảnh: Bạch Dương

Ông Hải kể tiếp: “Trước hôm đá bán kết, chúng tôi có đến thăm đội và thú thật không thể không cảm thấy bất an. Không khí đội thiếu sự đoàn kết, mỗi người nhìn về một hướng. Huỳnh Phú nói với tôi, các anh yên tâm, thiếu Long Giang, chúng em sẽ đá hơn 150% sức lực và hàng thủ sẽ không để điều xấu xảy ra nhưng nếu tuyến trên mà không chịu ghi bàn thì chúng em cũng chịu chết. Câu nói ấy, tôi cho rằng có hàm ý sâu xa!”.

Một thông tin khác mà ông Hải cung cấp cũng sẽ khiến VFF phải ngỡ ngàng. Trong một lần nói chuyện trực tiếp với sĩ quan an ninh của C45 được cử theo đội U.23 VN, ông Hải đã ngạc nhiên cực độ khi được nghe tâm sự rất thật rằng, vị sĩ quan này có cảm giác chỉ đi theo thôi chứ không quản lý được, vì cầu thủ đều được sử dụng điện thoại di động và internet rất thoải mái.

 

VFF sẽ yêu cầu trưởng đoàn, HLV Goetz và BHL người Việt sẽ phải có giải trình, kiểm điểm lại kết quả thi đấu yếu kém tại SEA Games 26

Ông Phạm Ngọc Viễn - Phó chủ tịch VFF

 

 

Một điều thoải mái khá lạ kỳ nữa mà theo ông Hải là tại Indonesia, cầu thủ VN được phép tiếp xúc với người nhà, bạn bè, kể cả người lạ mà không có bất cứ sự cấm đoán nào. “Lỏng lẻo như vậy rất dễ xảy ra bán độ! Phải chăng có cán bộ an ninh đi cùng chỉ hình thức, để VFF dễ dàng đổ hết trách nhiệm cho an ninh còn bản thân VFF không tự có phương án bảo vệ riêng. Trưởng đoàn bóng đá VN là Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn có vai trò quá mờ nhạt và chưa phải là cầu nối hiệu quả giữa BHL, cầu thủ và công luận”. Ông Hải tiếp tục chĩa mũi dùi vào HLV Falko Goetz: “Ông ta không hiểu cầu thủ. Lối chơi của U.23 VN tệ nhất từ trước tới nay. Ông ta cấm cửa báo chí vì sợ lộ bài, nhưng làm gì có bài nào mà lộ. Người hâm mộ VN đòi hỏi lãnh đạo nào của VFF đã lựa chọn ông Goetz phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Chúng tôi đang có động thái đề nghị HLV trưởng nên từ chức”.

Phải làm kiểm điểm

Lật lại hồ sơ tuyển chọn HLV, ông Nguyễn Lân Trung - Phó chủ tịch VFF - nói: “Chúng tôi đã đảm bảo đúng quy trình và HLV Goetz đã thỏa mãn gần hết những tiêu chí và điều kiện mà VFF đặt ra so với ứng viên khác. Tất nhiên, VFF không phải không nhìn ra điểm yếu của HLV Goetz là chưa từng dẫn dắt đội tuyển quốc gia, nhưng vẫn hy vọng, ông ta sẽ làm tốt. Không ngờ, ông Goetz đã không biết kế thừa lối chơi của bóng đá VN mà nhiều lớp HLV trước đã xây dựng nên và đã phải trả giá quá đắt”.

“VFF không đổ thừa, nhưng rõ ràng HLV Goetz đã chỉ đạo cứng nhắc, U.23 VN thiếu bản sắc, mất thế trận, không thực hiện đúng yêu cầu của VFF. Không một đội tuyển nào mà cả 20 cầu thủ đều ra sân trong cả 7 trận đấu. Phải có đội hình ổn định 11 người và sử dụng dự bị. Trước trận bán kết, ông ta đã nhờ tôi đả thông tư tưởng cho cầu thủ. Tôi đã nói một ý, chẳng nhẽ chúng ta lại hổ thẹn rời SEA Games với hai bàn tay trắng? Bố Huỳnh Phú bị bệnh nặng e không qua khỏi, cũng đã cố gắng sang tận Indonesia để chờ đợi chiến thắng của con, nhưng mọi ước mơ đã không đến. Sau trận thua Indonesia, đội không vực dậy nổi cả tinh thần lẫn thể lực nên thảm bại trước Myanmar. Cầu thủ VN không bán độ mà vì do lỗi HLV. Nếu ông ta biết phát huy thế mạnh của VN thì VFF đã có sự lựa chọn đúng. Đằng này…”. Ông Trung cho biết VFF chưa bàn tới việc sa thải HLV, nhưng “sắp tới có thể sẽ có nhiều tình huống mới xảy ra”.

Còn một Phó chủ tịch VFF khác là ông Phạm Ngọc Viễn nói: “Hiện tại, Trưởng đoàn bóng đá VN Trần Quốc Tuấn vẫn chưa về VN nên chúng tôi chưa thể mổ xẻ thất bại, nhưng VFF sẽ yêu cầu trưởng đoàn, HLV Goetz và BHL người Việt sẽ phải có giải trình, kiểm điểm lại kết quả thi đấu yếu kém tại SEA Games 26. Vì chưa có báo cáo nên cũng chưa có cơ sở kết luận cầu thủ VN có bán độ hay không. Tuy nhiên, khi đội thi đấu tại Indonesia, hằng ngày, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ vẫn thường xuyên nhận được báo cáo là tình hình đều tốt cả”. Ông Viễn còn bảo rằng sau thất bại này, VFF và Công ty VPF sẽ phải tính lại chuyện cầu thủ ngoại. Từ năm 2012, cầu thủ Việt kiều nào có khả năng và muốn cống hiến cho bóng đá VN sẽ được VFF công nhận là cầu thủ nội luôn.

Hôm nay 24.11, HLV Goetz sẽ đến trụ sở VFF nhưng ngày 25.11, ông mới có cuộc làm việc với lãnh đạo VFF về tương lai của mình.

Dù không đạt chỉ tiêu, đội U.23 VN vẫn được thưởng 1 tỉ đồng từ VFF vì đã vượt qua vòng loại. Năm nay, đội không đi tập huấn nước ngoài, nhưng số tiền tập huấn trong nước của đội do Tổng cục TDTT và VFF cùng chi trả lên đến vài tỉ đồng. So sánh là khập khiễng, tuy nhiên nếu nhìn sang môn bơi, được cấp 90.000 USD (hơn 1,8 tỉ đồng) cho cả tập huấn và thi đấu của năm 2011 nhưng tại SEA Games 26, tuyển bơi VN đã thi đấu cực kỳ xuất sắc với 4 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ. Trong đó, kình ngư trẻ Hoàng Quý Phước không chỉ phá kỷ lục SEA Games mà còn đạt chuẩn B Olympic.

P.L

 

Lan Phương

(Báo Thanh Niên, ngày 24.11.2011)

 

CHỦ TỊCH VFF NGUYỄN TRỌNG HỶ: CHƯA CÓ Ý ĐỊNH SA THẢI ÔNG GOETZ

Hôm qua, PV Thanh Niên đã liên lạc với Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, nhưng ông chỉ đồng ý trả lời qua tin nhắn điện thoại.

Thưa ông, VFF có đề nghị cơ quan công an điều tra xem liệu có cá nhân cầu thủ nào đó đã bán độ tại SEA Games 26?

Báo chí nên phỏng vấn quyền Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an (C45) Hồ Sỹ Tiến thì rõ hơn, vì ngay từ khi thành lập đoàn bóng đá U.23 VN dự SEA Games, Cục đã cử ngay một sĩ quan an ninh đi cùng, sinh hoạt cùng để kịp thời nhắc nhở và có kế hoạch phòng chống tiêu cực.

VFF có tính đến chuyện sa thải ông Goetz trước thời hạn vì đã không hoàn thành nhiệm vụ?

Thường trực VFF chưa có một ý định nào với ông Falko Goetz. Đội sẽ tổng kết nghiêm túc, và tôi nghĩ rằng, đây là một bài học đầu tiên của HLV trưởng với bóng đá Đông Nam Á. Ông Falko Goetz sẽ làm tốt hơn trong năm 2012. 

L.P

(Báo Thanh Niên, ngày 24.11.2011)

NHỮNG TÌNH HUỐNG GÂY NGHI NGỜ!

Suốt những ngày qua, độc giả trong và ngoài nước liên tục gọi điện và gửi email về Báo Thanh Niên với câu hỏi liệu U.23 VN có bán độ tại SEA Games lần này. Chúng tôi xin điểm lại những tình tiết “nổi bật” buộc khán giả phải nghi ngờ.

Văn Quyết và những pha xử lý bóng khó hiểu

Văn Quyết là cầu thủ được kỳ vọng sẽ tỏa sáng ở SEA Games, bởi tại V-League 2011, Quyết là một trong những cầu thủ nội xuất sắc nhất và anh từng đoạt giải cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm 2010 của bóng đá VN.

Thế nhưng, tại SEA Games trên đất Indonesia, chân sút của Hà Nội T&T liên tục gây thất vọng và sự hồ nghi cho khán giả. Không những Quyết chơi quá tệ do sa sút phong độ mà cái chính là anh đã có những pha xử lý bóng không thể hiểu được.

Trước hết, đó là tình huống mà Quyết không ghi bàn trong hiệp 1 gặp Philippines. Sau khi được đồng đội chọc khe rất đẹp mắt, thủ môn Roland Richar (1 - Philippines) đã ngả người nên không thể cản phá, chỉ cần xỉa nhẹ bóng là Quyết đã có thể ghi bàn, nhưng Quyết lại chần chừ để cho hậu vệ Jaques (4) lùi về phá bóng. Trong hiệp 2, Quyết có bóng bên cánh trái, các đồng đội của anh là Thành Lương, Trọng Hoàng, Văn Thắng đứng trống trải trước khung thành đối phương, chỉ cần một đường chuyền vào trong là VN dễ dàng có bàn thắng, nhưng Quyết lại như một cầu thủ nghiệp dư, đẩy bóng rất dài để cho bóng đến tay thủ môn Philippines - lại thêm một dấu hỏi to tướng với Văn Quyết.

ĐỌC BÁO NGÀY 24.11.2011 - 2
ĐỌC BÁO NGÀY 24.11.2011 - 3
ĐỌC BÁO NGÀY 24.11.2011 - 4
ĐỌC BÁO NGÀY 24.11.2011 - 5


Loạt hình Văn Quyết bỏ lỡ cơ hội trong trận cầu với Philippines - Ảnh: Bạch Dương

Trận gặp Đông Timor, Quyết tiếp tục là chủ đề chính trên các diễn đàn mạng với pha xử lý như một chàng hề hơn là bản năng của một tuyển thủ. Trận này, “người không thể thay thế của U.23 VN” là Văn Quyết bị HLV Falko Goetz cất trên băng ghế dự bị. Mãi cuối hiệp 1, Quyết mới được vào sân khi VN có lợi thế hơn người do Almeida (Đông Timor) lãnh thẻ đỏ ở phút 24. Phút 45, Quyết một mình một bóng trước khung thành Đông Timor, trong khi thủ môn đội bạn đã đứng chôn chân, chỉ cần nhấn một nhịp để đánh lừa thủ môn, hay tung cú dứt điểm ở góc sút rất rộng, Quyết sẽ có đến 90% cơ hội để lập công. Nhưng Quyết lại chọn pha xử lý không giống ai là chuyền ngang, dù Văn Thắng chưa lên kịp, nếu Văn Thắng đón được đường chuyền, thì góc sút cũng hẹp hơn góc sút của Quyết rất nhiều.

Trọng Hoàng giành đá phạt đền

Ở trận gặp Lào, VN đã chơi rất tệ ở hiệp đầu đến mức những khán giả dễ tính nhất cũng khó có thể thông cảm. Các cầu thủ VN dường như không muốn đá bóng, nên đã để cho Lào ghi bàn trước. Khi VN dẫn trước 2-1, VN được hưởng quả sút 11m. Sau cái chỉ tay của trọng tài chính vào chấm phạt đền, Trọng Hoàng gấp gáp, vội vã lao đến từ xa để giành quyền sút phạt. Những ai có xem trận đấu này thì đều hiểu cầu thủ của xứ Nghệ đã thực hiện quả phạt đền hời hợt và thiếu trách nhiệm như thế nào. Tình huống gấp gáp giành đá phạt của Trọng Hoàng rất khó hiểu, bởi nếu VN bị dẫn bàn thì có thể lý giải Trọng Hoàng muốn tranh thủ thời gian, nhưng đây là trường hợp VN đang dẫn trước, nên không ít cư dân mạng đã nêu ra hàng loạt câu hỏi về hành động này của Trọng Hoàng.

Ở các trận khác, Trọng Hoàng cũng có những pha xử lý khó hiểu tương tự Văn Quyết, bởi anh luôn lùi sâu xuống sân nhà trong lúc nhiệm vụ chính của anh là triển khai tấn công. Hoàng cũng có những đường chuyền “tối như mực” làm giảm nhịp tấn công của VN.

Thẻ đỏ của Long Giang

Cũng ở trận gặp Lào, Long Giang đã bị mọi người “soi” vì pha vào bóng thô thiển với Lamnao. Giang khó lý giải trước sự nghi vấn của nhiều người, bởi lúc đó VN đã giành quyền vào bán kết và Long Giang biết rất rõ anh cần thiết như thế nào với VN ở bán kết. Hành động của Giang khiến không ít người cho rằng cầu thủ của Navibank Sài Gòn muốn rời sân ngay khi hiệp 1 mới diễn ra được 16 phút.

Ở trận tranh hạng ba, Long Giang cũng bị thủ môn Tuấn Mạnh quở trách khi anh tranh bóng với Huỳnh Phú, khiến Tuấn Mạnh không thể đón được bóng, giúp Myanmar mở tỷ số trong tình huống không có gì nguy hiểm.

Ngoài các tình huống cụ thể kể trên, các cầu thủ U.23 VN cũng để lại nhiều nghi ngại bởi quá nhiều cầu thủ phạm sai lầm có hệ thống trong hầu hết các trận đấu.

Ngay cả khi Văn Thắng ghi bàn để ấn định chiến thắng 3-1 ở trận gặp Lào, nhiều người cũng bàn tán khi truyền hình chiếu cận cảnh một số cầu thủ không chia vui mà còn thoáng bất ngờ với bàn thắng mà đồng đội mình ghi được.

Ban Thể Thao

(Báo Thanh Niên, ngày 24.11.2011)

HLV ONG KIM SWEE: TÔI BẤT NGỚ VÌ SỰ SA SÚT CỦA U.23 VN

rả lời phỏng vấn Báo The Jakarta PostThe Star sau khi giành chức vô địch SEA Games 26, HLV Ong Kim Swee (ảnh) của U.23 Malaysia nói: “Chúng tôi đã may mắn vượt qua chủ nhà trong trận chung kết, nhưng đây là chiến thắng ấn tượng vì không thể nào trong vòng 4 ngày, bạn lại có thể 2 lần quật ngã một đối thủ rất mạnh nếu không có sự chuẩn bị tốt. Tôi rất tự hào vì tập thể đội U.23 Malaysia đã chơi rất hay tại SEA Games lần này.

Chúng tôi đã có lực lượng tiếp nối sức mạnh năm 2009, đồng thời có được điểm rơi phong độ và sự làm việc nghiêm túc trong hơn 1 năm qua, nhất là nhờ được cọ xát nhiều giải quốc tế trong khu vực nên đẳng cấp cầu thủ cũng dần khẳng định”.

ĐỌC BÁO NGÀY 24.11.2011 - 6

 
Ảnh: Khả Hòa 

Đánh giá về các đối thủ, HLV Ong Kim Swee nói: “Tôi tiếc cho Thái Lan vì họ cũng rất mạnh nhưng lại để sẩy chân vì một vài trục trặc. Hơn nữa, do bảng A chỉ lấy 2 đội nên nếu họ rơi vào bảng B, chắc chắn họ sẽ đi xa hơn. Tôi cũng bất ngờ vì sự sa sút của VN. Cách đây một tháng, họ đã chơi rất hay tại VFF Cup ở Hà Nội. Chúng tôi khi đó vẫn chưa hoàn thiện và vẫn dưới cơ họ. Thực sự, VN có rất nhiều cầu thủ giỏi, trình độ cao, nhưng không hiểu vì sao VN lại chơi không thật thuyết phục đến như vậy tại SEA Games lần này, giống như họ có 2 bộ mặt khác nhau dù chỉ cách có một thời gian ngắn. Có lẽ có vấn đề gì đó đã xảy ra ở U.23 VN...”.

Q.T

(Báo Thanh Niên, ngày 24.11.2011)

 

LUÔN TỰ LÀM KHÓ MÌNH

Tại SEA Games lần này, các cầu thủ U.23 VN luôn chơi bóng rất khó hiểu. Một điểm chung là, họ luôn muốn gây bất lợi cho mình khi chơi rất tệ ở hiệp 1, chấp trước các đối thủ yếu hơn 1 bàn như trận gặp Philippines, Lào hay luôn dứt điểm kém cỏi ở những tình huống không thể tin được ở hầu hết các trận đấu tại giải.

Đá với các đội yếu hơn, các cầu thủ VN tự đưa mình vào thế khó khăn rồi mới chiến thắng trong hiệp 2. Gặp Lào - đội bóng thua xa về con người và đẳng cấp, nhưng VN lại chơi bóng rất vật vờ ở hiệp 1. Họ để cho Lào dẫn trước với bàn thắng của Keoviengpheth, rồi Long Giang rời sân vì thẻ đỏ ở phút 16, khiến người hâm mộ VN dõi theo trong tâm trạng lo lắng.

Có những điều trùng hợp khó lý giải là, ở thời điểm U.23 VN được người hâm mộ kỳ vọng thì họ lại đá rất tệ, để các đối thủ yếu hơn dễ dàng ghi bàn vào lưới. Nhưng đến khi không được ai tin tưởng, không được đánh giá cao thì họ mới vùng lên để chiến thắng, như kiểu thắng ngược Lào 3-1 trong thế chỉ còn 10 người.

Cách đá của VN khiến cư dân mạng nghi vấn cho rằng họ đá bóng vì mục đích gì đó chứ không phải vì danh dự quốc gia, vì màu cờ sắc áo. Những trận cầu khó hiểu ở vòng bảng khiến VN mất đoàn kết nên họ đã chơi bạc nhược ở trận thua Indonesia ở bán kết, hay trận mất HCĐ đáng hổ thẹn vào tay Myanmar.

Ban Thể thao

(Báo Thanh Niên, ngày 24.11.2011)

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT