ĐỌC BÁO NGÀY 17.11.2011

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

 

HLV GOETZ CHỌN U-23 MALAYSIA

Chỉ cần thắng U-23 Lào với tỉ số tối thiểu trong trận đấu lúc 16g hôm nay 17-11 (VTV2 THTT), U-23 VN sẽ giành ngôi nhất bảng B để có thể gặp U-23 Malaysia ở bán kết.

 ĐỌC BÁO NGÀY 17.11.2011 - 1

HLV Goetz căn dặn các tuyển thủ không được chủ quan trước U-23 Lào trong buổi tập chiều 16-11 - Ảnh: S.H.

Việc U-23 Myanmar chỉ thắng U-23 Đông Timor 1-0 hôm 15-11 đã giúp HLV Goetz thở phào nhẹ nhõm bởi ông không còn phải bận tâm trong việc vừa giữ quân mà vẫn có thể thắng đậm U-23 Lào để bảo đảm ngôi nhất bảng. Hiện U-23 VN có đến bốn trụ cột đã nhận thẻ vàng là tiền vệ đội trưởng Thành Lương, cặp tiền vệ trung tâm Hoàng Thịnh - Văn Bình và trung vệ Huỳnh Phú. Do đó, nếu bốn cầu thủ trên bị phạt thẻ vàng trong trận gặp U-23 Lào, tuyển U-23 VN sẽ khủng hoảng lực lượng nghiêm trọng ở bán kết.

Trước U-23 Lào, HLV Goetz sẽ tung Văn Bình vào sân đá cặp tiền vệ trung tâm cùng Trọng Hoàng, đồng thời để Thành Lương, Hoàng Thịnh và Huỳnh Phú ngồi ngoài giữ sức. Vị trí của Thành Lương có thể được thay thế bằng Hoàng Thiên, còn Anh Quang thay Huỳnh Phú đá cặp cùng Long Giang. Dù không ra sân với đội hình mạnh nhất nhưng mục tiêu của U-23 VN là phải giành chiến thắng. Cho đến thời điểm này, U-23 Malaysia là đối thủ HLV Goetz đã chọn cho trận bán kết.

Với 4 điểm sau bốn trận, dù đã bị loại nhưng không thể xem thường U-23 Lào khi trong đội hình của họ có chân sút Lamnao hiện đang tạm dẫn đầu danh sách vua phá lưới tại SEA Games 26 với sáu bàn thắng. Nhưng với tinh thần hưng phấn của toàn đội, chiến thắng của U-23 VN trước U-23 Lào là điều được dự báo.

N.KHÔI

(Báo Tuổi trẻ, ngày 17.11.2011)

Không lo chuyện thể lực

Đây là nhận định của trợ lý HLV Phan Thanh Hùng trước lượt đấu cuối vòng bảng của môn bóng đá tại SEA Games 26. Theo ông Hùng, trước vòng đấu bán kết, U-23 Myanmar được lợi nhất với ba ngày nghỉ trong khi ba đội còn lại là U-23 VN, Malaysia và chủ nhà Indonesia chỉ có một ngày nghỉ.

Ông Hùng cho biết thêm: “Tuy chỉ có một ngày nghỉ trước trận bán kết nhưng chúng tôi không lo lắng về điều này bởi sự chuẩn bị kỹ lưỡng đã giúp tuyển U-23 VN có nền tảng thể lực rất tốt. SEA Games 26, lần đầu tiên bóng đá VN ra nước ngoài dự giải với... ba bác sĩ (thường là hai). Trong đó, ngoài những bài tập đa dạng, nhờ khả năng nói tiếng Việt lưu loát nên bác sĩ Sebastian (Đức) gần gũi với các cầu thủ, qua đó giúp họ “giải phóng” được những ức chế về tinh thần do chấn thương hoặc mệt mỏi.

Mặt khác, những cuộc trò chuyện giữa ban huấn luyện với cầu thủ, những chuyến dạo chơi quanh Jakarta... cũng giúp toàn đội thoát được cảm giác gò bó. Từ sau trận thắng U-23 Brunei, HLV Goetz cũng không còn những cơn thịnh nộ như trước. Điều này giúp không khí trong đội bóng không còn nặng nề”.

SĨ HUYÊN

(Báo Tuổi trẻ, ngày 17.11.2011)

 

U-23 INDONESIA QUYẾT GIÀNH NGÔI ĐẦU BẢNG

Đó là tuyên bố của HLV Rahmad Darmawan (Indonesia) trước trận U-23 Indonesia - U-23 Malaysia diễn ra lúc 19g ngày 17-11 (VTV3 THTT). Dù đã đoạt vé vào bán kết nhưng HLV Rahmad Darmawan vẫn tuyên bố sẽ tung ra đội hình mạnh nhất để chiến thắng.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Darmawan nói: “U-23 Indonesia sẽ tiếp tục chơi với đội hình cũ. Đây là một trong những trận đấu mà chúng tôi phải giành trọn điểm. Tôi đã nghiên cứu rất nhiều về Malaysia, họ là đội được tổ chức tốt và có nhiều cầu thủ chất lượng. Điều này đồng nghĩa là chúng tôi phải chơi có kỷ luật hơn và không được để mất bóng nhiều”.

Hiện Indonesia đang dẫn đầu bảng A với 9 điểm, Malaysia xếp thứ hai với 7 điểm (hiệu số +4) và Singapore hạng ba với 4 điểm (-1). Với khoảng cách đó, Indonesia cần ít nhất 1 điểm trước Malaysia mới đảm bảo ngôi đầu bảng. Trái lại, Malaysia phải có thêm ít nhất 1 điểm mới chắc chắn giành vé vào bán kết.

Trong trường hợp Malaysia thất bại trước Indonesia và Singapore thắng đậm Thái Lan với cách biệt bốn bàn trở lên, Singapore sẽ lọt qua khe cửa hẹp để vào vòng trong. HLV Ong Kim Swee (Malaysia) nói với tờ The Star: “Trận gặp U-23 Indonesia là cơ hội tốt để chúng tôi chứng minh mình là nhà vô địch. Nếu vượt qua Indonesia, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội đi đến trận chung kết”.

B.N.

(Báo Tuổi trẻ, ngày 17.11.2011)

“TẤM LÒNG NGƯỜI HÂM MỘ LÀ HCV VỚI TÔI”

Đó là tâm sự của VĐV điền kinh 21 tuổi quê Thanh Hóa Nguyễn Thị Phương trước những lời khen ngợi của bạn đọc báo Tuổi Trẻ sau khi cô bị té ngã nhưng vẫn cố lết và nhoài người chạm đích để đoạt HCB nội dung 3.000m chạy vượt chướng ngại vật với thành tích 10’4”42.

 ĐỌC BÁO NGÀY 17.11.2011 - 2

Phương đọc bài viết về mình trên Tuổi Trẻ Online - Ảnh T.P.

Trong hai ngày 15 và 16-11 đã có 154 phản hồi của độc giả Tuổi Trẻ ngợi khen ý chí thi đấu của VĐV Nguyễn Thị Phương.

* Vì sao Phương lại chọn nội dung vượt chướng ngại vật?

- Ban đầu, tôi chạy các cự ly trung bình. Tại Giải trẻ VĐQG 2008, không hiểu sao HLV lại đăng ký thêm cho tôi chạy 2.000m vượt chướng ngại vật. Vậy mà tôi đoạt HCB. Sau đó, tôi lại cảm thấy thích môn này nên chuyển hẳn sang và đã có ba chức VĐQG chạy 3.000m vượt chướng ngại vật liên tiếp từ năm 2009-2011.

* Chỉ tiêu đặt ra cho Phương trước SEA Games 26 là gì?

- Đây là lần đầu tiên tôi dự SEA Games và nội dung chạy 3.000m vượt chướng ngại vật cũng lần đầu tiên được đưa vào thi đấu nên tôi chỉ biết phải nỗ lực hết mình.

* Diễn biến trên đường chạy thế nào?

- Tôi hoàn toàn “mù” thông tin về đối thủ nên luôn bám VĐV dẫn đầu người Indonesia Rini Budiarti. Ở hơn 200m cuối, tôi tận dụng sở trường vượt rào hố nước để tấn công. Có lúc tôi bỏ xa Rini đến hơn 2m. Nhưng Rini có lợi thế sải chân dài nên đã bắt kịp tôi. Cách đích khoảng 2m, vì quá cố gắng nên tôi đuối sức và té ngã.

* Lúc đó Phương nghĩ gì?

- Đôi chân tôi không còn nghe sự điều khiển của tôi nhưng ý chí mách bảo tôi phải về đích. Tôi cố nhoài người mấy lần để chạm đích (VĐV chỉ được tính về đích khi có đầu, ngực hoặc chân chạm đích) rồi ngã ra vì choáng, kiệt sức.

* Phương có bị thương không?

- Tôi chỉ bị sây sát nhẹ ở tay nhưng bây giờ đã lành.

* Cảm giác một thất bại như thế có đau không?

- Tôi đã khóc vì tiếc nuối chiếc HCV tưởng trong tầm tay. Công bằng mà nói Rini nhỉnh hơn tôi. Nhưng nếu có kinh nghiệm nhiều hơn, tôi đã không tấn công sớm và cơ hội đoạt HCV sẽ cao hơn. Tuy nhiên, tôi hài lòng với bản thân bởi thành tích này đã hơn đến 10 giây so với khi tôi đoạt HCĐ Giải vô địch châu Á (10’14’’98) hồi tháng 7 tại Nhật.

* Phương khắc phục bất lợi thể hình của mình như thế nào?

- Chiều cao 1,58m là bất lợi bởi các đối thủ của tôi hầu hết đều cao xấp xỉ 1,7m. Điều này giúp họ có sải chân dài hơn và có lợi thế lớn khi vượt rào. Vì vậy, tôi đã tập luyện rất nhiều về sở trường vượt rào hố nước để có thể chiến thắng các đối thủ.

* Bây giờ Phương cảm thấy thế nào?

- Tôi đã cố hết sức nên không có gì phải hối tiếc. Thất bại này sẽ là bài học kinh nghiệm cho tôi.

* Phương nghĩ gì trước tấm lòng người hâm mộ?

- Sau khi đọc những phản hồi trên Tuổi Trẻ Online, tôi rất bất ngờ trước tấm lòng người hâm mộ dành cho mình. Những lời khen ngợi, động viên từ quê nhà chính là chiếc HCV ý nghĩa nhất đối với tôi.

TẤN PHÚC

(Báo Tuổi trẻ, ngày 17.11.2011)

 

BẢNG XẾP HẠNG HUY CHƯƠNG 

tính đến 22 giờ ngày 16.11.2011

 

STT

QUỐC GIA

VÀNG

BẠC

ĐỒNG

TỔNG CỘNG

1

Indonesia

87

66

69

222

2

Việt Nam

56

52

60

168

3

Thái Lan

52

41

60

153

4

Singapore

29

32

46

107

5

Malaysia

27

24

44

95

6

Philippines

16

28

34

78

7

Lào

5

3

19

27

8

Campuchia

3

9

11

23

9

Myanmar

1

12

16

29

10

Brunei

0

1

6

7

11

Đông Timor

0

0

1

1

                     (Báo Thanh Niên, ngày 17.11.2011)

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT