Biển Vũng Tàu sóng to, lực lượng chức năng cảnh báo du khách khi tắm biển
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, độ cao sóng từ 2 – 3 m.
Sóng to vẫn không ngăn được du khách tắm biển Vũng Tàu.
Chiều 18/7, nhiều tỉnh, thành khu vực Nam Bộ tiếp tục xuất hiện mưa kéo dài từ khoảng 14h30 đến 17h vẫn chưa tạnh. Tại thành phố biển Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tiếp tục có mưa như những ngày trước nhưng sóng biển nhiều hơn.
Dọc theo các bãi tắm của Bãi Trước và Bãi Sau của TP Vũng Tàu đều có sóng khá to. Lực lượng làm nhiệm vụ ở các bãi tắm liên tục tuýt còi cảnh báo và kêu gọi du khách vào tắm tại những khu vực an toàn vì biển động.Sóng to nhưng du khách vẫn ùn ùn tắm biển Vũng Tàu chiều 18/7. Ảnh: Duy Khang.
Bất chấp gió lạnh và mưa rả rích, hàng nghìn du khách và người dân địa phương vẫn lao ra biển tắm. Nhiều trẻ em được cha mẹ đưa ra bãi biển chơi bóng, đắp mô cát… khi nước biển rút xa, tạo ra một bãi cát vàng mịn rộng lớn.
Thủy triều xuống cũng giúp du khách đi ra được Hòn Bà khi con đường đá nối liền từ bãi biển ra đảo lộ ra. Để vượt qua bãi đá gập ghềnh này trong khoảng thời gian khoảng 20 phút, du khách phải đặc biệt cẩn thận để tránh bị sảy chân hay trầy xước bởi những vỏ hàu bám vào đá.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trưa cùng ngày xuất hiện dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực giữa Biển Đông nối với vùng áp thấp trên khu vực miền trung Philippin. Lúc 13h có vị trí ở khoảng độ 12,5-13,5 độ Vĩ Bắc, 121,5-122,5 độ Kinh Đông. Khu vực vịnh Bắc Bộ, Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vịnh Thái Lan có mưa rào và dông.Trẻ em được cha mẹ cho chơi cát vì biển sóng to. Ảnh: Duy Khang.
Dự báo đêm 18 và ngày 19/7, vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm phía Tây quần đảo Trường Sa), gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng có độ cao 2 – 3 m.
Ngoài ra, đêm 18 và ngày 19/7, khu vực Bắc, giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.Bãi Trước của TP Vũng Tàu chiều 18/7, khi nhiều du khách đã lên bờ. Ảnh: Duy Khang.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo đêm 19 và ngày 20/7, vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2 – 3 m, biển động. Vùng áp thấp có khả năng di chuyển vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp phân tích trên nên tình hình gió mạnh và sóng lớn trên biển còn kéo dài trong những ngày tới. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển là cấp 2, dự báo toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.