1,8 triệu khách từ TP.HCM du lịch miền Tây trong năm 2022

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong năm 2022, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành TP.HCM đã đưa 1,8 triệu lượt du khách từ thành phố đến tham quan, du lịch miền Tây.

Tại Hội nghị Tổng kết chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 tổ chức tại An Giang hôm nay, 16/12, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, đánh giá chương trình liên kết đã tạo ra nhiều tuyến điểm, kết nối du lịch hiệu quả.

Qua 3 năm triển khai, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long đã từng bước tạo nên hiệu ứng lan tỏa và mang đến nhiều kết quả tích cực.

Trong giai đoạn đầu 2020-2021, chương trình tạo ra 3 sản phẩm ấn tượng, là "Những nẻo đường phù sa" kết nối TP.HCM - Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; "Non nước hữu tình" TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh và tuyến du lịch "Sắc màu vùng biên" TP.HCM - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang.

1,8 triệu khách từ TP.HCM du lịch miền Tây trong năm 2022 - 1

Có lợi thế, tiềm năng du lịch, nhưng các sản phẩm du lịch của nhiều tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá trùng lắp, chưa tạo ra bản sắc riêng biệt. Ảnh: DL

Từ 3 trục tuyến này, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã xây dựng 70 chương trình tour.

Riêng trong năm 2022, 100 doanh nghiệp du lịch, lữ hành TP.HCM đã đưa 1,8 triệu lượt du khách đến miền Tây. Khách du lịch đến Đồng bằng sông Cửu Long để trải nghiệm văn hóa, sông nước miệt vườn và thưởng thức ẩm thực Nam Bộ.

Số liệu được các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long đưa ra tại Hội nghị cho thấy năm 2022, khu vực này đón trên 44 triệu lượt, tăng đến 201,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó khách lưu trú gần 12 triệu lượt khách, tăng 138,9% với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu du lịch đến cuối năm 2022 ước đạt 33.977 tỷ đồng - tăng 216,9% so với năm 2021.

Chia sẻ tại Hội nghị, các doanh nghiệp du lịch lữ hành, cho rằng để phát triển du lịch bền vững, các địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long cần tạo mối liên kết giữa các địa phương, đa dạng các sản phẩm du lịch, nhất là đầu tư sâu các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, hình thành các sản phẩm di sản miền Tây, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng để phục vụ, thu hút khách... 

Ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thừa nhận 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch, nhưng mô hình làm du lịch ở các địa phương trùng lặp, chưa có nét đặc sắc của riêng từng địa phương. Ông cho rằng cần cải thiện hạ tầng du lịch, đào tạo kỹ năng mềm, tạo các sản phẩm đặc trưng theo hướng đa trải nghiệm... để hút khách đến khu vực này.

Theo ông Thư, trong năm 2023, mỗi tỉnh, thành miền Tây sẽ chắt lọc, đề xuất 5 điểm du lịch đặc trưng, để hội đồng chuyên gia du lịch lựa chọn, đánh giá lại tính hiệu quả, đưa vào xúc tiến, quảng bá trong giai đoạn mới.

Hiện nay, sau 9 tháng khôi phục các hoạt động du lịch, nhưng thị trường khách nội địa vẫn là thị trường trọng điểm, chiếm đến 2/3 số du khách đến TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Lượng khách nội địa TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long đón đến nay khoảng 45 triệu, chiếm khoảng 46% khách du lịch nội địa của cả nước.

Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định liên kết giữa TP.HCM với đồng bằng sông Cửu Long đã mang lại hiệu quả thực tế, góp phần phục hồi hoạt động du lịch và tăng trưởng kinh tế của đất nước sau đại dịch.

Bà Thắng cho biết các dự báo mới nhất của các tổ chức du lịch quốc tế và các đơn vị tư vấn nhận định du lịch thế giới có khả năng đạt được mức tăng trưởng như năm 2019 vào năm 2024, sớm hơn 1 năm so với các dự báo cũ.

Với dự báo này, du lịch TP.HCM và các tỉnh miền Tây đang đứng trước cơ hội để tăng tốc phát triển, nhưng cũng đứng trước thách thức không nhỏ so với các điểm đến khác. Trong thời gian tới, TP.HCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác, nhất là tập trung, tăng cường xây dựng các sản phẩm liên tuyến giữa TP.HCM và khu vực. Tuy nhiên, các sản phẩm phải mới mẻ, đặc sắc hơn, hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó là tăng cường quảng bá thương hiệu du lịch vùng, liên kết xúc tiến mời gọi đầu tư du lịch vào TP.HCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, cũng như kết nối giao thương giữa doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

H.Lâm

CLIP HOT