16 ngày người Sài Gòn căng mình chống dịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Từ ngày 18/5, khi TP.HCM phát hiện chuỗi lây nhiễm tại một công ty ở quận 3 đến nay, người Sài Gòn đã trải qua 16 ngày chống dịch.

16 ngày người Sài Gòn căng mình chống dịch - 1

Xét nghiệm cho những người có liên quan đến bệnh nhân COVID-19

Tuy số bệnh nhân vẫn tăng lên hàng ngày, nhưng người dân luôn tin tưởng và đồng lòng cùng chính quyền thực hiện các giải pháp mạnh mẽ để nhanh chóng dập dịch, đưa Thành phố trở lại nhịp sống bình thường.

Nửa tháng, 3 chuỗi lây nhiễm

Từ ngày 18/5, chỉ trong gần nửa tháng, TP.HCM đã phát hiện 3 chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, và phát hiện cả 2 biến chủng lần đầu xuất hiện tại Thành phố là biến chủng Anh và biến chủng Ấn Độ. Trong đó 2 chuỗi lây nhiễm ở trong công ty quận 3 và tại quán bánh canh quận 3 đã giới hạn số ca mắc và hiện không phát hiện thêm người nhiễm từ các chuỗi này (tính đến 2/6).

Riêng chuỗi lây nhiễm liên quan Hội truyền giáo Phục Hưng có mức độ lây lan mạnh do các đặc thù sinh hoạt và điều kiện làm việc của các F0, F1, F2. Đáng lưu ý là sự xuất hiện các chuỗi mới xuất phát từ 1 bệnh nhân trong Hội thánh được ghi nhận tại các tòa nhà văn phòng với tỷ lệ lây nhiễm rất cao, ví dụ điển hình là Công ty Thiên Phú FN. Bên cạnh đó nhóm bệnh nhân làm việc trong lĩnh vực dịch vụ đã làm cho chuỗi lây nhiễm này phát triển diện rộng theo sự di chuyển của các bệnh nhân.

Trong chuỗi lây nhiễm này có 3 ca bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp và hiện chưa phát hiện lây nhiễm trong khu vực này. Sự kiện bầu cử đã được tổ chức an toàn ở tất cả các cấp. Đến 2/6, chưa phát hiện trường hợp nhiễm nào từ các tổ bầu cử hoặc sự kiện bầu cử dù đã qua 7 ngày (đây là khoảng thời gian đủ để lây truyền qua 1 chu kỳ).

16 ngày người Sài Gòn căng mình chống dịch - 2

Rút kinh nghiệm các trường hợp vừa qua, hiện nay bệnh viện nào cũng được phân luồng chặt chẽ, giám sát ngay từ cổng, rất ít trường hợp lọt sâu vào cơ sở y tế. Đến ngày 2/6 cũng chưa phát hiện bất kỳ trường hợp lây lan nào trong bệnh viện. Nơi công cộng cũng đã được kiểm soát, giãn cách, nên cũng hạn chế lịch trình di chuyển của bệnh nhân, hạn chế việc lây lan tại những nơi này.

Về số liệu ca bệnh, tính từ 18g ngày 2/6 đến 6g sáng ngày hôm nay (3/6), Thành phố ghi nhận thêm 18 trường hợp nghi nhiễm mới. Trong 18 trường hợp ghi nhiễm có 17 trường hợp đều là F1 của các bệnh nhân liên quan đến Hội truyền giáo Phục Hưng, đã được cách ly từ trước. Còn 1 trường hợp là nhân viên y tế Bệnh viện Nam Sài Gòn tại huyện Bình Chánh. Trường hợp này đang tiếp tục điều tra, xác minh.

Như vậy đến sáng nay (3/6) số bệnh nhân liên quan đến Hội thánh này đã là 265 trường hợp. Chuỗi lây nhiễm liên quan đến quán bánh canh ở quận 3 đã có 7 bệnh nhân. Phát hiện 1 nhân viên y tế nghi nhiễm đang được điều tra tiếp.

Mất mùi: dấu hiệu phát hiện người mắc COVID-19 hiệu quả

Mất mùi (hay mất khứu giác) nổi lên như là chỉ số được báo cáo sớm nhất và phổ biến liên quan đến loại virus này. Đồng thời đây là dấu hiệu để phát hiện người mắc COVID-19 hiệu quả hơn so với các triệu chứng như sốt và ho.

Mất khứu giác hoặc vị giác đột ngột có liên quan đến COVID-19, ngay cả khi không có các triệu chứng khác như sốt và ho dai dẳng. Tình trạng mất khứu giác đối với đa số bệnh nhân nhiễm bệnh có xu hướng diễn ra trong thời gian ngắn (thường dưới 2 tuần) và phục hồi nhanh chóng (trong vòng 10 ngày), mặc dù ở một số bệnh nhân, nó có thể tồn tại lâu hơn, thậm chí không thể phục hồi - đặc biệt với COVID-19 kéo dài.

16 ngày người Sài Gòn căng mình chống dịch - 3

Không giống như trong các trường hợp cảm lạnh và một số trường hợp cúm mà nguyên nhân mất khứu giác có xu hướng liên quan đến nghẹt mũi (nghẹt mũi do tích tụ chất nhầy), trong COVID-19 mất khứu giác đột ngột có thể liên quan trực tiếp đến nhiễm trùng SARS-CoV-2 trong biểu mô mũi và các tế bào thần kinh khứu giác mà không có bất kỳ tắc nghẽn nào. Do đó, những người bị mất khứu giác đột ngột nên được nghi ngờ là dương tính với COVID-19, cần làm xét nghiệm để xác nhận và bắt đầu cách ly, tự cách ly ngay lập tức.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mất khứu giác và vị giác trong COVID-19 phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi so với những bệnh nhân lớn tuổi và không có sự khác biệt lớn giữa nam và nữ, mặc dù một số nghiên cứu cho thấy những phụ nữ trẻ có chỉ số BMI cao hơn thì nguy cơ càng cao.

Có thể dịch bệnh đã âm thầm lây lan

Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, nếu truy vết quyết liệt và cách ly tập trung tất cả các tiếp xúc gần thì sẽ tiếp tục phát hiện ca bệnh trong thời gian sắp tới, nhưng đã được cách ly tập trung, hạn chế lây lan tiếp theo trong cộng đồng. Tuy nhiên, thành phố có thể xuất hiện những ca bệnh không rõ nguồn gốc trong cộng đồng, do dịch bệnh đã âm thầm lây lan.

Do đó người dân tuyệt đối không được chủ quan, luôn tuân thủ các biện pháp phòng dịch bệnh theo 5K. Bên cạnh đó cũng không hoang mang, lo lắng, theo dõi và thực hiện theo đúng quyết định của chính quyền, khuyến cáo của Ngành Y tế.

Các cơ quan, đơn vị cần nâng cao khả năng “phòng thủ”, tổ chức làm việc, sản xuất an toàn, không để virus có cơ hội lây lan tại đơn vị. Ngành y tế chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

T.S

CLIP HOT