CHỦ TỊCH GOOGLE: 6 TIÊN ĐOÁN VỀ TƯƠNG LAI KỸ THUẬT SỐ!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Cuốn sách mới của Chủ tịch Google không chỉ nói về công nghệ, mà còn nói về cách con người tương tác với nhau, cách chúng ta vận dụng, truy xuất và trục lợi công nghệ trong cuộc sống hàng ngày. Công nghệ thông tin làm lợi hay gây hại cho cuộc sống, cho sự tồn vong của trái đất, của loài người là tuỳ thuộc hoàn toàn vào con người

            Ông Eric Schmidt - Chủ tịch Công ty Google, thuộc số người có nhiều trăn trở về tương lai kỹ thuật số của loài người. Đây là điều không có gì ngạc nhiên khi người điều hành cỗ máy tìm kiếm thông tin lớn nhất thế giới và lèo lái một công ty có đóng góp đáng kể trong việc định hình cuộc sống của con người trong thế kỷ 21, từ cách chúng ta truy tìm thông tin đến cách chúng ta dùng điện thoại, từ “xe hơi không người lái” đến “mắt kính lai máy tính”.

CHỦ TỊCH GOOGLE: 6 TIÊN ĐOÁN VỀ TƯƠNG LAI KỸ THUẬT SỐ! - 1

Chính vai trò quan trọng của Schmidt trong xã hội thông tin đã khiến cuốn sách mới The New Digital Age: Reshaping the Future of People, Nations and Business của ông được rất nhiều người chờ đón ngay từ khi nghe tin về nó. Cuốn sách được viết với sự cộng tác của Ông Jared Cohen - Cựu Cố vấn chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện cầm đầu bộ phận ý tưởng Google Ideas của Google (Google Ideas giữ trọng trách định hướng chiến lược của công ty). Trong cuốn sách mới, các tác giả đã đặt câu hỏi “Thế giới loài người sẽ ra sao khi tất cả chúng ta đều được kết nối kỹ thuật số?”, và cố tìm câu trả lời (Schmidt tin rằng “thế giới phẳng kỹ thuật số” sẽ hình thành vào cuối thập niên này). “Khi thế giới đã trở thành “mạng toàn cầu” (universal Web), thì không thể tránh khỏi việc chúng ta sẽ bị điều khiển bởi công nghệ do chính chúng ta tạo ra. Nhưng không phải là loài người bị thống trị bởi các robot nổi loạn như một số người lo sợ mà số phận của chúng ta sẽ được định đoạt bởi chính chúng ta. Con người sẽ tự định hình thế giới của mình. Thế giới tốt lên hay xấu thêm là tuỳ cách làm của chúng ta. Làm đúng sẽ là phúc, làm sai sẽ là đại họa” – Smitch viết. Cuốn sách mới của Chủ tịch Google không chỉ nói về công nghệ mà còn nói về cách con người tương tác với nhau, cách chúng ta vận dụng, truy xuất và trục lợi công nghệ trong cuộc sống hàng ngày. Công nghệ thông tin làm lợi hay gây hại cho cuộc sống, cho sự tồn vong của trái đất, của loài người là tuỳ thuộc hoàn toàn vào con người. “Hãy quên đi việc thế giới bị máy móc chiếm hữu, mà chính con người phải nhận trách nhiệm về tương lai của mình. Thế giới ra sao trong tương lai là tuỳ vào sự chọn lựa của con người trong hiện tại”- Cohen nói. Dựa vào lập luận này, Schmidt và Cohen đã đưa ra 6 tiên đoán cho tương lai của internet.

CHỦ TỊCH GOOGLE: 6 TIÊN ĐOÁN VỀ TƯƠNG LAI KỸ THUẬT SỐ! - 2

1. Các lớp học về sự riêng tư sẽ được mở song hành với các lớp học về quan hệ giới tính

Các bậc cha mẹ phải hiểu rõ thế giới mạng nếu họ không muốn con cái phạm sai lầm trên internet, gây tác động xấu đến sự phát triển của chúng trong tương lai. “Khi trẻ em trưởng thành trên internet nhanh hơn cả sự trưởng thành thể lý và tâm lý của chúng, thì cha mẹ phải nhận thức được rằng cách tốt nhất để giúp trẻ là phải thảo luận với chúng về giá trị của sự riêng tư trước khi đưa ra các lời khuyên về tình dục” - cuốn sách viết. Thậm chí có bậc cha mẹ còn tìm những cái tên không đụng hàng đặt cho con để chúng dễ tìm thấy mình trên mạng và không bị sự cạnh tranh của người khác.

CHỦ TỊCH GOOGLE: 6 TIÊN ĐOÁN VỀ TƯƠNG LAI KỸ THUẬT SỐ! - 3

Ông Jared Cohen

2. Sự phổ biến của các công cụ cơ động có nghĩa là cả thế giới sẽ kết nối ảo với nhau vào năm 2020

“Cái mà một số người xem là bước nhảy nhỏ-giống như smartphone xuống giá chỉ còn dưới 20 USD-lại là bước nhảy lớn đối với nhiều người. Ngược lại, bước nhảy lớn “xe hơi không người lái” đối với các môn đệ xe hơi chỉ là chuyện xa lạ đối với số đông” – Smitch nhận định. Thực tế cho thấy, điện thoại di động đã làm thay đổi cách dân chúng tại các nước đang phát triển tiếp cận và sử dụng thông tin. Số người được hưởng sự thay đổi mang tính cách mạng này ngày càng đông. Thống kê cho thấy hiện đã có hơn 650 triệu người dùng điện thoại di động ở châu Phi, 3 tỷ tại châu Á. Số người dùng smartphone giá rẻ tăng chóng mặt. Cuốn sách đưa ra một số dẫn chứng về cách điện thoại di động làm thay đổi cuộc sống của con người. Ví dụ, các ngư dân Congo không còn sợ cá ươn trên đoạn đường dài mang ra chợ, mà họ dùng điện thoại gọi thẳng cho người mua đến nhận cá từ bè cá trên hồ.

CHỦ TỊCH GOOGLE: 6 TIÊN ĐOÁN VỀ TƯƠNG LAI KỸ THUẬT SỐ! - 4

3. Cách làm báo cũ phải thay đổi

Các công ty thông tấn báo chí, nhất là báo in sẽ thấy mình bị loại dần khỏi lĩnh vực “tin nhanh” khi họ không thể đuổi kịp các trang web hay mạng xã hội, blog công dân về độ nhanh nhạy của tin tức. Khi xảy ra một sự kiện hay biến cố “nóng”, bao giờ báo in cũng chậm chân một bước so với Twitter, Facebook và các trang web tin tức khác. “Thế hệ tương lai sẽ sản xuất và tiêu thụ nhiều thông tin hơn thế hệ trước và họ không đủ kiên nhẫn để trung thành với những tờ báo luôn đi sau người khác – cuốn sách viết - Báo in và báo chí truyền thống vẫn tồn tại như “phần không thể thiếu” của xã hội thông tin, nhưng nó không thể sống sót với hình thức như hiện nay mà phải có sự thay đổi. Vấn đề là thay đổi và điều chỉnh thế nào về cơ cấu và mục tiêu, hướng đi để “người đọc của tương lai” chấp nhận được.

4. Thời của “lưu trữ đám mây”

Dịch vụ “lưu trữ đám mây trên mạng” (online cloud data storage) sẽ tiếp tục phát triển và làm thay đổi kịch tính cách con người lưu giữ các thứ riêng tư cũng như cách chia sẻ sự riêng tư với người khác. “Có một lượng dữ liệu riêng tư khổng lồ lưu trữ trên đám mây. Nguy cơ chúng bị phát tán là điều có thật trong thế giới mạng. Có thể là do sai lầm của chủ nhân hay do sự can thiệp của bọn tội phạm. Nhưng rõ ràng, những gì chúng ta đưa lên mạng như hình ảnh, bài viết và những gì chúng ta truy cập sẽ có lúc quay lại chống chúng ta. Chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm trên internet; cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Nguy cơ càng cao khi phạm vi kết nối càng lớn. Sức lan toả cũng nhanh hơn cả ở bề rộng lẫn chiều sâu” – cuốn sách viết và khuyến cáo: “Không nên đưa lên web những gì có thể chống lại bạn tại toà hay sẽ được báo chí khai thác để làm nhục bạn. Hãy cẩn thận khi nói và viết trên mạng, nhưng cũng cần thận trọng khi truy cập, nhấn “like”, “comment” hay “share” vì chúng sẽ để lại dấu vết và chống lại bạn sau này”.

CHỦ TỊCH GOOGLE: 6 TIÊN ĐOÁN VỀ TƯƠNG LAI KỸ THUẬT SỐ! - 5

5. Cơ hội của những kẻ bất mãn

Khi mạng toàn cầu lan rộng, khi không có thể che giấu những thông tin trước đây vẫn che giấu được, sự chống đối sẽ dễ nổ ra hơn trước rất nhiều. “Chưa bao giờ cơ hội mở ra lớn như vậy cho những phần tử bất mãn tại nhiều nước. Lực đẩy và hỗ trợ cho họ chính là internet. Thông tin từ không gian ảo và sự có sẵn của các công cụ truyền, nhận thông tin di động đã đưa nhiều người trẻ vào trò chơi chính trị. Hệ quả là số người trẻ bị bắt giữ trong các phong trào chống chính phủ, chống xã hội hay phản kháng công dân ngày càng tăng. Thậm chí, họ là những “tay chơi chính” của không gian ảo, bị choáng ngợp trong một môi trường tự do mới và bị kích động bởi tính háo thắng” – cuốn sách viết.

6. Môi trường và cơ hội cho khủng bố

Sẽ có nhiều người hơn dùng công nghệ thông tin, trang web và công cụ cơ động vào hoạt động khủng bố. Từ khi Web ra đời, các tổ chức khủng bố đã tìm thấy ở đây một môi trường quá tiện lợi để tuyển dụng, tuyên truyền, liên lạc và cả…chế tạo bom. “Đa số môn đệ mạng thuộc giới trẻ và sống thành phố, nơi họ có đủ phương tiện và mục tiêu để chơi trò khủng bố. Internet đã mở rộng cánh cửa cho thuộc tính này bộc lộ và phát triển – cuốn sách viết – Nhưng do quá lệ thuộc vào Net, đồng thời chịu sự theo dõi vô tình hay cố ý của các công cụ nghe nhìn như camera và smartphone, nên thế hệ khủng bố mới của thời đại digital cũng dễ để lại dấu vết và dễ bị truy bắt hơn. Công nghệ thông tin chính là “con dao hai lưỡi” đối với chúng”.

L.X

 (Theo Business Week và Wired 5.2013)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT