Du lịch dịp lễ: Làm sao có chuyến đi biển tuyệt vời, ra đảo an toàn?

Trong dịp lễ 30/4 và 1/5, nhiều người chọn đi du lịch biển hoặc ra đảo. Tuy nhiên, để hành trình này tuyệt vời và an toàn thì mọi người cần lưu ý những vấn đề này?

Kết hợp với cắm trại, ngủ qua đêm

Đã khám phá hơn 30 tỉnh thành ở Việt Nam, Lữ Duy Tường (26 tuổi), hiện đang sống ở Q.7, TP.HCM, cho hay trong những dịp lễ, tết, anh hay vui chơi ở những bãi biển hoang sơ kết hợp với cắm trại, ngủ qua đêm ở một số địa điểm như: Hồ Cốc, Hồ Tràm (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), bãi biển Tân Thành (tỉnh Tiền Giang), Cần Giờ (TP.HCM), làng chài Mũi Né (tỉnh Bình Thuận)…

"Hành trình đi biển của mình luôn có nhiều bức ảnh đẹp như: bình minh rực rỡ, hoàng hôn thì tím cả góc trời, ban ngày thì biển xanh bất tận. Mình luôn ngủ ngon giấc bên tiếng sóng biển rì rào", Tường nói thêm.

du lich dip le: lam sao co chuyen di bien tuyet voi, ra dao an toan? - 1

Người trẻ đi biển có xu hướng kết hợp với cắm trại Ảnh: Duy Tường

Tuy nhiên, để chuyến du lịch biển hiệu quả, "thu hoạch" được nhiều ảnh đẹp thì chàng trai 26 tuổi này chia sẻ nên xem trước thời tiết hôm đó có đẹp, trời trong và có quang mây tạnh hay không. Nếu trùng dịp hôm trăng sáng thì tuyệt vời hơn và luôn có người đi cùng.

“Dù đi du lịch ở đâu mình luôn tính toán và lên một lịch trình cụ thể, khoa học. Từ đó, mình sẽ bám theo lịch trình suốt chuyến đi, gặp tình huống phát sinh thì tuỳ cơ ứng biến. Về hậu cần, mình phân công cho thành viên để phụ chuẩn bị từ lều trại, đồ ăn, thức uống đến cách di chuyển trên đường”, Tường nói.

du lich dip le: lam sao co chuyen di bien tuyet voi, ra dao an toan? - 2

Duy Tường trải nghiệm vùng biển Vĩnh Hy (Ninh Thuận) Ảnh: Duy Tường

Khi cắm trại, Tường luôn tìm bãi cắm sạch, không gian rộng rãi và thoáng đãng. Xác định được hướng mặt trời mọc và lặn để chọn hướng cho phía cửa lều, nếu không tự định vị được thì có thể dùng la bàn hỗ trợ.

“Cần canh giờ thuỷ triều lên xuống để đảm bảo lều không bị ngập nước biển lúc đang ngủ say vì nước biển lên kèm sóng lớn có thể bị cuốn trôi cả người, lều và tất cả đồ đạc”, Tường cảnh báo.

Tường còn chia sẻ, vì bãi cát ở biển thường rất mềm và xốp nên cần cắm cọc lều thật sâu và chèn thêm đá cho chắc chắn nhất để không bị gió biển làm bay lều hoặc làm hỏng lều.

“Hôm nào trời gió mạnh mình sẽ dựng lều len lỏi trong những hàng cây dương hoặc nấp sau các tảng đá lớn, các góc khuất gió để nhóm mình có thể sinh hoạt thuận lợi hơn. Cần lưu ý côn trùng như: bọ, kiến ẩn mình phía dưới lớp lá rụng vì chúng có thể tấn công. Nếu chọn cắm trại ở các bãi tắm dân sinh thì cần trang bị khoá xe cẩn thận, chuẩn bị đồ ăn, nước uống, dụng cụ, lều trại đầy đủ để có được chuyến đi an toàn và thuận lợi”, Tường nhấn mạnh.

Không đốt lửa trại vì có thể gây cháy rừng

Là người khám phá 63 tình thành ở Việt Nam, anh Nguyễn Thanh Tuấn (35 tuổi), ngụ Q.12, TP.HCM, cho hay từ cuối tháng 10 đến hết tháng 4 là thời gian thuận lợi để tham quan, du lịch đến các hòn đảo vùng Tây Nam Bộ hay các đảo nằm trong khu vực Vịnh Thái Lan. Đây là lúc thời tiết đẹp nhất, đa phần nắng đẹp, biển êm trong, với các đảo - quần đảo sau: Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc (tỉnh Cà Mau). Riêng ở tỉnh Kiên Giang, mọi người có thể đến Đảo Phú Quốc; các quần đảo Nam Du, Bà Lụa, Hải Tặc, Thổ Châu, Hòn Nghệ, Hòn Tre, Hòn Sơn… Còn các vùng biển miền Trung bạn nên đi vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 10.

du lich dip le: lam sao co chuyen di bien tuyet voi, ra dao an toan? - 3

Khách nên đặt vé tàu ra đảo sớm nhất có thể. Ảnh: Thanh Tuấn

Tất cả những địa danh kể trên anh Tuấn đều đi qua và luôn có một hành trình thành công, an toàn, có nhiều ảnh đẹp. Chàng trai 35 tuổi cho hay, để đi đảo xa mình lên kế hoạch sớm như việc đặt vé tàu, phòng nghỉ (nếu chuyến đi không tự túc chỗ ngủ), vé dịch vụ tham quan... Và quan trọng nhất là đi biển đúng mùa, đúng thời điểm, xem kỹ thời tiết.

“Đảo Cô Tô, Quan Lạn (Quảng Ninh), quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) là những nơi mình đi dịp lễ 30/4 năm ngoái bị mưa liên tục. Mỗi vùng, mỗi hòn đảo trong năm lại có thời tiết khác nhau. Phải tìm hiểu kỹ để có lựa chọn hợp lý”, anh Tuấn nhấn mạnh.

“Đặt vé tàu ra đảo càng sớm càng tốt, ưu tiên khứ hồi. Mùa du lịch thì các chuyến phà ra đảo thường bị "cháy" vé nên nếu chủ quan sẽ có thể không ra được đảo hoặc phải tốn rất nhiều chi phí để thuê riêng một chiếc tàu dịch vụ. Và cần lần lưu ý giờ tàu chạy (nên đi sớm khoảng 30 phút) để không bị trễ hành trình”, chàng trai 35 tuổi cho biết.

du lich dip le: lam sao co chuyen di bien tuyet voi, ra dao an toan? - 4

Anh Tuấn (bên trái) cùng bạn của mình đi chơi ở đảo Lý Sơn. Ảnh: NVCC

Cũng theo anh Tuấn hầu hết chi phí sinh hoạt ở đảo đều cao hơn đất liền, tuy nhiên có nhiều thứ như: hải sản, giá nhà nghỉ vẫn giữ ở mức giá ổn định.

Anh Tuấn lưu ý, muốn cắm trại ở trên đảo thì phải hỏi xem hòn đảo, hay bãi biển ở đó có được chính quyền cho phép hay không, ví dụ đảo Hải Tặc không được đốt lửa trại vì có thể gây cháy rừng. Với đảo Phú Quý, trước khi cắm trại phải ra UBND xã, xin phép, viết giấy cam kết không được đốt lửa, xả rác hay mở loa ảnh hưởng người dân, cũng như an toàn cho chính mình.

“Ở đảo, mình hay chọn bãi biển hướng đông là nơi hạ trại, để sáng sớm mình thức dậy, có thể ngắm được bình minh. Những nơi đặc biệt ở vùng biển Bình Thuận, một số đảo nhỏ thì cùng một hướng có thể ngắm cả hoàng hôn và bình minh luôn. Bãi biển là tự nhiên, nên trước khi hạ trại, mình luôn dành 30 phút đến 1 giờ để dọn rác sạch sẽ, hỏi thăm người dân mức thủy triều dâng cao nhất và sẵn tiện xin phép hoặc thuê bãi nếu là bãi biển tư nhân”, chàng trai 35 tuổi chia sẻ.

du lich dip le: lam sao co chuyen di bien tuyet voi, ra dao an toan? - 5

Cắm trại ở một số đảo cần phải xin phép chính quyền địa phương. Ảnh: Thanh Tuấn

Anh Tuấn cho biết ở đảo mặc dù trời đã tối nhưng xe máy còn cả chìa khóa, để dọc 2 bên đường. Người dân đảo luôn rất thân thiện, mến khách nhất là các đảo miền Trung, nhiều hàng quán, hay tiệm tạp hóa, không bao giờ thấy khách du lịch mà bán giá cao hơn.

“Nếu như cắm trại thì chọn bãi biển sạch sẽ, yên tĩnh nhưng không quá xa để tiện mua thức ăn nước uống. Vị trí cũng không nên cheo leo, khó di chuyển, vì lỡ có mưa gió thất thường thì dễ gặp nguy hiểm. Có nhiều đảo du lịch chưa phát triển, vào buổi chiều tối rất ít hàng quán mở cửa, người dân ngủ sớm, vì vậy, phải đi dạo một vòng từ sớm để mua thức ăn”, anh Tuấn nói thêm.

du lich dip le: lam sao co chuyen di bien tuyet voi, ra dao an toan? - 6

Anh Tuấn trải nghiệm bắt nhum biển ở đảo Thổ Chu. Ảnh: NVCC

Cẩn thận tư trang, bị “chặt chém” giá khi đi biển

Anh Võ Văn Điệu (31 tuổi), chuyên làm hướng dẫn viên du lịch biển, đảo ở Phú Yên cho hay dịp hè và lễ thì những nhà hàng hay quán ăn rất đông. Du khách nên tranh thủ đi sớm và tránh những khung giờ cao điểm. Đồng thời, quần áo đi biển, không chỉ đẹp để chụp ảnh mà còn phải thoải mái và thấm hút tốt. Ngoài ra khách nên trang bị thêm phụ kiện như: nón, giày dép, kem chống nắng, dưỡng da, dưỡng ẩm…

“Những vùng biển có biển cảnh báo thì hạn chế tắm. Tốt nhất là tắm ở những nơi đông người trong khu thời gian từ 6 đến 8 giờ và từ 16 giờ tới 17 giờ 30, và nhớ trang bị áo phao. Đồ đạc tư trang cần để gần khu vực tắm mình tiện quan sát.  Không nên để tài sản trong xe ô tô hoặc cốp xe máy khi đi tắm (dễ bị kẻ gian cạy cốp hoặc phá kính để cướp tài sản). Về ăn uống, khách nên hỏi kỹ giá và kiểm tra món chế biến trước để tránh nhầm lẫn và đôi bên cãi nhau”, anh Điệu cho lời khuyên.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thái Giàu