An toàn cho du khách ở vịnh Hạ Long

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sự việc chìm tàu dẫn đến 5 du khách thiệt mạng tại vịnh Hạ Long - Quảng Ninh vào ngày 3/10 vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn khi đi du lịch, tham quan tại điểm đến này. Qua đây cho thấy, công tác quản lý về an toàn giao thông đường thủy, điểm đỗ tàu thuyền ở các điểm tham quan vẫn còn lỏng lẻo.

An toàn cho du khách ở vịnh Hạ Long - 1

An toàn đường thủy trên Vịnh Hạ Long đang là vấn đề được dư luận quan tâm

Hai sự cố giật mình!

Trở lại sự việc xảy ra vào hồi 15 giờ 30 phút ngày 3/10, chiếc xuồng mang số hiệu QN 6116 thuộc tàu Paradise 6688 do thuyền trưởng Mạc Văn Dưỡng trực tiếp điều khiển chở 18 du khách Đài Loan (Trung Quốc), đi thăm hang Sửng Sốt trên đường quay lại tàu đã va chạm với tàu Đông Phong 02 số hiệu QN - 1402 và bị lật. Sự việc diễn ra quá bất ngờ khiến 5 hành khách (gồm 4 người lớn và 1 trẻ em) đã thiệt mạng…

Trước đó, dư luận chưa quên vụ đắm tàu Trường Hải thảm khốc xảy ra vào ngày 17/2 khiến 12 du khách thiệt mạng khi tham quan và ngủ đêm ở khu vực đảo Ti-Tốp, vịnh Hạ Long. Nguyên nhân do nhân viên tắt máy tàu, nhưng lại quên không đóng các van ống thông sông nên nước biển ùa vào dẫn đến ngập toàn bộ khoang, làm tàu đắm. Theo quy định của Ban quản lý vịnh Hạ Long thì trước khi các tàu khách rời bến phải có đủ phương tiện cứu hộ, nếu thiếu sẽ không được xuất bến. Tuy nhiên, hầu như các tàu không thực hiện những quy định trên nhưng vẫn được xuất bến khi du khách đã lên tàu.

Theo Sở VHTTDL Quảng Ninh thì hiện nay trên vịnh Hạ Long có gần 500 tàu du lịch đạt tiêu chuẩn tham gia chở khách. Hầu hết những điểm đến tham quan theo lộ trình như hang Sửng Sốt, đảo Ti-Tốp, hang Đầu Gỗ, động Thiên Cung…đều có các bến bãi để đón trả khách khi tham quan. Ông Trịnh Đăng Thanh - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ninh cho biết: “Vụ tai nạn xảy ra ngày 3/10, trách nhiệm trước hết thuộc về thủy thủ đoàn của 2 tàu. Nếu chúng ta tuân thủ đúng với quy định quản lý Nhà nước về giao thông đường thủy thì đã không xảy ra sự việc đáng tiếc dẫn đến thiệt mạng du khách”.

Cũng theo ông Thanh, các cơ quan chức năng như Ban quản lý vịnh Hạ Long, Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên môi trường, Sở VHTTDL... đều có người tham gia trong công tác quản lý. Vì vậy, dựa vào chức năng và thẩm quyền của mỗi đơn vị cần phải theo dõi sát sao để làm rõ trách nhiệm, tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại trên vịnh Hạ Long trong thời gian sớm nhất.

Ẩn họa từ sự thiếu chấp hành pháp luật

Trên thực tế, các điểm dừng chân và lưu trú của tàu du lịch quá tải, thiếu các điều kiện an toàn, luôn tiềm ẩn mất an toàn cho các tàu chở khách du lịch. Do lượng tàu đông mà bến thì chật hẹp nên tàu thuyền ra vào hỗn loạn, liên tục va chạm nhau trong khi đó không có sự phân luồng, hướng dẫn từ xa của các cơ quan chức năng, tai nạn xảy ra ngày 3/10 vừa qua cũng xuất phát từ yếu tố này.

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết mỗi khi tàu vào bến thường không có sự phân luồng từ xa của lực lượng chức năng mà chỉ là các thủy thủ đoàn ra hiệu với nhau.

Bên cạnh đó, vận tải khách du lịch tham quan là nghề kinh doanh dịch vụ đặc biệt, đòi hỏi đội ngũ thuỷ thủ, thuyền viên, nhân viên phục vụ tàu du lịch phải chuyên nghiệp, đặc biệt là khâu cứu hộ, cứu nạn nhưng đa số là nhân viên hợp đồng, không được đào tạo cơ bản, thiếu tự giác chấp hành nội quy, quy định của pháp luật.

Không ít tàu chở khách du lịch đều có áo phao nhưng số lượng không nhiều và được để ở những chỗ nào thì chỉ có thủy thủ đoàn biết?. Không như ở vận chuyển hàng không là trước khi khởi hành du khách được thuyết minh viên hướng dẫn vị trí và cách sử dụng các trang bị cứu hộ, ở các tàu thủy này hầu hết khách tham quan không hề được hướng dẫn cách sử dụng áo phao, vị trí để áo... đề phòng trường hợp nguy hiểm có thể xảy ra.

Anh Nguyễn Văn Sơn – một thủy thủ của tàu Hương Hải cho biết - các tàu du lịch đường thủy không có hệ thống phanh gấp như các phương tiện trên đường bộ mà chỉ có 2 cần gạt tiến – lùi. Chỉ một chút lơ đễnh hoặc lái tàu không có kinh nghiệm thì tai nạn có thể xảy ra, nhẹ thì va chạm với sự chao đảo của tàu, nặng thì đắm tàu.

Được biết, từ đầu năm tới nay, các cơ quan chức năng của Quảng Ninh đã phát hiện, lập biên bản xử lý hơn 323 trường hợp tàu chở khách du lịch với số tiền phạt gần 130 triệu đồng với các lỗi vi phạm về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy như người làm việc trên phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ, giao cho người lái không có bằng thuyền trưởng, không trang bị đầy đủ thiết bị an toàn kỹ thuật của phương tiện. “Hiện nay, để thắt chặt công tác quản lý vi phạm về giao thông đường thủy trên vịnh Hạ Long thì cần phải có một quy chế hoàn chỉnh. Chúng tôi đã cử 2 đồng chí phối hợp với công an và Sở VHTTDL đi tuần tra xử lý các trường hợp vi phạm…” - ông Đặng Mạnh Hà, Chánh Thanh tra Sở GTVT Quảng Ninh cho biết.

Lam Thanh

(Báo Du lịch Việt Nam, Số 41, từ ngày 18/10-24/10/2012)

Điều 5. Quy định đối với phương tiện

Đối với phương tiện lưu trú du lịch, tại điểm b quy định: “Có bảng chỉ dẫn vị trí bố trí, bảng hướng dẫn sử dụng trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường treo ở địa điểm mà hành khách dễ nhìn thấy và dễ hiểu; có bảng hướng dẫn sử dụng áo phao cứu sinh, sử dụng búa để mở hoặc phá cửa thoát hiểm;”

Điều 8. Trách nhiệm của thuyền viên và người lái phương tiện

Về trách nhiệm của thuyền viên và người lái phương tiện tại điểm b quy định: “Trước khi khởi hành, tùy theo chức trách của mình, thuyền viên và người lái phương tiện phải kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông đường thủy đối với người và phương tiện; phổ biến cho khách du lịch cách sử dụng áo phao cứu sinh, trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và sử dụng búa để mở hoặc phá cửa thoát hiểm;”.

Trích Thông tư liên tịch Số: 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL “Quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa”

Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án gây tai nạn giao thông đường thủy trên vịnh Hạ Long khiến 5 khách du lịch Đài Loan (Trung Quốc) thiệt mạng. Theo đó, cơ quan điều tra đã tạm giữ Mạc Văn Dưỡng (SN 1976, trú tại Hải Dương), thuyền trưởng tàu Paradise QN 6688, cũng là người trực tiếp điều khiển xuồng chở 18 du khách Đài Loan, để phục vụ cho công tác điều tra.

Xung quanh vụ tai nạn chìm tàu khiến 5 du khách Đài Loan (Trung Quốc) không may thiệt mạng, ngày 11/10, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc – Đài Loan (Trung Quốc) tại Việt Nam đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh bày tỏ cám ơn sâu sắc đối với UBND tỉnh Quảng Ninh, các đơn vị chủ quản về sự giúp đỡ nhiệt tâm, thu xếp việc hậu sự cho người bị nạn. Đồng thời mong UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cơ quan hữu quan cần phải tăng cường thắt chặt hơn nữa các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách.

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT